Thi THPT quốc gia 2015: "Nghịch lý" phân bổ cụm thi ở TP.HCM
Việc phân bổ thí sinh giữa 8 cụm thi tại TP.HCM chưa hợp lý, dẫn đến tình trạng thí sinh (TS) ở gần phải thi trường xa.
Thông tin trên được đưa ra tại phiên họp đầu tiên bàn về cụm thi do Bộ GD-ĐT phối hợp UBND TP.HCM tổ chức, với sự tham dự của đại diện 8 trường ĐH chủ trì cụm thi liên tỉnh và 8 sở GD-ĐT địa phương khu vực Đông Nam bộ, diễn ra chiều 9.4 ở TP.HCM.
Thí sinh dự thi tại ĐH Sài Gòn năm 2014
Giảm áp lực khoảng 1/3 so với năm 2014
Theo ông Hồ Phú Bạc, trưởng Phòng khảo thí và kiểm định chất lượng (Sở GD-ĐT TP.HCM), để hỗ trợ cho 8 cụm thi, Sở GD-ĐT TP.HCM đã chủ động chuẩn bị trước các địa điểm thi cho các cụm thi và lực lượng giám thị, kể cả giám khảo sẵn sàng khi trường ĐH chủ trì cụm thi có nhu cầu. Dự kiến, thành phố sẽ huy động tổng cộng hơn 6.200 giám thị và trên 2.300 giám khảo. Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho TS, các huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ và Bình Chánh do hiện điều kiện về nhà trọ rất ít và xa nên Sở GD-ĐT sẽ không bố trí điểm ở những huyện này.
Về việc phân bổ điểm thi, Sở GD-ĐT TP.HCM đề nghị sắp xếp dự kiến các điểm thi gồm; cụm thi của ĐH Quốc gia TP.HCM (Q.Tân Bình, Bình Thạnh) có khoảng 11.014 TS với dự kiến có 24 điểm thi; Cụm thi ĐH Công nghiệp TP.HCM khoảng 11.885 TS với khoảng 40 điểm thi; Cụm thi ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM có khoảng 8.112 TS, có tối đa 28 điểm thi. Cụm thi ĐH Sư phạm TP.HCM khoảng 14.179 TS và khoảng 39 điểm thi; Cụm thi ĐH Sài Gòn có 9.264 TS với tối đa 94 điểm thi; Cụm thi ĐH Tôn Đức Thắng có 3678 TS với khoảng 18 điểm thi; Cụm thi ĐH Y dược TP.HCM có 4961 TS với 13 điểm thi và Cụm thi ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM có 6.037 TS với 19 điểm thi.
Trong khi đó, tiến sĩ Hà Hữu Phúc, Vụ trưởng, giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, cho biết số liệu thống kê sơ lược cho thấy, năm nay TS là học sinh các trường THPT của TP.HCM có khoảng 70.000 em; số lượng TS vãng lai dự kiến có khoảng 30.000 và khoảng 62.000 TS di chuyển từ 7 tỉnh lên TP.HCM dự thi. Như vậy tại TP.HCM sẽ có khoảng 162.000 thí sinh dự thi tại đây. Nếu so với đợt thi đầu tiên kỳ thi ĐH năm ngoái có tới 234.000 thí sinh thì kỳ nay năm nay áp lực sẽ giảm tới 1/3.
Tuy nhiên, vẫn có những vấn đề khiến nhiều trường chủ trì cụm thi lo lắng là khâu chấm thi các môn tự luận. Về vấn đề này, ông Phúc cho biết: Qua làm việc với đại diện các sở GD-ĐT, các Sở đã nhất trí nếu các trường cần giáo viên chấm thi thì sẽ phối hợp điều động giáo viên tham gia chấm thi cũng như việc lo thù lao chấm thi cho giáo viên.
Thí sinh ở gần phải đi thi xa
Ngoài lo lắng về khâu chấm thi, tình hình an ninh, điện nước… để đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc. Đại diện các trường cũng cho rằng việc phân bổ các cụm thi chưa hợp lý sẽ dẫn đến tình trạng TS ở gần phải đi thi xa. Theo ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM: Việc phân bố địa phương ở cụm thi có sự bất hợp lý. Chẳng hạn, TS ở Q.2 nếu di chuyển về khu vực ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM chỉ mất có 5km nhưng theo cách bố trí hiện nay thì học sinh quận này phải về thi tại Trường ĐH Sài Gòn (Q.5) sẽ mất đến hơn 10km. Tương tự, học sinh ở Q.12 nếu về Q.Thủ Đức dự thi sẽ phải di chuyển thêm tới 16 km, trong khi việc di chuyển trên đường xa lộ sẽ rất nguy hiểm và dễ kẹt xe.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng cho rằng: Danh sách cụm thi phân chia theo địa bàn đăng ký nên để cụm thi chịu trách nhiệm, còn tổ chức các điểm thi ở đâu thì Sở GD-ĐT cho các cụm tự thương lượng với nhau bởi phân bố như hiện nay rất mất cân đối. Cụ thể, ông Nghĩa dẫn chứng: Cụm thi ĐH Sài Gòn chỉ có hôn 9.000 TS mà tới 94 điểm thi, trong khi ĐH Quốc gia TP.HCM có hơn 11.000 TS lại chỉ có 24 điểm thi.
“Đề nghị Sở GD-ĐT cung cấp số lượng trường THPT trên địa bàn, số lượng phòng, sức chứa phòng thi để các trường có thể cân đối”, ông Nghĩa nói.