Những đứa trẻ cô đơn trong gia đình đô thị
Chiều 29-7, chuyên gia nghiên cứu về văn hóa gia đình Lê Thị Thanh Nhã và ThS tâm lý Hà Trung Thành đã có buổi trò chuyện với nhiều cha mẹ và các em học sinh tại Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM xoay quanh chủ đề “Nâng niu giá trị hạnh phúc gia đình trong đời sống hiện đại”.
Dù trời mưa rất lớn nhưng vẫn có đông đảo phụ huynh và các em nhỏ tới tham gia.
Một học sinh bậc THCS chia sẻ câu chuyện của mình: “Một bữa con đi về nhà, không thấy ai ăn cơm, con đem cất nồi cơm rồi đi lên phòng. Ba kêu con xuống, không hỏi han gì hết rồi đánh con. Ba chưa bao giờ xin lỗi”. Em cho biết cha em rất ít khi hỏi han, thường mang theo những bực dọc từ công ty về nhà rồi la mắng con cái, nhiều lần em ức chế đến mức muốn bỏ đi.
Nhiều bậc phụ huynh và học sinh đến tham dự buổi trò chuyện vào chiều 29-7. Ảnh: HM
Trước đó, trong buổi nói chuyện với một lớp học sinh lớp 5 ở TP.HCM, bà Lê Thị Thanh Nhã hỏi: “Ai trong các con thường xuyên được ăn cơm chung với ba mẹ?”. Lớp học có 38 em nhưng chỉ có ba cánh tay giơ lên. Một số em buồn bã cho biết nhà không có người nấu cơm vì ai cũng bận, ai đói thì đi mua cơm hộp. Em muốn có một ngày ăn cơm chung với cha mẹ cũng không được.
Không chỉ những đứa trẻ lớp 5 mới thấy khó khăn khi kết nối với cha mẹ. Nhiều đứa con trong các gia đình ở đô thị cũng đang cảm thấy cô đơn.
MVT, sinh viên năm hai ĐH Văn Lang, lại cảm thấy bơ vơ, mệt mỏi khi phải gồng mình lên đi theo con đường cha sắp đặt. Ông muốn con học ngành công nghệ điện lạnh để về làm trong công ty của ông, trong khi từ lớp 10 MVT đã mê công nghệ thông tin. Sau khi học hết năm nhất vẫn không cảm thấy yêu thích ngành học, T. xin cha cho thi lại nhưng ông không đồng ý. T. nói: “Con đành phải ráng đi theo con đường của ba dù con không thích”. Mẹ của T. cho biết chị và cha của T. đã ly hôn. Ông rất cứng nhắc và không ai có thể can thiệp, chị rất lo lắng cho con trai nhưng đành chịu.
Tại buổi trò chuyện, bà Lê Thị Thanh Nhã hy vọng các bậc phụ huynh qua chia sẻ của con trẻ mà rút được kinh nghiệm cho mình. Cha mẹ cần phải dành thời gian cho con, lắng nghe con, trò chuyện với con và tôn trọng con. Đứa trẻ không thể cảm thấy hạnh phúc nếu không được cha mẹ thấu hiểu. Bà nói: “Gia đình không hạnh phúc thì con cái không thể học tập tốt được, nó không biết nó cố gắng vì ai, vì cái gì”. Bên cạnh đó, cha mẹ phải tập nói lời xin lỗi, nhất là các cha mẹ trẻ, việc đó vừa thể hiện sự tôn trọng con, vừa dạy con cách ứng xử. Bà Nhã nhấn mạnh: “Tuy nhiên, với nhiều người do ở trong môi trường gia đình truyền thống với suy nghĩ nói xin lỗi con sợ mất mặt thì có thể xin lỗi con bằng hành động”.