"Rèn thầy trước - luyện trò sau"

Đó là khẩu hiệu trương cao phía trên mặt tiền ngôi nhà văn phòng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Duy Thì của huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Trường này không có khẩu hiệu "học lễ học văn" gì gì đó đang được bàn luận ồn ào lâu nay. Mà khẩu hiệu của họ lại là "Rèn thầy trước, luyện trò sau". Và khẩu hiệu đó đã ngự trị ở đây vài năm.

Việc trương một khẩu hiệu như thế chứng tỏ rằng trong hệ thống cấp bậc đẳng trật của ngành giáo dục, vẫn có chỗ đứng cho sáng kiến của cấp cơ sở, cấp trường học - miễn là sáng kiến đó phù hợp với nguyện vọng nâng cao chất lượng nhà trường, nâng cao giá trị nền giáo dục.

Khẩu hiệu ấy đây, xin đưa cả tấm hình ra làm chứng, kẻo bà con lại bảo người viết bài này bịa đặt.

"Rèn thầy trước - luyện trò sau" - 1

Khẩu hiệu trên mặt tiền ngôi nhà văn phòng Trường THPT Nguyễn Duy Thì, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

Tôi may mắn được bạn Nguyễn An Kiều, hậu duệ dòng họ Nguyễn Thì, rủ về dự ngày khai giảng năm học 2012-2013. Năm nay dòng họ có thêm sáng kiến: Trao phần thưởng cho các học sinh lớp 12 năm học 2011-2012 của trường vừa đậu vào cao đẳng và đại học mùa hè lại tiếp tục liên miên đỏ lửa thi cử mới đây. Mảng vui, đi luôn - nào ngờ đi một ngày đàng học biết bao nhiêu sàng khôn.

Nếu như ở đâu đó có cái sáng kiến tốn tiền là soạn sách lịch sử vắn tắt ghi trên biển tên đường, thì cái sáng kiến đặt tên danh nhân địa phương cho ngôi trường của địa phương lại hoàn toàn khác. Người đi đường phải có trình độ nhất định và phải có thì giờ mới đi học lịch sử khắp 3.600 (ba ngàn sáu trăm) phố phường Hà Nội mới. Nhưng ở một ngôi trường mang tên danh nhân địa phương, học sinh phải đồng hành với danh nhân đó ít nhất là hết một hoặc vài bậc học.

Và văn hoá là như thế - mưa dầm thấm lâu thông qua việc bản thân từng con người làm ra thành tự văn hóa cho mình và cho cộng đồng - không phải là những cái tên "khu phố văn hoá" treo cao che khuất sự thiếu văn hoá nằm ngay trong việc chẳng mấy ai trong chính cái khu phố có văn hóa ấy hiểu nổi khái niệm "văn hóa" mang nghĩa gì.

Nhưng thôi, ta trở lại với việc ngôi trường này được nhận tên vị danh nhân của huyện Bình Xuyên - cụ Nguyễn Duy Thì. Cụ Nguyễn Duy có thể coi là người hạnh phúc nhất hạng trong những nhà trí thức thời trước. Này nhé: Có ai như cụ đỗ tiến sĩ năm 27 tuổi và sau đó làm việc trải 4 đời vua nhà Lê Trung Hưng, nói như thời nay là cụ "liên tục công tác" cho tới khi qua đời vào năm 81 tuổi, và đặc biệt là bấy nhiêu năm mà không hề bị kiểm điểm, bị kỷ luật dù chỉ một lần!

Sau lễ khai giảng năm học mới, tôi được về qua nhà thờ thắp hương tưởng nhớ cụ Nguyễn Duy Thì. Tôi vô cùng ấn tượng với tờ khải cụ dâng lên nhà vua. Tờ khải này đã được dòng họ khắc thành bia và dựng trên mảnh đất nhà thờ. Đọc lời khải ấy, tôi hiểu ra một phần vì sao cuộc đời làm quan của cụ Nguyễn Duy Thì lại có vẻ như thông đồng bén giọt đến vậy.

Bài học đầu tiên tôi nhận ra, ấy là cụ Nguyễn Duy Thì bao giờ cũng thể hiện mình là một nhà giáo dục, một bậc thầy của các đấng quân vương, chăm cho các quân vương phải là những người… "khéo trị nước, yêu dân như cha mẹ yêu con, thấy dân đói rét thì thương, thấy khổ sở thì xót… cấm hà khắc, bạo ngược, không đánh thuế bừa bãi, để dân được thỏa sống mà không có tiếng oán thán".

Cụ Nguyễn Duy Thì biết rõ lời khuyên vua chúa lắm khi như nước đổ lá khoai, mà vua chúa thường bị cấp dưới tạo ra sự "tự diễn biến". Cụ Nguyễn Duy Thì thường xuyên răn đe đám thừa hành, bọn này chỉ "chăm làm điều hà khắc bạo ngược, đua nhau xa xỉ, coi một huyện thì làm khổ dân một huyện, coi một xã thì làm khổ dân một xã, phàm những việc làm nhiễu dân thì không việc gì là không làm".

Đứng cạnh ông Nguyễn An Kiều cùng nhau đọc tờ khải, tôi giật mình vì ngôn ngữ trần trụi của cụ Nguyễn Duy Thì khi tố cáo bọn quan lại đã đẩy tình hình dân chúng đến cảnh khổ "đàn ông không có quần mà mặc, đàn bà không có váy mà mặc"!

Rõ ràng là bài học của người xưa đã thổi ngọn lửa trung thực vào hội đồng giáo dục Trường Trung học phổ thông Nguyễn Duy Thì. Tính trung thực phải là hàng đầu trong tư cách của các nhà giáo trẻ ở đây, đã khiến họ nhận ra là phải "Rèn thầy trước, luyện trò sau".

Ngoài tinh thần trung thực, khẩu hiệu mới trong quan hệ thầy - trò ở Trường Trung học phổ thông Nguyễn Duy Thì cho thấy các nhà giáo ở đây đã nhận ra một vấn đề to tát về nhận thức và năng lực sư phạm: Trẻ em hiện đại có thể tiến rất nhanh và đi rất xa với điều kiện...

- Điều kiện gì? - các thầy giáo và cô giáo Trường Trung học phổ thông Nguyễn Duy Thì hỏi lại tôi trong cuộc trò chuyện thân tình sau lễ khai giảng.

- Điều kiện là phải dạy thầy trước, vì hãy trung thực mà nhận ra tình hình này đi: Giáo viên chúng ta đi quá chậm so với thời đại. Chúng ta bị níu kéo và chúng ta cũng tự níu kéo. Trường Trung học phổ thông Nguyễn Duy Thì các bạn đã đề ra một sáng kiến vĩ đại. Bây giờ là thực thi, thực thi dần dần, và chúng ta sẽ cải tạo được sự nghiệp giáo dục rất bị chê bai này sao cho trong vòng vài ba chục năm nó có thể trở thành một nền giáo dục hiện đại cho một đất nước bắt buộc phải hiện đại hóa.

- Việc đầu tiên nên làm là gì?

- Là định nghĩa lại tất cả.

- Định nghĩa lại?

- Vâng. Định nghĩa lại. Giáo dục để làm gì? Bậc tiểu học, bậc trung học, bậc đại học có những nhiệm vụ khác nhau ra sao... Học văn để là gì và học như thế nào... Học lịch sử để làm gì và học như thế nào ở các bậc học... Phải định nghĩa lại hết!

Chúng tôi đã bàn với nhau nhiều điều. Cho tới khi có người phá lên cười: "Ôi! Một hội nghị giáo dục, các ông các bà ạ!"

Chị Hội phó Hội Cha mẹ học sinh, một nữ công nhân gày gò nhỏ bé có con trai học lớp 10 ngồi cạnh, nói khẽ với tôi: "Bây giờ người ta cứ coi thường những hạng người như chúng cháu... Chúng cháu biết nhiều thứ lắm, chứ đâu chỉ có lù lờ gật đầu đồng ý. Chẳng qua là chúng cháu không có chỗ để thưa lại với các vị bên trên".

Hóa ra cụ Nguyễn Duy Thì hình như cũng đã có tác động không chỉ tới giáo viên trường trung học phổ thông mang tên cụ - cả những phụ huynh khiêm nhường nhất cũng âm thầm suy nghĩ những điều thuộc vận mệnh đất nước như chuyện giáo dục này. Dễ hiểu thôi: Họ có những ước vọng không gì đo đếm được của mỗi gia đình với con em họ.

Nhà giáo, nhà văn, dịch giả Phạm Toàn

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lao Động
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN