Thạc sĩ, cử nhân ồ ạt học… trung cấp: Dạy lấy được

Chất lượng đào tạo ĐH, CĐ đang xuống cấp trầm trọng khiến cử nhân không đáp ứng được nhu cầu của đơn vị tuyển dụng, buộc phải đi theo quy trình ngược.

Với tấm bằng tốt nghiệp ngành kế toán loại khá ở một trường ĐH tại TP HCM, Nguyễn Thị Lan hăm hở cầm hồ sơ đi tìm việc. Thế nhưng, sự tự tin của cô giảm dần khi không những doanh nghiệp lớn mà cả doanh nghiệp nhỏ cũng lắc đầu. Hơn 10 tháng đi xin việc, Lan không thể nào tìm được công việc đúng chuyên ngành đào tạo nên đành đăng ký học ngành khác ở một trường TCCN.

Sai lầm vì chạy theo bằng cấp

Lan hiện đang làm quản trị nhà hàng ở TP HCM, một công việc đúng ngành học sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist. “Mỗi khi nghĩ đến quãng thời gian vừa tốt nghiệp ĐH, em lại thấy buồn. Hồi còn học THPT, ước mơ của em và nhiều bạn là được vào ĐH, bét ra cũng CĐ. Bạn bè em nhiều đứa phải thi đến lần thứ hai mới đậu. Suốt 4 năm ĐH, em đặt ra nhiều dự định cho tương lai nhưng kết cục lại không kiếm được việc làm. Lúc đó, em như từ thiên đường rơi xuống địa ngục, nhiều lúc suy nghĩ tiêu cực” - Lan kể lại.

Lê Thị Tuyền, quê Vĩnh Long, tốt nghiệp ĐH hệ chính quy của một trường dân lập ở TP HCM nhưng suốt thời gian dài cũng không tìm được việc làm đúng ngành nghề đào tạo. Không muốn phụ thuộc gia đình, Tuyền phải làm mọi việc có thể, từ phục vụ quán cà phê cho đến bưng bê trong quán nhậu. Dành dụm được chút tiền, năm 2009, cô học nghề pha chế rượu ở Trường Trung cấp Âu Việt rồi kiếm được công việc ổn định ở một nhà hàng.

Thạc sĩ, cử nhân ồ ạt học… trung cấp: Dạy lấy được - 1

Học viên Trường Trung cấp Âu Việt trong giờ học về pha chế rượu

Không ít thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp phải chuyển sang học trung cấp, học nghề tâm sự rằng họ đã sai lầm khi chọn ngành học. Lúc đăng ký thi ĐH, họ chỉ thấy thích rồi thi chứ không được định hướng học ra làm gì, cơ hội làm việc đến đâu. Ngoài ra, khi ra trường mà không xin được việc làm, nhiều người mới vỡ lẽ tấm bằng ĐH không phải là điều kiện của sự thành công như họ từng mơ…

Chất lượng ĐH xuống cấp

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, cho rằng tình trạng cử nhân thất nghiệp ngày càng nhiều có nguyên nhân sâu xa từ tình hình kinh tế - xã hội mấy năm qua khó khăn. Bên cạnh đó, các đơn vị cứ đào tạo lấy được, nhà trường cứ mở ngành học ồ ạt nhưng không hề tham khảo, điều tra về nhu cầu. Ngoài ra, chất lượng đào tạo bậc ĐH chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

“Đây là một thực trạng có thể nói là khá ảm đạm. Chúng ta chưa có sinh viên (SV) chất lượng đúng nghĩa. SV ra trường thiếu kỹ năng, không đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng. Trong khi đó, các doanh nghiệp rất quan tâm tuyển chọn SV tốt nghiệp có ngoại ngữ, khả năng hợp tác, kỹ năng làm việc, giao tiếp, hiểu biết về môi trường văn hóa doanh nghiệp và tác phong làm việc công nghiệp” - ông Tuấn nhận định.

Ông Tuấn cho rằng nhiều SV quan niệm bằng ĐH chỉ là một tấm vé để bước vào đời chứ chưa có ý nghĩa cho việc lập thân. Hậu quả, phần lớn SV tốt nghiệp ra trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm phù hợp và ổn định do chưa định hướng đúng mức về nghề nghiệp - việc làm. Một số SV chọn ngành học chưa phù hợp năng lực, sở trường và xu hướng phát triển thị trường lao động. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin thị trường lao động, hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm chưa cập nhật kịp thời để gắn kết SV và doanh nghiệp.

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP HCM, cho rằng chất lượng đào tạo ĐH, CĐ đang xuống cấp trầm trọng khiến cử nhân không đáp ứng được nhu cầu của đơn vị tuyển dụng. Có nhiều nguyên nhân để giải thích cho thực tế này, như: các trường ĐH, CĐ đào tạo theo tâm lý xã hội, theo nhu cầu của người học chứ không phải theo thị trường; nhiều trường chỉ mở những ngành ít đầu tư, ít tốn kém; còn người học có xu hướng muốn thi vào những trường, ngành dễ đậu.

“Có thể thấy tâm lý của người học hiện nay là vẫn muốn học ĐH. Dù thất nghiệp nhưng người có bằng cử nhân vẫn thấy tự hào. Đó là tâm lý sính bằng cấp mà xã hội cần nhìn nhận lại” -  PGS Nguyễn Thiện Tống bày tỏ. 

20% cử nhân phải chuyển đổi ngành

Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM về nhu cầu tìm việc làm của trên 10.000 SV từ năm 2009-2012, có khoảng 80% SV sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm, 20% tìm việc rất khó khăn hoặc không tìm được việc làm phải chuyển đổi ngành học hoặc làm những công việc thấp hơn trình độ đào tạo. Trong tổng số SV tìm được việc làm chỉ có 50% là có việc làm phù hợp năng lực và phát triển tốt, 50% làm việc trái ngành nghề, thu nhập thấp; việc làm chưa thật sự ổn định và có thể phải chuyển việc làm khác.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Nghịch cảnh đau lòng

Không thể tưởng tượng được, đây là một nghịch cảnh đau lòng. Bộ Giáo dục và Đào tạo có biết không mà còn bỏ điểm sàn, đồng nghĩa với hạ tiêu chuẩn tuyển sinh ĐH năm 2014? Tương lai sẽ rất nhiều thạc sĩ thất nghiệp và liên thông ngược thế này.

Thế Anh (he040607@...)

Đừng cố chạy theo bằng cấp

Nhiều người cứ dứt khoát là phải qua cái cổng trường ĐH. Tôi không qua cổng trường đó, chỉ học nghề và đi làm. Đến nay là hơn 20 năm rồi, tôi làm cho doanh nghiệp nước ngoài, họ trọng năng lực chứ không xét bằng cấp. Cho nên, tôi khuyên các bạn hãy nỗ lực bằng chính thực lực của mình, đừng cố chạy theo bằng cấp. Hiện nay, xã hội vẫn đang thiếu thợ giỏi và quản lý giỏi.

Công Nhân (thanhoanhungfc@...)

Lỗi hướng nghiệp

Lỗi có phần rất lớn từ giáo dục hướng nghiệp cho các em. Nhà trường không hướng các em đi theo năng lực, theo đam mê mà chỉ chạy theo thành tích, theo mốt thì làm sao mà không có chuyện đáng buồn như vậy. Một phần giáo dục đáng lẽ ra thật ý nghĩa bỗng hóa thành thừa thãi chỉ vì cái bệnh thành tích, hữu danh vô thực.

Nguyễn Năng

Thiếu thực học

Xảy ra chuyện như thế này xin đừng vội trách người học, nếu trách thì với những người có trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đúng. Cứ loay hoay cải cách, đổi mới mãi nhưng không có chiến lược và giải pháp rõ ràng nên mới ra nông nỗi. Chưa khi nào nhiều người lại mơ về một nền giáo dục “thực dạy, thực học, thực tài” như lúc này.

Văn Vũ (bsvuvan@...)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huy Lân (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN