Trò mơ màng, thầy “cháy” giáo án

Học sinh ngày càng thiếu tập trung trong giờ lên lớp là thực trạng đáng báo động tại các trường học hiện nay.

“Tôi đã dạy học 20 năm nhưng càng ngày càng thấy học sinh (HS), đặc biệt ở bậc tiểu học, rất mơ màng trong giờ lên lớp. Cứ phải liên tục nhắc nhở các em tập trung trong khi chương trình - sách giáo khoa (SGK) rất nặng nên giáo viên (GV) phải chạy theo giáo án đến bở hơi tai” - một GV tại quận 7, TP HCM nêu thực trạng.

Thiếu sinh động, nặng nề từ lớp 1

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo GV trên, là do HS ngày nay ở nhà được sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử như iPad, điện thoại, máy tính... nên khi đến lớp, các em không tha thiết với những trang sách thiếu sinh động. GV dù rất nhiều cố gắng cũng không thể soạn ra những hình ảnh, lời thoại hấp dẫn như phim hoạt hình, game... để thu hút sự tập trung của học trò. Vì vậy, tình trạng trò quậy phá, nói chuyện ngày càng nhiều.

Trò mơ màng, thầy “cháy” giáo án - 1


Học sinh bậc tiểu học rất hiếu động nên chương trình - SGK phải nhiều hình ảnh sinh động để thu hút các em. Ảnh: TẤN THẠNH

“Để thu hút HS, cần những bài giảng có hồn nhưng ngay cả trong hướng dẫn giảng dạy cho GV, những câu hỏi gợi ý cũng được áp đặt sẵn. Chẳng hạn, trong sách Tiếng Việt lớp 4, bài “Những hạt thóc giống” mục đích là giáo dục HS tính trung thực nhưng câu gợi ý cho GV hỏi HS là: Theo em, vì sao người trung thực là đáng quý? Rõ ràng những câu hỏi như vậy không kích thích suy nghĩ, sự hứng thú cho HS bởi bản thân trung thực là đáng quý rồi” - một GV dẫn chứng.

ThS Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho rằng dù biết vai trò của GV là biến khó thành dễ, phải bằng mọi cách thu hút để trẻ trật tự, ngoan ngoãn trong giờ học nhưng việc SGK, tùy đặc điểm từng môn học, nhất là các môn khoa học càng trình bày hấp dẫn, sinh động bao nhiêu càng đỡ cho người thầy và HS bấy nhiêu.

GV một trường tiểu học tại quận Gò Vấp phân tích: SGK thiết kế cho trẻ nhỏ của chúng ta rất ngược đời. Ở các lớp nhỏ, những hình ảnh trực quan sinh động, bài học nhẹ nhàng rất cần thiết với HS. Xuất phát từ tâm lý các em mới hoàn thành bậc mầm non, vẫn còn vui chơi là chính nên việc kiến thức ôm đồm, nặng nề ngay từ lớp 1 khiến các em hụt hẫng và áp lực.

Trên thế giới, SGK tiểu học thường được thiết kế, trình bày trên khổ to, nhiều hình ảnh phong phú, màu sắc đẹp, bắt mắt. Những nội dung gắn liền với hình ảnh cũng nhẹ nhàng, gần gũi, đặc biệt hấp dẫn để thu hút học sinh. Thậm chí, nhiều sách còn không ngần ngại đưa những nhân vật hoạt hình vào. Việc sử dụng kênh hình trong sách cũng rất “đắt” về giá trị thẩm mỹ và giáo dục. Song song đó, GV sẽ đóng vai trò gợi mở các câu hỏi, bài tập trong sách để HS tự khám phá kiến thức. “Ngược lại, hiện nay SGK ở tiểu học yêu cầu mức độ hiểu biết quá nhiều nhưng bài học lại thiếu thực tế. Trẻ sẽ không thể tiếp thu và sáng tạo trên cái gì mà mình không biết và không hứng thú” - GV này nói.

Xem nhẹ phương pháp dạy học

ThS Nguyễn Thị Thu Hiền, GV Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, cho rằng việc HS mất tập trung trong học tập xuất phát từ chương trình dạy học lâu nay chưa chú ý đến người học. Chương trình dạy học được hiểu là mục tiêu, nội dung, phương pháp và cách thức đánh giá kết quả dạy học. Tuy nhiên hiện nay, chương trình chỉ chú trọng đến nội dung dạy học, trong khi phương pháp dạy học của người thầy là cực kỳ quan trọng để thu hút, rèn luyện cho HS tính tự chủ, tự giác trong học tập... lại xem nhẹ. Chưa kể đến các phương pháp nhận xét, đánh giá hiện nay lại khiến người thầy dù có linh hoạt đổi mới giờ dạy cũng rất khó vì sợ... chệch hướng.

Ông Ngô Tương Đại, Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Quang Trung - Nguyễn Huệ, cho rằng SGK cần bỏ  tính hàn lâm, sử dụng nhiều hình ảnh. Chẳng hạn, dạy về trời mưa nhưng ở mức độ lớp 3 thế nào, lên lớp 8 ra sao. Lớp 11 nâng cao mức độ nào và vào ĐH sẽ khác chứ không thể thiết kế theo kiểu lớp 3 mà bắt tiếp thu như kiến thức lớp 11 được. Tuy nhiên, trong điều kiện SGK là phương tiện duy nhất, ThS Lê Ngọc Điệp cho rằng GV phải tự đổi mới cách dạy để thu hút HS. Các trường sư phạm cần phải đổi mới, tăng cường đào tạo người thầy về phương pháp dạy học.

Theo ThS Nguyễn Thị Thu Hiền, hoạt động dạy học đang thiếu vắng các thao tác, kỹ năng, kỹ xảo của người thầy phù hợp với mục tiêu giáo dục ở giai đoạn hiện nay. Yêu cầu đổi mới về phương pháp dạy học đòi hỏi ở GV năng lực tổ chức các hoạt động cho HS trong và ngoài giờ học; dạy cho HS phương pháp tự học, chủ động với SGK và tài liệu tham khảo; hướng dẫn HS cách thức làm bài tập nghiên cứu khoa học.

“Những giờ học nhàm chán xuất phát từ lối dạy áp đặt, nhồi nhét, chạy theo thành tích thi cử, tỉ lệ lên lớp, tốt nghiệp... GV được ví ở các vai trò là nhạc trưởng, nhà thiết kế, huấn luyện viên, trọng tài cho nên vai diễn chính trong lớp học phải là HS. Thế nhưng, thực tế hiện nay là GV giành vai diễn của HS và với lối dạy độc diễn khiến các em không hứng thú học tập” - ThS Hiền nhận định.

Do không còn áp lực điểm số?

Nhiều GV cho rằng Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có giảm áp lực cho HS về chuyện điểm số nhưng chưa tính đến việc suốt cả một quá trình dài, việc viết sách, phương pháp giảng dạy chưa thật sự chú trọng tới khuyến khích HS tự tìm hiểu, tự học.

Lâu nay, GV vẫn đóng vai trò trung tâm trong giờ giảng. Thử hỏi một lớp với sĩ số trung bình 40 HS, loay hoay giảng giải, cầm tay bắt học cho từng em thì thời gian nào cho đủ? Chương trình - SGK chưa thay đổi nhưng lại bỏ chấm điểm khiến cả HS và phụ huynh đều không còn thấy áp lực của việc học tập, Vì vậy, nhiều em cứ học tàng tàng vẫn đạt nên thiếu tập trung.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Người lao động
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN