Lớp học bên mương bốc mùi giữa Thủ đô
Vì trường thiếu cơ sở, phải đi mượn thêm nên hơn 3 năm nay, cô trò Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội) vẫn phải dạy, học và sinh hoạt ngay cạnh dòng mương bốc mùi hôi thối.
Lớp học bên dòng mương bẩn
Trường TH Chu Văn An hiện có 40 lớp với gần 2000 học sinh, cơ sở chính 1.500m2 trên phố Thụy Khuê chỉ đủ chỗ cho 6 lớp học 2 buổi/ngày. Khu vực tầng trệt của trường vừa làm nơi dạy thể dục, vừa tổ chức cho học sinh ăn bán trú.
Hiệu trưởng nhà trường, bà Nguyễn Thị Thúy Minh cho biết: “Do điều kiện làm việc, không có người chăm sóc thường xuyên nên phụ huynh hầu hết đều có nhu cầu cho con học bán trú”. Vì vậy nhà trường đã kết hợp mở nhóm lớp trông giữ học sinh ngoài giờ, giúp quản lí nửa buổi còn lại của các cháu chỉ học 1 buổi/ngày.
Do diện tích chật hẹp, tầng trệt tại cơ sở chính của Trường TH Chu Văn An được tận dùng làm nơi dạy thể dục cũng như nơi ăn uống của học sinh học bán trú
“Nếu trước trường thuê nhà của dân theo kiểu tự phát thì nay chúng tôi đã mượn được phòng học ở Trường Mầm non Chu Văn An, nhà sinh hoạt khu dân cư gần đây và nhà văn hóa của phường Thụy Khuê” – bà Minh thông báo.
Buổi sang, học sinh được bố mẹ đưa đến các địa điểm, trưa các cháu xếp hàng về ăn bán trú tại trường rồi quay lại nơi học buổi sáng để nghỉ đến hết giờ chiều.
Mặc dù các địa điểm đi mượn phòng ốc đã đáp ứng những yêu cầu tối thiểu như diện tích, ánh sáng, an toàn như lời khẳng định của hiệu trưởng Minh nhưng nỗi lo với phụ huynh có con học ở cơ sở tại nhà văn hóa phường Thụy Khuê chưa hết. Hiện tại ở đây đang có 4 lớp với trên dưới 200 học sinh theo học mỗi ngày.
Cảnh dạy và học của cô trò Trường TH Chu Văn An tại nhà văn hóa phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội
Cạnh nhà văn hóa là con mương đen ngòm, đặc quánh. Nước sinh hoạt của người dân và các cơ sở sản xuất bánh kẹo,..vô tư thải trực tiếp ra khiến cho khu vực này luôn sống trong cảnh ngột ngạt và nồng nặc vì mùi hôi thối.
“Sáng nào đưa con đi học, lòng cũng cảm thấy trĩu nặng. Và cái tâm trạng đó ám ảnh cả ngày, cả tuần. Ôi sao thế kỷ 21, ngay giữa thủ đô mà ban giám hiệu nhà trường nỡ nào để con trẻ học tập trong môi trường độc hại, mất vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khoẻ và tinh thần thế này?” – một phụ huynh tâm sự.
Dù các lớp học này ở trên tầng ba của nhà văn hóa nhưng theo phản ánh của phụ huynh và người dân sống quanh khu vực thì những ngày nóng mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, cửa đóng kín và điều hòa bật hết công suất vẫn không tránh được cảm giác khó chịu.
Giờ ra chơi các trò cũng chỉ quẩn quanh trong khoảng sân chật hẹp chỉ hơn 10m2 của nhà văn hóa. Đến giờ ăn trưa các cô chăm sóc trẻ hướng dẫn các con đi theo hàng một sát tường nhà dân, phòng trường hợp học sinh nô đùa có thể ngã xuống mương.
Biết nhưng vẫn phải chờ
Trao đổi PV, hiệu trưởng Nguyễn Thị Thúy Minh cho biết: “Từ năm 2007, UBND TP đã có phương án xây dựng cơ sở mới cho Trường TH Chu Văn An tại 260 Thụy Khuê với diện tích 6000m2. Nếu theo phương án này, trường hoàn toàn đủ cơ sở vật chất để tiến hành dạy và học 2 buổi/ngày cho tất cả học sinh mà không phải đi mượn địa điểm.
Ngay cạnh nhà văn hóa là dòng mương đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Người dân phải mang khẩu trang khi qua đây
Tuy nhiên, do vướng mắc ở khâu đền bù, giải phóng mặt bằng nên việc xây dựng chưa biết khi nào mới tiến hành”.
Trước thực tế học sinh phải học cạnh dòng mương ô nhiễm, bà Minh cho hay: “Phụ huynh cũng đã nhiều lần có ý kiến mong trường và địa phương sớm giải quyết tình trạng để bố mẹ yên tâm”.
Học sinh xếp hàng đi qua con mương lúc nào cũng bốc mùi khó chịu
“Một dự án làm cống bê tông cho con mương này để tránh mùi hôi thối và mở rộng lối đi đã có cả bản vẽ chi tiết, tưởng sẽ hoàn thành xong trong dịp kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội nhưng cuối cùng lại hoãn. Có lẽ vì lí do kinh phí quá lớn” – bà Minh thông tin thêm.
Học sinh bịt mũi đi qua dòng mương đen ngòm
Cô Hà Thị Thu Hương, giáo viên dạy Toán cho học sinh lớp 3 ở cơ sở này cho biết: “Bản thân mình cũng sống ở khu vực này nên thấu hiểu nỗi vất vả của học sinh. Đây không chỉ là bức xúc của phụ huynh mà của tất cả người dân quanh khu vực. Biết thế nhưng làm được gì nên vẫn phải chờ thôi”.