Trung tâm đào tạo ngắn hạn bị "bỏ rơi"
“Thực tế mô hình các Trung tâm đào tạo ngắn hạn đã tồn tại nhiều năm và đang phát triển bền vững nhưng Bộ GD-ĐT chưa có quy chế về tổ chức và hoạt động tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lí các TT trên địa bàn các tỉnh, thành phố” – Phó GĐ Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại nêu ý kiến.
Thanh kiểm tra đột xuất các trung tâm
Báo cáo của Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Tính đến 30/11/2012, trên địa bàn thành phố có 51 Trung tâm đào tạo Tin học, Ngoại ngữ và Nghiệp vụ chuyên ngành ngắn hạn (gọi tắt là Trung tâm (TT) còn thời hạn hoạt động với hơn 10.000 học viên theo học.
22 trong số đó được Sở cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lần đầu và gia hạn hoạt động năm 2012. 24 gia hạn hoạt động từ năm 2011 và 5 TT gia hạn hoạt động năm 2010 đến nay đã hết hạn nhưng chưa làm thủ tục gia hạn đăng ký hoạt động.
Ngoài ra một số tổ chức, doanh nghiệp đang tổ chức hoạt động lĩnh vực nghề nghiệp mà không đăng ký hoạt động với cơ quan quản lí có thẩm quyền. Nguyên nhân chủ yếu do các TT này chưa nắm chắc quy định về loại hình kinh doanh ghi trong giấy phép.
Bên cạnh đó, việc rà soát của Sở GD-ĐT Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn: địa bàn rộng, lực lượng rà soát mỏng, sự phối hợp giữa các ban ngành để thanh kiểm tra còn hạn chế. Chỉ khi có sự cố liên quan thì các đơn vị này mới đến Sở để làm thủ tục đăng ký hoạt động.
Không khí Hội nghị Tổng kết Trung tâm đào tạo bồi dưỡng Tin học, Ngoại ngữ và Nghiệp vụ chuyên ngành của Hà Nội vừa diễn ra sáng 7/12.
Cũng theo Sở GD-ĐT Hà Nội một số trung tâm quản lí, giáo viên trình độ chưa đáp ứng, thiếu kinh nghiệm, là SV đang học năm cuối hoặc mới tốt nghiệp ra trường. Không ít TT cơ sở vật chật chất kém, phòng học chật hẹp, trang thiết bị còn thiếu và lạc hậu.
Những nguyên nhân trên dẫn tới các TT hoạt động kém hiệu quả, nguồn tuyển sinh bị thu hẹp.
Trước tình hình trên Phó GĐ Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại cho biết: Năm 2012-2013 Sở sẽ kiểm tra thường xuyên, đột xuất, giám sát tình hình của các TT này. Sở cũng đôn đốc các TT báo cáo kết quả hoạt động định kỳ theo quy định.
Sở sẽ phối hợp với các phòng, ban, sở ngành có liên quan cũng như PA83 CA TP Hà Nội thành lập đoàn thanh kiểm tra và xử lí các TT vi phạm theo quy định của pháp luật.
Chưa có quy chế
Lắng nghe ý kiến đóng góp của các TT, ông Đại khẳng định: “Sở sẽ làm chặt khâu thẩm định cơ sở vật chất, chương trình, năng lực đội ngũ của cấn bộ giáo viên của các TT. Khi cấp giấy phép xong các TT mới được hoạt động.
Sở cũng công khai danh sách các trung tâm đang hoạt động lên mạng, có số điện thoại, tên của người đứng đầu. Các TT không đăng ký hoạt động hoặc bị thu hồi giấy phép cũng sẽ được công khai. Nếu TT chuyển địa điểm thì phải thông báo với Sở. Trong vòng 15 ngày, nếu không báo cáo coi như không hoạt động nữa”.
Ghi nhận những thành quả từ sự năng động của các TT, vị Phó GĐ cũng mong muốn nhưng cơ sở này nghiên cứu “để làm sao có chất lượng cao và các chương trình đẳng cấp quốc tế”.
Một thực tế cũng được Phó GĐ Phạm Văn Đại chỉ ra trong Hội nghị Tổng kết Trung tâm đào tạo bồi dưỡng Tin học, Ngoại ngữ và Nghiệp vụ chuyên ngành của Hà Nội vừa diễn ra sáng 7/12 đó là:
“Hiện Bộ GD-ĐT chưa có quy chế về hoạt động của các TT. Dù vậy, đây là mô hình đã tồn tại nhiều năm và đang phát triển một cách vững chãi. Trong thời gian tới, Sở sẽ có nghiên cứu trình Bộ quy định, quy chế quản lý và hoạt động của các TT trên địa bàn thủ đô và cả nước”.