Mổ xẻ rào cản phân luồng học sinh
Trở ngại “phân luồng” học sinh xuất phát từ tâm lý nặng nề học cốt để đi thi, chạy theo mảnh bằng đại học.
Mổ xẻ rào cản phân luồng học sinh, nhiều nhà khoa học của Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Hà Nội cho hay, đây là câu chuyện khó, khi hệ thống giáo dục đi từ phổ thông, lên chuyên nghiệp, CĐ, ĐH thiếu hợp lý và không kết nối được với nhau. Đặc biệt, với một tâm lí cốt học để thi, chạy theo bằng cấp thì rất ít người chấp nhận xé rào đi học nghề, làm thợ.
Thay đổi cơ cấu giáo dục
Theo PGS.TS Đặng Danh Ánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Tư vấn KHCN cần đổi mới công tác tuyển sinh gắn chặt với chính sách phân luồng và liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân sao cho 50% tốt nghiệp THCS vào THPT; 50% tốt nghiệp THPT của mỗi trường được dự thi ĐH; số còn lại đi học nghề, TCCN và CĐ.
Học sinh cần được đánh giá, phần luồng theo năng lực
Còn GS.TSKH Nguyễn Minh Đường đề nghị đưa hệ thống giáo dục quốc dân về một đầu mối quản lý nhà nước là Bộ GD-ĐT, và sáp nhập giáo dục chuyên nghiệp và giáo dục nghề làm một. Cùng với đó là cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm 4 loại hình: giáo dục mầm non, trung học cơ bản, sau trung học cơ bản, đại học.
Các nhà khoa học cũng nhấn mạnh đến loại hình trung học cơ bản được phân thành 3 luồng.
Thứ nhất, THPT phân hóa với phần cứng và phần mềm tự chọn. Với luồng này, HS tốt nghiệp được cấp bằng THPT, ai có năng lực có thể học tiếp lên ĐH.
Thứ hai, THPT-Nghề vừa dạy văn hóa, vừa dạy nghề theo 3 lĩnh vực: THPT- nông nghiệp, THPT công nghiệp và THPT dịch vụ. Sau khi tốt nghiệp vừa có trình độ văn hóa THPT vừa có trình độ kỹ năng nghề và được cấp bằng THPT-Nghề để tìm việc hoặc đi học tiếp lên ĐH.
Thứ ba, giáo dục nghề gồm 3 trình độ liên thông: Sơ cấp- tuyển sinh tốt nghiệp THCS hoặc chưa tốt nghiệp THCS để đào tạo nghề ngắn hạn (3-6 tháng), tốt nghiệp được cấp chứng chỉ nghề để tìm việc hoặc học lên trung cấp. Trung cấp-sáp nhập trung cấp nghề và TCCN thành trung cấp. Với hệ này, tuyển sinh tốt nghiệp THCS, tốt nghiệp được cấp bằng trung cấp nghề để tìm việc hoặc học lên CĐ. Cao đẳng - tuyển sinh tốt nghiệp trung cấp, THPT hoặc THPT-nghề. Tốt nghiệp được cấp bằng CĐ kỹ thuật để có thể tìm việc làm ở vị trí công nhân kỹ thuật trình độ CĐ hoặc kỹ thuật viên và có thể học tiếp lên ĐH.
Chuẩn bị sẵn tâm lí
“Thật buồn khi chúng ta thừa lao động, trong khi các nước xây nhà máy tại Việt Nam lại mang người lao động của họ đến làm việc. Đó là bởi vì chúng ta chưa có tay nghề. Hiện các trường đào tạo giáo viên sư phạm nghề quá thiếu. Trong khi, có nhiều em tốt nghiệp các này ra trường lại đi làm trái nghề”. GS Phạm Minh Hạc |
Tiếp tục giải bài toán phân luồng, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khao học và kỹ thuật Hà Nội cho rằng, phải làm rõ chương trình phổ thông là 10 hay 12 năm? Phổ cập giáo dục đến đâu thì dứt khoát phải phân luồng?
Việc cải cách tiền lương cũng phải thay đổi. Có chế độ sử dụng và đãi ngộ đội ngũ thầy cô giáo theo từng loại hình trường với các mức tiền lương khác nhau. Chẳng hạn, nếu có tay nghề cao thì tiền lương phải cao hơn mức lương của người tốt nghiệp ĐH, vì đại học chỉ là lý thuyết. Với cách làm này thì sẽ khuyến khích người ta đi sâu vào tay nghề, phát huy tốt nhất những tố chất trong con người họ. Và tất nhiên, số học sinh tốt nghiệp THPT thi vào ĐH sẽ không nhiều như hiện nay nữa.
Bên cạnh đó, các em HS có học lực yếu được các thầy cô giáo động viên khuyến khích học. Đồng thời, ngay từ lớp 10 các em đã được các thầy cô làm công tác chẩn đoán, đánh giá. Từng em sẽ được biết năng lực sở trường của mình, để chuẩn bị tâm thế sau này trở thành người như thế nào.
Hiện nay, Việt Nam không đào tạo chuyên gia làm công tác hướng nghiệp. Bộ GD-ĐT cũng mới chỉ có cuốn cẩm nang “Những điều cần biết” nói về các ngành nghề. Do vậy, Bộ GD-ĐT nên nghĩ đến chuyện đào tạo nguồn nhân lực làm hướng nghiệp”, TS Lâm đề nghị.
Ông Lâm cũng cho rằng, với những giải pháp đơn lẻ chưa thể khắc phục triệt để tâm lý xã hội còn quá nặng nề với triết lý học cốt để đi thi. Vì đó là bệnh của xã hội. “Những gia đình bản lĩnh, học sinh bản lĩnh nhận thức được thì sẽ làm được. Còn những ai a dua theo mọi người thì không chống được. Do vậy, phải làm đồng bộ thì mới giải quyết được bài toán phân luồng”, TS Lâm nhận định.