Năm 2020, phải chấm dứt học thêm

Ngày 23-2, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng đã có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP về tự chủ - xã hội hóa, định hướng phát triển ngành GD-ĐT TP HCM đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết toàn TP hiện có 2.168 cơ sở giáo dục, trong đó 1.360 đơn vị là công lập, với hơn 1,76 triệu học sinh (HS). Đến nay, 99,92% đơn vị trực thuộc ngành giáo dục TP đã thực hiện tự chủ theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP.

Năm 2020, phải chấm dứt học thêm - 1

Bí thư Đinh La Thăng phát biểu tại buổi làm việc với Sở GD-ĐT sáng 23-2

Theo ông Lê Hồng Sơn, mục tiêu giai đoạn 2016-2020 của TP HCM là 80% HS học 2 buổi/ngày. Hiện nay, 73% HS tiểu học và 99,16% trẻ mầm non được học 2 buổi/ngày, riêng bậc THCS và THPT còn thấp do cơ sở vật chất không bảo đảm. Năm 2020, ngành GD-ĐT TP HCM phải đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân, đồng nghĩa mỗi lớp 30-33 HS.

Bí thư Đinh La Thăng hỏi: Nếu đạt 300 phòng học/10.000 dân, ngành sẽ đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra tới năm 2020? Ngành đã tính tới việc tăng dân số cơ học chưa vì hiện nay, tăng dân số cơ học của TP năm sau luôn cao hơn năm trước? Ông Lê Hồng Sơn khẳng định đưa ra con số này là ngành đã tính tới việc tăng dân số cơ học.

Bí thư Thành ủy cho rằng ngành giáo dục muốn đạt được chỉ tiêu này thì phải đi kèm với các điều kiện cụ thể chứ không phải đề ra rồi thôi. Theo ông, phải tạo sự phấn đấu cho cả ngành và các đơn vị. HS đã học 2 buổi/ngày thì tại sao vẫn phải đi học thêm buổi tối? Dẫn chứng ở huyện Nhà Bè, HS đã được học 2 buổi nhưng vẫn còn tình trạng phải đi học thêm, Bí thư Đinh La Thăng yêu cầu cần phải xem lại việc này.

Bí thư Thành ủy bày tỏ băn khoăn rằng hiện nay, HS than học nhiều quá, vậy kế hoạch giảm tải của ngành giáo dục như thế nào? Cũng do học nhiều nên HS không có thời gian luyện tập thể thao dẫn đến tình trạng nhiều em béo phì. Bí thư mong muốn ngành giáo dục phải làm sao để HS được tập luyện thể dục thể thao, nhất là bơi lội, bảo đảm 100% HS biết bơi, kể cả thầy cô giáo.

Ông Lê Hồng Sơn đã đề xuất TP giao quyền cho một số trường đủ điều kiện được tự xây dựng mức thu bảo đảm đủ bù chi, không lợi nhuận. Bên cạnh đó, hiệu trưởng cần có quyền chủ động trong công tác nhân sự, quyết định số giáo viên hằng năm sát với thực tế và điều kiện đặc thù của đơn vị, bảo đảm hoạt động hiệu quả.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Đinh La Thăng đề nghị ngành giáo dục TP HCM phải nỗ lực hơn để thực hiện các phương hướng, mục tiêu, góp phần đưa TP trở thành trung tâm lớn ở tất cả lĩnh vực, là đầu tàu, đầu mối thu hút và lan tỏa. Giáo dục phải đổi mới theo định hướng và hội nhập là nhu cầu cấp bách. TP HCM phải đi nhanh hơn và GD-ĐT phải khẳng định vai trò đầu tàu. Đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho phát triển, do vậy mọi chương trình phát triển đều ưu tiên cho giáo dục. Cùng với ưu tiên về ngân sách, cần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực, đẩy mạnh tự chủ. Xã hội hóa nhưng không làm giảm chất lượng, không làm tăng bức xúc trong nhân dân, công khai, minh bạch là yếu tố hết sức cần thiết tạo sự đồng thuận trong phụ huynh.

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nhấn mạnh việc dạy thêm, học thêm không đúng quy định cần phải chấm dứt. Ông yêu cầu đến năm 2020 phải chấm dứt việc này. Về vấn đề tự chủ tài chính, Bí thư Đinh La Thăng hoan nghênh kết quả hoạt động của ngành. Theo ông, phải cân đối bố trí đủ vốn đề bảo đảm giải ngân; các sở đơn giản thủ tục hành chính, xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị. Sở Tài chính giúp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về tài chính. Cái nào khó khăn thì đề xuất thí điểm, mạnh dạn vận dụng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Nghi (Người Lao Động)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN