Quan trọng nhất là chương trình chuẩn kiến thức
Do thiếu chuẩn kiến thức nên dù trường làm việc cật lực nhưng lúc nào cũng bị xã hội kêu là chưa đáp ứng yêu cầu.
Dù đã thống nhất chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) nhưng xung quanh vấn đề này vẫn còn nhiều tranh cãi “nảy lửa”: Bộ GD&ĐT có nên biên soạn SGK; nhiều bộ SGK sẽ gây khó cho cơ quan quản lý giáo dục; nhiều bộ SGK sẽ gây thêm gánh nặng cho nhà trường, giáo viên và cả học sinh trong việc lựa chọn; vì sao phải xây dựng chương trình và chuẩn kiến thức… TS Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, người đã kiên trì kiến nghị một chương trình nhiều bộ SGK từ lúc còn đương nhiệm, đã trao đổi khá cởi mở về những vấn đề này.
TS Huỳnh Công Minh - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM: “Xây dựng chương trình và chuẩn kiến thức rồi mới đến khâu biên soạn SGK”. Ảnh: H.VI
Cơ chế quản lý phải khác
Phóng viên: Tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây đã thống nhất chủ trương một chương trình nhưng có nhiều bộ SGK. Có ý kiến cho rằng chủ trương này tạo thêm gánh nặng cho học sinh và giáo viên?
TS Huỳnh Công Minh: Tôi ủng hộ chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK vì đó là một xu thế tất yếu phải thay đổi để theo kịp sự tiến bộ của thế giới. Nếu có nhiều bộ SGK tôi thấy không gây thêm gánh nặng gì cả mà ngược lại rất tiện lợi. Người học sẽ có cơ hội thừa hưởng những bộ SGK hay và tiến bộ. Nhiều bộ SGK sẽ khuyến khích sự cạnh tranh và qua đó phát huy hết năng lực của xã hội để làm sách. Sự gò bó, khô khan, đơn điệu của SGK trước đây sẽ được khắc phục. Khi có nhiều bộ SGK, thầy cô giáo sẽ có điều kiện để làm tròn trách nhiệm của mình, thông qua đọc sách, nghiên cứu, tổng hợp để làm phong phú thêm kiến thức và kinh nghiệm cho mình và hướng dẫn cho học sinh học tập. Nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Người thầy giáo giỏi không chỉ dạy giỏi mà quan trọng hơn là hướng dẫn cho học sinh đọc những quyển sách tốt”. Trong thời gian qua, trong nhà trường chỉ lưu hành một bộ SGK, mặc nhiên SGK là pháp lệnh. Người giáo viên đã hình thành thói quen đọc chép từ SGK, làm triệt tiêu tinh thần sáng tạo, trong khi xã hội thì tôn vinh “nghề giáo là nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo”!
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nhiều bộ SGK cùng lưu hành sẽ gây khó cho việc quản lý và sử dụng, chẳng hạn khi ra đề thi sẽ biết dựa vào bộ SGK nào?
Tôi đã có thời gian trải nghiệm học và dạy trong cơ chế có nhiều bộ SGK (ở miền Nam trước 1975 - PV). Khi chúng ta có nhiều bộ SGK thì lúc đó cơ chế quản lý phải khác hiện nay. Chúng ta muốn đổi mới nhưng chỉ nặng về ý chí, còn cơ chế quản lý không đổi mới theo thì đổi mới sẽ nửa vời, khó đạt kết quả. Cơ chế mới ấy là: Cơ quan quản lý giáo dục xây dựng chương trình, chuẩn kiến thức và ban hành quy chế làm SGK, tổ chức phê duyệt, thẩm định, thanh tra, điều hành, quản lý theo pháp luật. Đề thi căn cứ vào chuẩn kiến thức, không dựa theo SGK cụ thể nào. Trong nhà trường, giáo viên là người chọn sách để dạy và hướng dẫn học sinh học tập. Cơ chế quản lý như vậy sẽ giúp cơ quan quản lý điều hành công việc một cách dễ dàng, minh bạch và hiệu quả theo quy định của pháp luật.
“Nếu Bộ không làm thì không ai làm!”
Cũng liên quan công việc quản lý, theo ông giữa việc xây dựng chương trình giáo dục và việc biên soạn bộ SGK, Bộ GD&ĐT nên chọn việc nào hay chọn làm cả hai?
Theo tôi, điều quan trọng nhất mà Bộ GD&ĐT phải tập trung làm là xây dựng chương trình giáo dục và xác lập hệ thống chuẩn kiến thức cho từng cấp học, từng môn học để đáp ứng yêu cầu mục tiêu đào tạo con người Việt Nam trong thời đại ngày nay. Đây là một việc làm vô cùng quan trọng, nếu Bộ không làm thì không ai làm! Quan trọng vì nó định hướng cho toàn bộ hệ thống giáo dục từ đào tạo sư phạm đến viết SGK, tổ chức thi cử, lượng giá quá trình đào tạo. Vì vậy phải tổ chức thực hiện chương trình giáo dục một cách quy củ, không thể sơ sài.
Ông có thể giải thích rõ hơn vì sao việc xây dựng chương trình và chuẩn kiến thức là vô cùng quan trọng, là việc phải làm trước khi biên soạn SGK?
Theo tôi, việc biên soạn SGK nên tiến hành theo quy trình: Thứ nhất, xác định mục tiêu yêu cầu đào tạo; thứ hai, xây dựng chương trình và chuẩn kiến thức rồi mới đến khâu biên soạn SGK. Nhược điểm lớn nhất của chúng ta trong nhiều năm qua là chưa coi trọng việc xây dựng chương trình và hệ thống chuẩn kiến thức mà chỉ tập trung vào việc biên soạn SGK trong khi bản chất của SGK không phải là pháp lệnh, không phải là cốt lõi của nền giáo dục.
Cũng như vậy, tồn tại kéo dài của nhà trường trong thời gian qua là chưa quan tâm đến dạy người mà tập trung đối phó với thi cử. Nguyên nhân một phần là do chưa có bộ chuẩn kiến thức nên giáo viên căn cứ vào đề thi để làm chuẩn phấn đấu. Điều rất trớ trêu là nhà trường thì làm việc cật lực nhưng lúc nào cũng bị xã hội kêu là chưa đáp ứng yêu cầu, chưa cung ứng được nguồn nhân lực có tay nghề và chất lượng cao cho yêu cầu phát triển của đất nước. Lý giải vấn đề này cũng là do chương trình và chuẩn kiến thức chưa được đề ra, cấp quản lý vừa qua chỉ lấy đề thi làm thước đo con người cho xã hội.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
Tạo cơ sở khoa học Bên cạnh chuẩn kiến thức đào tạo, những bất cập hiện nay trong hệ thống chuẩn mực của nhà trường như về ngôn ngữ, ký hiệu khoa học, thậm chí một số khái niệm còn khác nhau trong SGK giữa các cấp học… đang rất cần bộ chuẩn kiến thức của chương trình để làm cơ sở khoa học và pháp lý nhằm hiệu chỉnh lại. Năm 2009, có dịp đi học tập giáo dục Phần Lan, tôi được các bạn Phần Lan cho xem chương trình và chuẩn kiến thức của quốc gia họ rất quy mô và chuẩn mực, căn cứ vào bộ chuẩn kiến thức ấy mà giáo viên biên soạn SGK. TS HUỲNH CÔNG MINH, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM |