Những cái ngược đời của đại học Việt Nam
Hôm qua, tại TP Hồ Chí Minh, Nhóm Đối thoại Giáo dục của GS Ngô Bảo Châu đã tổ chức hội thảo chuyên đề Cải cách giáo dục đại học. Trong ngày đầu tiên, tám diễn giả lần lượt đưa ra bức tranh phác thảo đại học Việt Nam từ các góc quan sát của mình, gồm quản trị đại học, tự chủ, tài chính - chất lượng và số hóa.
Nguồn nhân lực ĐH thiếu máu mới
Báo cáo đầu tiên thuộc lĩnh vực quản trị, do GS Ngô Bảo Châu và GS Ngô Quang Hưng (ĐH bang New York) thực hiện, có tiêu đề Xây dựng đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở các trường ĐH VN.
GS Ngô Bảo Châu cho biết, khi bắt tay nghiên cứu đề tài này, ông đã nhận thấy nhiều cái “lạ” về các bước xây dựng một đội ngũ khoa học của các trường ĐH VN. “Dường như chúng ta đều đã làm ngược lại hoàn toàn với các trường ĐH tiên tiến của thế giới, không chỉ một bước mà tất cả các bước”, GS Ngô Bảo Châu nói.
Chẳng hạn về vấn đề tạo nguồn, trong khi các trường ĐH tiên tiến của thế giới thường không khuyến khích việc sử dụng nguồn lực tại chỗ thì các trường ĐH VN xem đó là con đường duy nhất. Phương thức cơ bản mà các trường ĐH VN thực hiện là tìm những sinh viên có năng lực, tập trung một số nguồn lực trong đó có tài chính và mối quan hệ để bồi dưỡng các em, sau đó đưa các em trở lại làm việc trong nhà trường.
Dù việc này tương đối thành công ở một số nơi, nhưng tựu trung nó thể hiện một tư duy tương đối cũ kỹ và sai lầm. Chẳng hạn, khi một nhà khoa học trẻ được đào tạo bởi một ông thầy, và sau đó anh ta không còn cách lựa chọn nào khác là ở lại làm việc dưới quyền ông thầy đó thì cơ hội phát triển sự nghiệp khoa học một cách độc lập với ông thầy mình của anh ta là không có.
Sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học quốc gia Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh
“Việc tạo nguồn của chúng ta mang nặng tính chủ quan. Các trường chỉ ưu tiên sử dụng người do chính mình đào tạo. Hoàn toàn không có việc cạnh tranh, chủ động đi tìm và tuyển những người được đào tạo nơi khác. Như vậy sẽ dẫn đến sự thiếu máu mới cho huyết mạch trong một cơ thể ĐH”, GS Ngô Bảo Châu nhận xét.
Các bước khác trong quy trình tuyển chọn của ta cũng… không giống ai. Việc tuyển chọn nhân sự của các trường ĐH VN còn mang nặng tính hành chính, tuân theo quy trình tuyển chọn chung của công chức viên chức nhà nước, không có đặc thù riêng của môi trường hàn lâm.
Ở các trường ĐH nước ngoài thì tiêu chí hàng đầu cho việc tuyển chọn giảng viên là khả năng nghiên cứu khoa học, quyết định tối thượng là hội đồng khoa học, các cơ quan/bộ phận hành chính khác chỉ đi theo bởi họ hoàn toàn không có chức năng tuyển chọn người.
GS Ngô Bảo Châu so sánh: “Trong khi đó ở VN, do những yêu cầu hành chính đầy rắc rối mà những người làm hành chính tham gia rất tích cực vào việc tuyển chọn nhân sự cho ĐH, họ còn nói các ông GS là những người không biết gì về quy trình để mà làm việc này”.
Các chuyên gia cho rằng việc giữ lại sinh viên sau khi tốt nghiệp làm giảng viên chỉ khiến cho giáo dục Đại học thoái hóa.
Tự chủ và không dám tự chủ
Trong số các chủ đề được trình bày, tự chủ đại học là một vấn đề không chỉ xuất hiện trong nhiều báo cáo mà còn thu hút sự quan tâm đặc biệt của các khách mời. Cả các diễn giả lẫn các khách mời đều thống nhất đây là điểm yếu nhất trong giáo dục ĐH VN, là nguyên nhân quyết định làm nên sự yếu kém cho nền GD ĐH.
Trong báo cáo Tự chủ ĐH - thực trạng và giải pháp cho ĐH VN, từ góc nhìn của một cựu đại biểu quốc hội, GS Nguyễn Minh Thuyết nêu khá chi tiết những bất cập trong quy định của pháp luật và thực thi pháp luật liên quan tới vấn đề tự chủ.
Theo GS Thuyết, lần đầu tiên quy định về tự chủ được đưa vào luật là năm 2005, khi Quốc hội ban hành Luật GD 2005. Nhưng cũng trong văn bản luật đó lại có những điều khoản có nội dung “siết lại” quyền tự chủ của trường ĐH.
Luật ĐH ban hành năm 2012 tiếp tục khẳng định quyền tự chủ của trường ĐH với những nội dung thể hiện được bước tiến về tư duy quản trị ĐH nhưng lại không tạo được bước ngoặt để có những bước tiến đột phá bởi nhà nước vẫn đóng vai trò kiểm soát rất lớn. Đối với trường ĐH, sứ mạng là vấn đề quan trọng đầu tiên và phải do trường ĐH xác định nhưng theo Luật ĐH thì sứ mạng này lại phụ thuộc vào những yếu tố ngoài nhà trường (do liên quan tới một số lợi ích).
Một người mà cả bậc ĐH, sau ĐH đều do một trường ĐH đào tạo rồi được giữ lại dạy ở trường đó thì liệu có thể dạy lại được gì mới mẻ cho sinh viên hay chỉ là những điều cũ kỹ? Nó là cái rất dở trong cơ chế tự cung tự cấp của mình, nó giống như là hôn nhân cận huyết, chỉ khiến cho GD ĐH thoái hóa. GS Ngô Quang Hưng |
Theo Luật ĐH, hạng của trường ĐH lại do Thủ tướng Chính phủ công nhận. “Nó rất khác với cái hạng của thế giới mà chúng ta vẫn biết. Tôi cho rằng quy định này không chỉ khiến sứ mạng một trường ĐH không do trường quyết định mà còn có nguy cơ làm mất thanh danh của nhà nước vì giới đại học họ chỉ công nhận những xếp hạng uy tín của giới chuyên môn chứ không công nhận cái hạng của nhà nước như thế này”, GS Nguyễn Minh Thuyết nói.
GS Thuyết cho rằng, những bất cập về tự chủ còn nằm ngay chính trong bản thân các trường ĐH. Các trường thiếu năng lực và thiếu sự sẵn sàng để tự chủ. Chẳng hạn năm nay dù Bộ GD&ĐT cho phép tuyển sinh riêng nhưng chỉ có 62/500 trường có phương án tuyển sinh riêng, mà cũng chỉ là cho một số ngành năng khiếu hoặc ngành khó có người vào như thủy sản, nông lâm…
Để nhận ngay Điểm chuẩn ĐH – CĐ 2014, soạn tin: VD: Để tra cứu điểm chuẩn của trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, soạn tin: (Ghi chú: Điểm chuẩn sẽ được gửi tới bạn ngay khi có, xem chi tiết Bấm đây) |