Lo đại học tư thục sụp đổ

Thiếu cơ sở pháp lý, không rõ ràng về cơ chế lợi nhuận và phi lợi nhuận khiến hệ thống ĐH tư thục có nguy cơ sụp đổ.

“Tôi đồng ý nhận định ĐH tư thục tại Việt Nam sẽ sụp đổ và thực tế là nó đang diễn ra. Vậy có cách nào để tránh được sự sụp đổ trong khi giáo dục không có mạnh thường quân mà chỉ có các nhà đầu tư?” - câu hỏi của TS Vũ Thị Phương Anh, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM, đặt ra cũng là vấn đề được xoáy sâu trong buổi Đối thoại giáo dục với chủ đề “Cải cách giáo dục ĐH Việt Nam” do Lãnh sự quán Mỹ và Nhóm Đối thoại giáo dục của GS Ngô Bảo Châu tổ chức ngày thứ hai, 1/8, tại TP HCM.

Câu hỏi của bà Anh đặt ra sau khi TS Đàm Quang Minh, thuộc Tổ chức Giáo dục Mỹ, phân tích khá cụ thể và nhận định ĐH tư thục tại Việt Nam đang có nguy cơ sụp đổ. TS Minh cụ thể bằng việc Trường CĐ Cộng đồng Bà Rịa - Vũng Tàu vừa xin ngừng tuyển sinh do không tuyển được sinh viên; trước đó là lùm xùm ở Trường ĐH Hùng Vương và lặp lại ở Trường ĐH Hoa Sen… Khác với cạnh tranh công - tư trong doanh nghiệp, các trường ĐH tư thục phải cạnh tranh khốc liệt hơn nhiều. Đối lập với các trường ĐH công được bảo đảm về cơ sở vật chất và hầu hết các chi phí hoạt động, trường ĐH tư thục vừa phải đầu tư dài hạn để phát triển vừa phải đầu tư ngắn hạn để tồn tại và khi có biến động thì sẽ “chết” nhanh hơn.

Lo đại học tư thục sụp đổ - 1

Một đại biểu nêu ý kiến tại buổi Đối thoại giáo dục, ngày 1/8

Ông Minh cho rằng thực trạng của các trường ĐH tư thục hiện nay phần lớn không chỉ do chính sách và môi trường mà còn chính nội tại của các trường. Rất nhiều nhà đầu tư ảo tưởng khi nhìn thấy các trường ĐH công lập và nghĩ rằng mình có thể quản lý một trường ĐH ngoài công lập bằng những phương pháp mà trường ĐH công lập đã thành công. “Chúng ta không thể làm theo kiểu bản năng, ai làm giáo dục theo bản năng thì đang lao dốc rất nhanh. Chính nhận định sai lầm về giáo dục tư thục dẫn tới hành xử sai lầm về mặt chính sách làm hệ thống này kém phát triển” - ông Minh nhận định.

PGS-TS Thái Bá Cần, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, băn khoăn về khía cạnh định hướng của giáo dục ĐH. “Chúng ta đang rất lúng túng giữa định hướng phát triển ĐH đại chúng hay ĐH tinh hoa. Một trường không thể trụ vững thì trường ĐH đó có dám giải thể như một doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hay không? Vừa rồi có rất nhiều giải pháp để thay đổi giáo dục ĐH, chúng tôi đã thử và rất khó khăn. Do đó, với một thời gian ngắn, không hy vọng có giải pháp nào đưa giáo dục Việt Nam phát triển vượt bậc mà cần có bước tiến tuần tự. Trong tất cả các yếu tố cấu thành thì việc quản trị ĐH là điều quan trọng nhất” - ông Cần khẳng định.

Ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đánh giá cao các ý kiến trên. Theo ông, ở nhiều khía cạnh khác nhau nhưng mỗi phát biểu đều cho thấy tinh thần trách nhiệm, thiện ý nhằm thúc đẩy nhanh sự phát triển giáo dục ĐH của nước nhà. “Chúng tôi rất cảm động, dù vẫn còn những ý kiến mà chúng tôi chưa đồng tình. Quyền tự chủ hiện nay trong các văn bản rất đầy đủ, mở rộng nhưng hiệu trưởng, nhà trường có muốn thay đổi hay không? Riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm hết sức mình!” - ông Ga nói.

Tiếp tục đối thoại về giáo dục

Khép lại 2 ngày đối thoại thẳng thắn, GS Ngô Bảo Châu đánh giá nhiều ý kiến rất thiện chí, góp phần vực dậy nền giáo dục ĐH và hội thảo này không phải điểm cuối cùng của Đối thoại giáo dục. “Cần có nhiều cọ xát, đối  thoại rộng rãi hơn. Nhóm Đối thoại giáo dục tiếp tục tổ chức đối thoại trên trang web của nhóm theo từng chủ đề. Hy vọng 2-3 năm nữa, ít nhất là cuối năm nay, có thể đưa ra được danh mục tương đối cụ thể về các vấn đề giáo dục đặt ra” - GS Châu nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy Vinh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN