Trẻ thành công không phải bằng điểm số
Thành công của một đứa trẻ không thể đo được bằng chỉ số IQ, các bài kiểm tra chuẩn hóa hay những câu đố từ vựng – tác giả Paul Tough nhận định. Theo ông, thành công là cách mà trẻ hình thành tính cách. Tough đã khai thác quan điểm này trong cuốn sách mới “Cách trẻ thành công: Sự bạo dạn, tính hiếu kỳ và sức mạnh ẩn giấu của tính cách”.
“Với một số người, con đường dẫn tới giảng đường đại học dễ dàng đến mức họ có thể bước vào cuộc sống và không bao giờ thực sự bị thử thách. Tôi cho rằng khi họ bước vào độ tuổi 20, 30 và họ thực sự cảm thấy bị mất mát – họ cảm thấy như họ chưa bao giờ có những trải nghiệm về việc hình thành tính cách đó như những thanh thiếu niên, như những đứa trẻ. Điều đó thực sự mang lại sự khác biệt khi họ trưởng thành”.
Điều đó không đúng với những thanh thiếu niên mà Tough đã gặp trong suốt thời gian anh sống ở những khu vực phức tạp nhất Chicago. Ở đó, anh làm việc với những thanh niên đã vượt qua những thách thức không thể tưởng tượng nổi. Một phụ nữ trẻ mà anh làm việc cùng từng bị một người thân lạm dụng tình dục. Cô từng tham gia ẩu đả ở trường và có nguy cơ phải bỏ học giữa chừng. Nhưng sau đó cô đã tham gia một chương trình tư vấn chuyên sâu – cái đã làm thay đổi cuộc đời cô.
Thành công của của một đứa trẻ không phải ở điểm số (Ảnh minh họa)
“Cô ấy đã cố gắng suốt những năm học trung học, vượt qua rất nhiều trở ngại và hiện đang học để lấy bằng Mỹ dung học” – Tough nói. “Đối với một số người, đó không phải là một thành công lớn. Nhưng với cô ấy, cô ấy đã vượt qua những trở ngại không chỉ đặt cô ấy trên con đường thành công về vật chất mà còn là thành công về mặt tâm lý”.
Tough cho rằng điều làm nên sự khác biệt phụ thuộc vào con người. Những chương trình tư vấn có thể có tác dụng. Bố mẹ cũng nên cố gắng giúp trẻ kiểm soát những căng thẳng từ khi còn nhỏ.
Những chia sẻ của tác giả Paul Tough về những kĩ năng quyết định sự thành công của trẻ và cách mà các phụ huynh nên làm để phát triển những kĩ năng đó ở trẻ.
Thí nghiệm trên chuột
“Khi những con chuột nhỏ bị căng thẳng, chúng tôi chia thành 2 nhóm. Một nhóm cho những con chuột mẹ liếm láp con mình, còn nhóm kia thì không. Nhờ đó, các nhà khoa học đã phát hiện ra những khác biệt lớn. Những con chuột con được mẹ liếm láp, khi lớn lên đã làm nhiều việc tốt hơn. Chúng can đảm hơn, hiếu động hơn. Hành động của con mẹ trước đó đã thực sự làm thay đổi hình dạng một số bộ phận của não chuột.
Paul Tough - tác giả cuốn sách “Cách trẻ thành công: Sự bạo dạn, tính hiếu kỳ và sức mạnh ẩn giấu của tính cách”
“Tôi cho rằng có một sự tương đồng ở con người. Chúng tôi không chắc rằng não người hoạt động chính xác như não chuột, nhưng tôi cho rằng có nhiều sự tương đồng giữa điều đó và nghiên cứu về sự gắn kết. Các nhà tâm lý học nghiên cứu về sự gắn kết phát hiện ra rằng khi trẻ nhận được sự âu yếm từ bố mẹ, đặc biệt là ở tuổi đầu tiên, điều đó sẽ mang lại sức mạnh tâm lý. Khi trẻ đến tuổi đi học, thậm chí là khi trưởng thành, tính cách tự tin đó sẽ mang lại khác biệt lớn trong hiệu quả công việc mà chúng làm.
Biết lúc nào nên để trẻ tự đi
“Có 2 giai đoạn trong thời kì làm cha mẹ và thật khó để nói đâu là thời điểm chuyển giao giữa 2 giai đoạn đó. Khi trẻ còn nhỏ (1, 2 tuổi), hiểu biết của tôi từ nghiên cứu này là bạn không nên quá yêu thương chúng… Điều mà trẻ cần ở thời điểm đó là sự hỗ trợ, sự quan tâm. Nhưng ở một số thời điểm khi trẻ 1, 2, 3 tuổi, điều này bắt đầu thay đổi và điều trẻ cần là sự độc lập và những thách thức. Và tất nhiên khi trẻ bước vào giai đoạn giữa thời thơ ấu và tuổi vị thành niên thì đó chính xác là điều mà chúng cần. Trẻ cần cha mẹ hãy quay lưng lại, để cho chúng ngã, để chúng được chiến đấu trong những trận chiến của riêng mình”.
Suy nghĩ lại về yếu tố quyết định thành công
“Chắc chắn là những kĩ năng thuộc về nhận thức và IQ tạo sự khác biệt lớn, khả năng về tự vựng cũng vậy. Nhưng các nhà khoa học, các nhà kinh tế, các nhà thần kinh học và tâm lý học – những người mà tôi đang nghiên cứu và viết về họ - lại không cho rằng IQ, điểm số là những yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của trẻ. Tôi cho rằng có nhiều bằng chứng cho thấy những sức mạnh khác như sức mạnh tính cách, những kĩ năng không liên quan đến nhận thức ít nhiều cũng quan trọng trong sự thành công của một đứa trẻ, thậm chí có thể là quan trọng hơn.
Nhà trường tập trung vào điểm số
“Hiện tại chúng ta đang có một hệ thống giáo dục thực sự không quan tâm tới những kĩ năng không thuộc về nhận thức… Tôi cho rằng hiện tại, nhà trường đang không cố gắng phát triển những tính cách như sự can đảm, tính kiên trì và sự hiếu động… Đặc biệt trong một thế giới mà chúng ta đang ngày càng quan tâm tới những bài kiểm tra – thứ đo lường một phạm vi khá hẹp của các kĩ năng nhận thức, thì các giáo viên ít khi được khích lệ để nghĩ về cách phát triển những kĩ năng này ở trẻ.
Nuôi dạy con trai 3 tuổi của tôi
“Vợ tôi và tôi có con trai khi tôi đang mải mê với nghiên cứu này, vì thế tôi đã dành nhiều thời gian để chơi với con trên sàn nhà, rồi sau đó đọc những tài liệu về tâm lý học và thần kinh học và cố gắng không để chúng ảnh hưởng tới tôi quá nhiều. Nhưng tôi nghĩ là tôi đã rút ra được một vài điều.
Một là trong độ tuổi còn ẵm ngửa, những hành vi thúc đẩy sự gắn kết là một điều vô cùng quan trọng và nó sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trong cách mà bộ não phát triển, cách mà hệ thống phản ứng với căng thẳng phát triển và điều đó sẽ giúp con trai tôi nhiều trong tương lai.
Nhưng hiện tại tôi thấy mình thực sự đang băn khoăn trước câu hỏi về việc nên đứng phía sau nhiều hơn và trao cho cậu bé nhiều thách thức hơn, cho phép thằng bé ngã – đôi khi là theo nghĩa đen – và làm trầy da thằng bé, không đỡ mà để cho thằng bé tự đứng dậy. Và chắc chắn điều mà tôi thấy và tôi biết, nhiều bậc cha mẹ khác cũng đã biết trước tôi là bọn trẻ thực sự thích điều đó. Điều mà trẻ muốn trong giai đoạn này là chứng minh mình có thể làm được mọi thứ. Và tôi nghĩ điều có giá trị nhất mà tôi có thể làm cho thằng bé ngay lúc này là đứng lùi lại phía sau và để thằng bé tự làm điều đó”.