Sau vụ 20 sinh viên bị lạc, nhiều người nhận ra con mình là “gà Tây”
Không ít phụ huynh lo ngại về kỹ năng sống của con em mình sau sự việc 20 sinh viên bị lạc trên núi Bà Đen. Trong khi đó, với dân “phượt” chuyên nghiệp, leo núi cần rất nhiều kỹ năng, điều kiện cũng như kinh nghiệm để xử lí lúc bị lạc, gặp tai nạn.
18 tuổi, quét nhà cũng sợ con... mệt
Sau sự việc 20 sinh viên đi lạc trên núi Bà Đen ngày 12/1, nhiều người dè bỉu cho rằng, quả núi đó, nếu ở phía Bắc thì người dân chỉ gọi là quả đồi, có hiểm trở gì đâu mà đến mức phải lạc, làm khổ hàng trăm người phải suốt đêm tìm kiếm. Thậm chí có người khá nổi tiếng còn văng tục trên Facebook của mình và cho rằng, các sinh viên đi lạc là thành quả của việc giáo dục theo kiểu “gà Tây”, cái gì bố mẹ cũng làm cho hết, nên khi gặp sự cố mới không biết xử lý thế nào, dù nó quá đơn giản.
Nhóm sinh viên phờ phạc khi được tìm thấy
Việc thóa mạ các em của “người nổi tiếng” kia, đương nhiên là không nên, nhưng đúng là hiện tượng “ba mẹ là lá chắn, che chở suốt đời con” là chuyện đáng bàn.
Lo cho cậu con trai đang là sinh viên năm thứ nhất, anh Đinh Văn Nam (45 tuổi, tại Nam Đồng, Hà Nội) cho biết: “Sự việc nhóm 20 sinh viên bị lạc ở Tây Ninh khiến tôi hết sức lo lắng. Cháu thỉnh thoảng cũng xin đi chơi xa, về nhà các bạn ở tỉnh… mà cũng không biết là cháu đi như thế nào. Nghĩ là đi theo nhóm thì có thể yên tâm rồi, nhưng làm sao mà biết được tụi trẻ tự đi xe máy xa, vào rừng, leo núi nguy hiểm. Sau sự việc này, chắc gia đình sẽ hạn chế cháu đi chơi xa, đi du lịch mạo hiểm”.
Còn chị Nguyễn Lan Hương (48 tuổi, ở khu tập thể ĐH Kiến trúc Hà Nội), có con học đại học năm thứ hai cho rằng: “Gần đây đọc báo thấy trào lưu đi “phượt”, du lịch “bụi” của giới trẻ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm quá. Tụi trẻ thích tìm tòi, khám phá những điều mới mẻ, thích chinh phục thiên nhiên là cái tốt, nhưng sự thiếu kiến thức, kinh nghiệm sống nên các hành trình sẽ hết sức gian nan, vất vả, thậm chí nguy hiểm tính mạng nữa. Cứ nghĩ con học giỏi, sống lành mạnh là được rồi, nhưng giờ mới thấy các con lại quá non nớt”.
Phụ huynh Phạm Ngọc Anh (42 tuổi, tại Ngõ Quỳnh, Bạch Mai, Hà Nội) cho biết: “Tưởng con ngoài 18 tuổi đã trưởng thành, nào ngờ nghĩ lại mới thấy con còn quá thiếu kiến thức thực tiễn, kỹ năng sống để ứng phó với những tình huống xảy ra. Nhiều khi ở nhà đến nấu cơm, quét nhà còn làm đỡ con, sợ con mệt mà ảnh hưởng tới việc học. Khó có thể cấm các con đi chơi, về những vùng thiên nhiên kỳ bí, nhưng cũng rất lo con mình được bao bọc như thế, chẳng may bị lạc ở nơi rừng núi, biết thế nào mà tìm đường ra, hoặc chống chọi sinh tồn thế nào lúc chờ người tới cứu”.
Những việc cần làm khi leo núi bị lạc
Từng bị lạc khi đi leo núi lên đỉnh Fansipan (Lào Cai) cách đây hơn 1 năm, Phan Anh (sinh viên năm thứ tư, ĐH Sân khấu điện ảnh) cho biết: “Khi bị lạc cần phải bình tĩnh, tránh khủng hoảng và sử dụng những gì mình có. Chẳng hạn, liên lạc tổng đài 1080 của khu vực đó, quay chở lại điểm xuất phát nếu chưa đi quá xa. Nếu không tìm thấy đường, nên đi theo hướng ít cây, vì hướng ít cây có nhiều người qua lại hơn. Khu vực càng thoáng sẽ tìm thấy dân cư dễ hơn. Khi gọi trợ giúp ta cần lấy lá khô đốt cháy cho bốc khói lên (tất nhiên là cần cẩn thận - không khéo sẽ gây ra cháy rừng - PV), lúc đó người thân hay người trợ giúp sẽ đi theo hướng đó đến giúp mình”.
Đam mê leo núi, từng chinh phục nhiều ngọn núi cao nổi tiếng ở Việt Nam như: Fansipan (Lào Cai), Tà Chì Nhù (Yên Bái)… anh Lê Văn Chính (26 tuổi, hiện đang làm việc tại Chi nhánh Công ty CP Nông lâm sản Kim Bôi, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: “Trước khi đi leo núi, phải tập luyện trước khi leo, trưởng đoàn phải là người nhiều kinh nghiệm…. Nếu tự leo thì chắc chắn phải có la bàn mà phổ biến là điện thoại vệ tinh. Nếu có bản đồ ngọn núi định leo thì càng tốt, mỗi người 1 bản đồ sẽ hạn chế tình trạng bị lạc. Nếu có người vì lí do nào đó bị tụt lại, người đi trước đặt ám hiệu bằng cách bẻ cành cây, đặt dấu mũi tên...”.
Với kinh nghiệm nhiều năm leo núi, trong đó có hơn 70 lần chinh phục núi Bà Đen với 10 đường khác nhau và 22 đỉnh núi trong và ngoài nước, anh Đỗ Quốc Duy (30 tuổi, trú tại quận Phú Nhuận, TPCHM) chia sẻ: “Nhóm sinh viên vừa rồi bị lạc trên núi Bà Đen là do tự tìm lối đi riêng. Trưởng nhóm chưa nhiều kinh nghiệm nên khi bị lạc, các thành viên đã mất phương hướng, hoảng loạn, chóng bị kiệt sức. Theo đó, trước khi leo núi, ngoài chuẩn bị các đồ dùng cần thiết, nhất định phải có số điện thoại của người dân địa phương, lực lượng cứu hộ địa phương. Lúc bị lạc, nhóm trưởng phải bình tĩnh, trấn an mọi người, tập hợp lại, không cho đi rải rác. Nếu trời tối, phải phân chia nhau phát quang bụi rậm, cắm trại hoặc đốt lửa giữ ấm cơ thể, tránh sinh vật gây hại. Phân công mỗi người mỗi việc, đi lấy nước, hoặc hứng nước mưa… Tìm mọi cách giữ liên lạc với lực lượng cứu hộ, sao chép số điện thoại sang các máy khác đề phòng hết pin. Sau đó dùng các cách để người khác phát hiện ra mình bằng cách bật đèn pin, đốt lửa, hoặc treo quần áo có phản quang lên cao… cũng có thể hú lên theo tiếng gió để người khác biết chỗ”.
Chia sẻ với PV Báo GĐ&XH, nhiều “phượt thủ” cho biết, khi quyết định tổ chức leo núi, cần phải lưu ý: Tìm hiểu kỹ về ngọn núi, dãy núi muốn chinh phục; Lên kế hoạch chi tiết về chuyến đi, điều kiện thời tiết; Chuẩn bị về balô, trang phục, thêm áo mưa mỏng; Mang theo la bàn, dây leo, máy định vị, gậy, đèn pin, dao nhỏ; Chuẩn bị túi y tế cá nhân; Đồ ăn, thức uống phù hợp với thời gian chuyến đi; Tuân thủ theo trưởng đoàn, không tự ý tách đoàn; Bình tĩnh, tránh hoảng loạn khi bị lạc, cần liên lạc tới lực lượng chức năng của địa phương tới ứng cứu.
Khoảng 2h sáng 11/1, 20 sinh viên TPHCM rủ nhau đến núi Bà Đen (Tây Ninh) bằng xe máy. Đến khoảng 6h sáng, nhóm bắt đầu leo từ hướng núi Phụng lên đỉnh để chinh phục núi Bà Đen. Chiều tối cùng ngày, nhóm sinh viên bị lạc đường và gọi điện thoại nhờ Công an Tây Ninh giúp. Công an Tây Ninh huy động lực lượng cứu hộ khoảng 100 người đi tìm kiếm. Đến khoảng 9h45 ngày 12/1, lực lượng cứu hộ đã phát hiện dấu hiệu của nhóm sinh viên trên núi. Đến 11h30 cùng ngày, 20 sinh viên đã được đưa xuống núi an toàn, nhưng bị kiệt sức vì đói và mệt. |