Ngổn ngang chuyện “du học tiếng mẹ đẻ”

Đầu năm học 2012-2013, đi dọc hành lang Tây Nam Tổ quốc, chúng tôi thêm đắng lòng trước những khó khăn, nhọc nhằn mới đang bủa vây đường đến trường học tiếng mẹ đẻ của hàng ngàn con em người Việt đang sinh sống tại vùng ven biên trên đất Chùa Tháp.

Vắt mồ hôi đổi chữ

Trở lại xã biên giới Khánh An (An Phú-An Giang), nơi có gần 1.000 “du học sinh” theo học tại các cấp mầm non, tiểu học và trung học cơ sở vào những ngày đầu năm học 2012-2013, chúng tôi được Chủ tịch UBND xã Nguyễn Huỳnh Long báo tin vui: đoàn công tác của Bộ Tư pháp đã có hướng dẫn cụ thể về “thủ tục” nhập học cho người Việt bên kia biên giới sang học.

Nghĩa là, từ đây các bậc phụ huynh không còn phải chạy vạy hợp thức hóa giấy tờ để con “du học”. Tuy nhiên, các em vẫn phải vắt kiệt mồ hôi để đổi được con chữ. Bởi không chỉ đội nắng cháy da vào mùa khô và cưỡi sóng đến trường vào mùa lũ theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, giờ các em còn ngập chìm trong “cơn bão” kinh tế gia đình.

Ngổn ngang chuyện “du học tiếng mẹ đẻ” - 1

“Du học sinh” phải vắt mồ hôi trên những chuyến đò dọc năm-bảy cây số từ mờ sáng để đến trường

Chị Ngô Thị Chi, chủ quán chuyên bán hàng cho học sinh Trường Tiểu học A Khánh An, nơi có gần 500 “du học sinh” theo học than thở: “Năm nay buôn bán ế ẩm lắm. Nhiều em phải ăn cơm với muối tiêu, hoặc với ổ bánh mì không, lấy đâu ra tiền ăn quà”.

Đoàn Chí Hoàng, học sinh lớp 1 cho biết: Hôm qua, ba mẹ em đi mò ốc chỉ được chục ký, đủ tiền đong gạo nên cho 3.000đ để ăn “bánh mì không” và vắt đá bào. Vì sao có sự sa sút ấy? Trực tiếp sang nước bạn, chúng tôi được Chủ tịch xã Chap Suy “bật mí”: “Người Việt ở đây rất đông (trên 2.000 hộ với hơn 12.000 nhân khẩu) nhưng đa số sống bằng nghề làm thuê, đến mùa nước thì sống bằng nghề chài lưới, nhưng năm nay nước về trễ và ở mức thấp nên thu nhập bị giảm mạnh”.

Ngổn ngang chuyện “du học tiếng mẹ đẻ” - 2

Cơm đùm, cơm nắm là vật bất ly thân của “du học sinh”

Không trực tiếp bình luận, ông Nguyễn Huỳnh Long chỉ cho biết, thời gian gần đây nhiều kiều bào ở Campuchia có xu hướng về bên này biên giới làm thuê kiếm sống. Chỉ tính riêng xã Khánh An, từ đầu năm đến nay đã có thêm 19 hộ với 122 nhân khẩu.

Đáng lo hơn là tình trạng này lại phổ biến trên tuyến giáp biên giới Tây Nam. Tại vùng giáp biên tỉnh Đồng Tháp, nhiều phụ huynh khó khăn đến mức bỏ xứ không lời từ biệt, khiến nhiều trường học chới với.

Thầy Nguyễn Văn Cơ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dinh Bà (xã Tân Hộ Cơ, Tân Hồng), trường tiếp nhận “du học sinh” lớn nhất tỉnh Đồng Tháp cho biết: Sau khi nhập học và nhận đủ sách giáo khoa, thì bất ngờ bốn học sinh gồm: Nguyễn Thị Thảo, Nguyễn Văn Minh (lớp 1A1) và Phạm Thị Thúy Anh, Lê Thị Kim Lan (lớp 2A2) đột ngột vắng mặt. Chúng tôi đã sang tận bên kia biên giới hy vọng vận động được học sinh trở lại lớp, mới biết cả bốn gia đình đã bỏ xứ mưu sinh. Họ đi đâu và từ khi nào thì ngay cả chính quyền sở tại cũng không rõ.

Nhọc nhằn đường hòa nhập

Theo thống kê sơ bộ, chỉ tính riêng tại ba tỉnh An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp đã có trên 2.000 “du học sinh” theo học các trường phổ thông. Là người nhiều năm trăn trở với chuyện học này, ông Huỳnh Hữu Thêm, nguyên Trưởng phòng GD-ĐT huyện An Phú âu lo: “Số lượng “du học sinh” diễn theo hình chóp khá nhọn, chỉ không đầy 30% đeo bám đến lúc tốt nghiệp THPT”.

Ngổn ngang chuyện “du học tiếng mẹ đẻ” - 3

Em Đoàn Chí Hoàng, học sinh lớp 1 trường Tiểu học A Khánh An vui vẻ nhai “bánh mì không”

Theo ông Thêm, không phải vì các em biếng học mà cơ bản là do cuộc sống quá khó khăn. Phần lớn gia đình kiều bào ven biên kiếm sống theo mùa: Mùa lũ, vào đồng sâu giăng câu, bắt ốc. Mùa khô thì làm ruộng thuê... Cuộc sống du mục không chỉ khiến con em họ bị gián đoạn chuyện học hành mà còn ảnh hưởng đến việc giảng dạy của giáo viên. “Nhiều giáo viên ở trường có “du học sinh” thường bị mất điểm thi đua vì học sinh bỏ học”, ông Thêm nói.

Tuy nhiên, đáng lo hơn là sau khi vượt qua trở ngại cơm áo gạo tiền, nhiều em lại vướng víu những vấn đề trên đường hòa nhập. Hiện có đến hàng chục “du học sinh” trở thành cử nhân và đang làm việc tại nhiều cơ quan trong và ngoài tỉnh.

Nhiều em tốt nghiệp sau đại học trong và ngoài nước. Điển hình như: Nguyễn Văn Sơn, tốt nghiệp thạc sĩ tại Trường Khoa học nông nghiệp Dharwad (Ấn Độ), hiện đang công tác tại Trung tâm Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật (Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam); Diệp Hoàng Ân, tốt nghiệp thạc sĩ tại ĐH Quốc gia Hà Nội, hiện đang giảng dạy tại Khoa Sư phạm (ĐH An Giang). Tuy nhiên, việc các “du học sinh” thành đạt này có thực sự hòa nhập đúng nghĩa ngay trên đất mẹ hay không vẫn đang còn là dấu hỏi lớn.

Thực tế cho thấy, đôi lúc các em vẫn còn phải đứng bên lề… TS Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở GD-ĐT An Giang, tâm tình: “Khi còn công tác tại Khoa Sư phạm, ĐH An Giang, chúng tôi phát hiện nhiều “du học sinh” có phẩm chất ưu tú, nhưng mãi đến nay vẫn chưa thể kết nạp Đảng chỉ vì gia đình em đang sống bên kia biên giới”.

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, nếu không có giải pháp tháo gỡ hữu hiệu, chẳng những không tận dụng hết chất xám từ bên kia biên giới để bổ sung thêm nguồn nhân lực cho hôm nay, mà còn không bắc được nhịp cầu để đón nguồn nhân lực “có vấn đề” trong tương lai.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lục Tùng (Phụ nữ TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN