Trường nghề điêu đứng

Điểm sàn ĐH, CĐ năm nay thấp, các trường “hớt” hết thí sinh, đẩy trường nghề, trung cấp chuyên nghiệp vào cảnh điêu đứng.

Đại diện nhiều trường nghề, trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) tại TP HCM dự đoán năm nay tuyển sinh sẽ khó khăn. Đến thời điểm này, Trường Trung cấp nghề Bách khoa Sài Gòn nhận được 450 hồ sơ nhưng đối tượng chủ yếu là những học sinh mới tốt nghiệp THPT, không dự thi ĐH, CĐ; còn hầu như không dám trông chờ vào số thí sinh (TS) đủ điểm sàn.

Không trông mong vào xét điểm sàn

Ông Châu Văn Dưỡng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Bách khoa Sài Gòn, cho biết cùng thời điểm này năm trước, trường chỉ tuyển được 100 hồ sơ, mặc dù lượng hồ sơ năm nay tăng gần 300 nhưng đây chủ yếu là số TS vừa tốt nghiệp THPT, không đủ khả năng dự thi ĐH, CĐ hoặc trượt tốt nghiệp năm trước, năm nay thi lại. “Trường hầu như không dám trông chờ vào đối tượng là TS xét tuyển theo điểm sàn. Phổ điểm cao, điểm sàn thấp, các trường ĐH ngoài công lập sẽ vét hết TS, trong khi trường nghề, TCCN tiếp tục lâm vào thế khó” - ông Dưỡng phân tích.

Trường nghề điêu đứng - 1

Giờ thực tập của sinh viên ngành công nghệ thông tin ở Trường CĐ nghề TP HCM

Tương tự, tại Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương, tình trạng tuyển sinh cũng rất khó khăn. Ông Nguyễn Đắc Hiển, Trưởng Phòng Đào tạo nhà trường, thông tin: “Đặc thù của trường nghề là tuyển sinh quanh năm, đến cuối tháng 8 mới có số liệu tuyển sinh chính thức nhưng hiện tại lượng hồ sơ nộp vào trường chỉ lác đác, giảm từ 30%-40% so với năm trước”.

Tại Trường Trung cấp Đại Việt, theo thống kê của phòng đào tạo, trường chỉ nhận được khoảng 100 hồ sơ so với gần 800 hồ sơ ở những năm trước. “Ngoài nguyên nhân các ngành quản trị kinh doanh, tài chính đã bão hòa nên TS không mặn mà, còn do quy chế liên thông siết chặt khiến TS thà ở nhà ôn thi nếu trượt năm đầu còn hơn học các trường TCCN, trường nghề” - ông Lê Lâm, hiệu trưởng trường này, nói.

Tự cứu

Bà Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn, cho hay nguồn tuyển của trường tương đối ổn định do định hướng của TS có từ trước, muốn có một nghề nghiệp chắc chắn chứ trường hoàn toàn không trông mong vào số TS trượt ĐH sẽ vào CĐ.

Ông Châu Văn Dưỡng cho rằng các trường chỉ còn cách tự cứu mình. “Sở dĩ số hồ sơ nộp vào trường năm nay tăng là do trường đã mở rộng cơ sở vật chất, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức phân luồng tốt đối với đối tượng học sinh trên địa bàn huyện Củ Chi. Trường cũng chú trọng đầu ra, lo việc làm cho học sinh đến nơi đến chốn. Ngay trong thời gian học, học sinh được làm thêm bán thời gian tại bệnh viện, công ty dược. Trong tình hình tuyển sinh khó khăn, các trường phải biết tự cạnh tranh nhau về chất lượng đào tạo để chính những học sinh của mình tự quảng bá mà không thể trông chờ vào chính sách” - ông Dưỡng phân tích.

Theo ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, chưa có bức tranh tổng thể về tuyển sinh của các trường chuyên nghiệp, trường nghề nhưng với thực tế hiện nay, nhiều trường ĐH vẫn còn được đào tạo hệ thấp hơn nên các trường nghề dĩ nhiên sẽ gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh.

Phân luồng không nhất quán

Hiệu trưởng một trường nghề tại TP HCM phân tích rằng các chính sách, chủ trương về phân luồng hiện nay chưa nhất quán, giáo dục ĐH vẫn được phép tuyển sinh và đào tạo các bậc thấp hơn đã khiến nhiều trường nghề lao đao. Thông tư 57 của Bộ GD-ĐT quy định các trường ĐH không đào tạo trình độ TCCN được xem là tín hiệu vui cho các trường nghề. Tuy nhiên tháng 6-2011, khi Bộ GD-ĐT sửa đổi điều 6 trong Thông tư 57 nêu rõ các trường ĐH không phải ngừng tuyển sinh hệ TCCN ngay từ năm 2012 mà xây dựng lộ trình giảm dần chỉ tiêu tuyển sinh hệ này (mỗi năm giảm không thấp hơn 20% so với chỉ tiêu năm 2011) để dừng tuyển sinh hệ đào tạo này trước năm 2017 khiến các trường nghề lại rơi vào thế khó.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đặng Trinh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN