TP.HCM sẽ dành đất xây trường mầm non
Đó là quan điểm của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận khi nói về khó khăn trong việc xây dựng trường mầm non trong nội đô TP.HCM tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật giáo dục mầm non trên địa bàn TP ngày 18/8.
11 phường chưa có trường mầm non
Báo cáo với đoàn giám sát, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Trần Thị Kim Thanh cho biết, mặc dù trong năm học vừa qua, TP tăng thêm 85 trường mầm non (nâng tổng số trường lên 912, trong đó có 493 trường mầm non ngoài công lập), tăng 226 nhóm lớp mầm non tư thục có phép (trong tổng số 1.469 nhóm lớp) nhưng tình trạng thiếu trường, nhóm lớp mầm non vẫn còn rất lớn. Hiện TP có hơn 330.000 học sinh mầm non. Số lượng trường công lập cả TP chỉ đáp ứng 48,7% tổng số trẻ.
“Do đặc thù của TP.HCM gia tăng dân số cơ học quá nhanh nên dù xây dựng trường lớp rất nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Đặc biệt, hiện các KCX-KCN thiếu trầm trọng trường mầm non, còn nhiều tiềm ẩn không an toàn cho trẻ” - bà Thanh nói. Bà Thanh cho biết thêm, hiện nay TP có 11 phường chưa có trường mầm non công lập vì không còn đất để xây trường mầm non. Trong năm học này, nhiều quận, huyện phải xây dựng trường mầm non liên phường để đảm bảo trẻ được đi học.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận: “Không thể phá nhà dân để xây trường”. Ảnh: T.LÂM
Dành 1%-2% đất KCX-KCN để xây nhà trẻ
Các thành viên đoàn giám sát đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng trường mầm non ở KCN-KCX. TP.HCM có cách tháo gỡ nào để giải quyết nhu cầu cho con em công nhân? Trả lời vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận cho biết: “Trong nội đô thì không thể giải tỏa nhà dân để làm trường hoặc những điểm trường có cơ sở nhỏ hẹp thì không thể xây vượt độ cao trái với quy định an toàn nên chúng tôi phải sử dụng đến giải pháp tình thế là sẽ làm trường mầm non liên phường”.
Đối với trường mầm non ở KCN-KCX, ông Hứa Ngọc Thuận cho biết, 10 năm trước, việc quy hoạch đã không tính đến việc xây dựng trường lớp, nhà trẻ, khu văn hóa và nhà ở cho công nhân. Hiện nay, TP xin chủ trương điều chỉnh một phần diện tích đã quy hoạch khu công viên cây xanh tập trung, dành ra 1%-2% diện tích trong toàn khu (khoảng 5.000-7.000 m2) để xây dựng nhà trẻ cho con em công nhân. “Đất được giao là đất sạch, Ban Quản lý KCN-KCX vận động doanh nghiệp bỏ tiền ra xây, đội ngũ giáo viên do TP đào tạo, đây là bài toán xã hội hóa dưới sự chủ trì của TP. Ngân sách trong một lúc không có đủ, còn khó khăn, TP vay ngân hàng để giải trước mắt bài toán xây trường” - ông Thuận nói.
Chỉ hai hồ sơ xin học
Tại buổi làm việc, đoàn giám sát đề nghị TP lý giải vì sao số lượng trẻ 6-18 tháng tuổi nhập học ở các trường thí điểm lại chưa cao? Chủ trương vướng mắc ở đâu? Vì sao phụ huynh không nhiệt tình?
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Trần Thị Kim Thanh cho biết, khi bà đến các quận, huyện kiểm tra, số học sinh đăng ký học rất ít, thậm chí có quận, huyện chỉ có hai bộ hồ sơ đăng ký. “Để trả lời lý do vì sao thì cần có một năm thí điểm chứ hiện giờ chúng tôi không chủ quan đưa ra câu trả lời ngay. Nhưng cảm nhận của chúng tôi là mặc dù phụ huynh có nhu cầu thật nhưng để gửi con em mới sáu tháng đến nhà trẻ thì họ vẫn còn nhiều thứ băn khoăn. Một điều nữa, chúng tôi thí điểm ở trường công lập, giờ học theo thời gian quy định nên không phù hợp với nhu cầu của công nhân. Họ vẫn muốn gửi nơi nào gần chỗ làm việc nhất để cho con bú nên số lượng gửi trẻ không cao. Chúng tôi sẽ nắm bắt thêm dư luận xã hội để biết được lý do vì sao” - bà Thanh nói.
Theo ông Hứa Ngọc Thuận, việc chăm sóc trẻ 6-12 tháng rất khó, mỗi 15 trẻ phải có bốn cô giáo. Để thu hút trẻ 6-18 tháng tuổi đến trường, TP cũng quan tâm đến việc ký kết hợp đồng với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và Trường CĐ Sư phạm Trung ương 3 mở tám lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên chăm sóc trẻ ở độ tuổi này.
Tại buổi làm việc, TP.HCM kiến nghị Trung ương xem xét cho trường mầm non ngoài công lập được thuê đất và giảm tiền thuế thuê đất, trong đó, TP kiến nghị ở nội thành thì giảm 50% tiền thuê đất. Ông Trịnh Ngọc Thạch, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ghi nhận những ý kiến của TP. Đối với những kiến nghị của TP, đoàn giám sát sẽ trình Quốc hội trong tháng 10 này. 455 là số giáo viên mầm non cần tiếp tục tuyển dụng đợt 2 để đáp ứng nhu cầu của các cơ sở giáo dục mầm non công lập trong năm học 2014-2015. Trước đó, ngành giáo dục TP.HCM đã tuyển dụng đợt 1 được 482 giáo viên. Bà TRẦN THỊ KIM THANH, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM |