Kinh nghiệm thương đau của đợt thi đầu

Nhiều thí sinh bị đình chỉ thi ở đợt 1 vì những lỗi rất ngớ ngẩn. Đó là những kinh nghiệm thương đau cần biết để tránh vấp phải trong đợt 2 bắt đầu sáng thứ hai 9-7.

Hơn 100 thí sinh phải bỏ dở kỳ thi đợt 1 vì cố tình hoặc vô tình vi phạm quy chế thi. Nhiều trường hợp khác gặp rắc rối chỉ vì thiếu hiểu biết và không chuẩn bị chu đáo.

Những trường hợp cụ thể trong đợt thi thứ nhất sẽ là bài học bổ ích cho thí sinh chuẩn bị bước vào dự thi đợt 2.

Nhầm điểm thi, nhầm ngày giờ thi

Kinh nghiệm thương đau của đợt thi đầu - 1

Nếu không tính toán kỹ thời gian, thí sinh rất dễ đánh mất cả kỳ thi của mình. Trong ảnh: một thí sinh đến điểm thi trễ trong đợt 1 tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM

Tại một điểm thi của Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM), một thí sinh dự thi đợt 1 đã đến điểm thi vào 8g, quá 30 phút so với giờ thí sinh được tính giờ làm bài thi. Vì vậy, thí sinh này đã không được vào thi và phải dừng bước ở ngay môn thi đầu tiên. Thí sinh này cho biết trong giấy báo dự thi ghi rõ mời thí sinh đến điểm thi vào lúc 8g để làm thủ tục dự thi, nhưng thí sinh nhầm lẫn tưởng giấy báo 8g đến thi nên đã tới trễ.

Quên hoặc ghi nhầm số tờ bài thi

Tại một điểm thi khối A1 của Học viện Ngoại giao trong đợt 1, sau giờ thi, thí sinh của một phòng thi đã không được ra khỏi phòng thi vì giám thị kiểm lại thấy số tờ bài thi bị thiếu so với số tờ được thí sinh ghi. Các giám thị phải rà lại từng thí sinh thì phát hiện một thí sinh trong phòng thi chỉ nộp một tờ nhưng lại xác nhận đã nộp ba tờ. Giám thị phải thuyết phục và thí sinh xác nhận đã cố tình viết sai số tờ thi vì “thấy nhiều bạn làm ba tờ, nhưng mình chỉ làm được một tờ nên cứ khai bừa thế cho oai”.

Việc xác nhận sai số tờ thi hoặc quên không xác nhận số tờ thi đã nộp từng xảy ra ở nhiều kỳ thi. Có kỳ thi, một số trường ĐH đã phải tổ chức lại kỳ thi cho riêng 1-2 thí sinh chỉ vì “mất bài thi” trong khi thí sinh đã ký xác nhận việc đã nộp bài. Ngược lại, có những thí sinh chấp nhận “bỏ thi” chỉ vì đã nộp bài thi nhưng quên ký xác nhận số tờ đã nộp.

Tại Hà Nội trong đợt 1 có nhiều thí sinh không có mặt vào ngày làm thủ tục dự thi vì bị lạc điểm thi. Thay vào việc tới điểm thi ghi trên giấy báo dự thi, thí sinh lại tới địa điểm trường thí sinh đăng ký dự thi và phải lòng vòng rất lâu mới tới được điểm thi. Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) có tới 40 thí sinh phải làm thủ tục dự thi trước giờ thi môn đầu tiên, trong số này có những thí sinh hôm trước đã bị nhầm địa điểm làm thủ tục dự thi.

Dừng thi vì chiếc điện thoại

Theo Phòng PA83 - Công an Hà Nội, số thí sinh vi phạm quy chế do mang điện thoại vào phòng thi ở đợt 1 tăng 11 trường hợp so với đợt 1 của kỳ thi năm trước. Nhưng qua khai thác chỉ có hai trường hợp được xác nhận là cố tình mang điện thoại di động vào phòng thi để thực hiện việc gian lận. Những trường hợp còn lại bị đình chỉ thi do chiếc điện thoại trong tình trạng đã tắt nguồn, hết pin, hoặc không để lại chứng cứ có sử dụng trong phòng thi. Tuy nhiên, dù chỉ là đãng trí, quá hồn nhiên không ghi nhớ quy chế thi thì hàng chục thí sinh vẫn phải ngậm ngùi chia tay kỳ thi.

Theo ông Trần Đức Quý - hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, trong ngày thi đầu tiên hầu hết do “quên”, một số khác nghĩ rằng “điện thoại tắt nguồn, không sử dụng thì không vi phạm”. Nhưng tới ngày thi thứ hai, vẫn còn những thí sinh khác không rút kinh nghiệm và tiếp tục bị dừng thi vì chiếc điện thoại.

Ở nhiều trường khác, thí sinh để điện thoại đã tắt nguồn trong ngăn bàn (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) hoặc có thí sinh hồn nhiên lấy điện thoại ra nghịch để chờ hết giờ thi (Trường ĐH Ngoại thương). Có thí sinh khi nhớ ra mình mang điện thoại, cầm lên nộp cho giám thị cũng bị đình chỉ thi. Nhiều giám thị cho biết: “Rất thương các em vì có những tình huống giám thị biết rõ thí sinh chỉ vô tình vi phạm, không hề gian lận nhưng quy chế đã quy định rõ rồi vẫn phải lập biên bản đình chỉ thi”.

Tại nhiều điểm thi đợt 2, lãnh đạo các hội đồng coi thi tăng cường các điểm trông giữ điện thoại di động cho thí sinh, tăng cường các bảng thông báo trong khu vực thi và yêu cầu giám thị nhắc nhở kỹ thí sinh. Nhưng rõ ràng “câu chuyện chiếc điện thoại” cũng là một trong những việc tự thân thí sinh phải ghi nhớ để tránh bị rớt oan trong đợt thi thứ hai này.

Kinh nghiệm thương đau của đợt thi đầu - 2

Những lời khuyên bổ ích

Từ cách ra đề thi trong đợt 1 kỳ thi tuyển sinh năm nay, nhiều giáo viên lưu ý thí sinh cần để ý đến những phần được cho là ít quan trọng trong chương trình. Tuy nhiên, những câu này lại quyết định đến việc thí sinh có đạt điểm cao hay không.

Theo một số giáo viên, đề toán ĐH khối A vừa rồi có một số phần khó của chương trình học và thí sinh cũng ít quan tâm như nhị thức Newton hay tổ hợp. Ngay cả giáo viên đôi khi cũng dạy không sâu các phần này nên thí sinh sẽ lúng túng hoặc bỏ các câu liên quan đến phần trên.

ThS Phan Thiện Danh - khoa toán Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - lưu ý thí sinh không chủ quan bỏ qua các phần ít quan trọng. Những nội dung nhiều năm nay đề thi ĐH chưa ra (như phần nhị thức Newton) thí sinh cần phải hết sức lưu ý. Một điểm nữa là phần chuẩn của đề thi ĐH toán khối A lại khó hơn phần nâng cao, thí sinh cần cân nhắc liều lượng câu khó ở mỗi phần để chọn phần làm phù hợp.

Theo thầy Danh, đề thi thường sẽ có một phần tương đối không khó, dành cho phần lớn thí sinh là các câu về hàm số, tích phân, số phức và phương pháp tọa độ trong không gian. Thí sinh nên chọn làm những câu dễ này trước. Các phần như lượng giác hay đại số sẽ khó hơn. Ngoài ra đề thi sẽ có một câu cực khó, nếu thấy không làm được thí sinh không nên cố, mất thời gian. Thí sinh nên tập trung hoàn thiện những câu trong khả năng của mình.

Cùng quan điểm, ThS Nguyễn Hiền Hoàng - khoa hóa Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - nhấn mạnh: đề thi hóa khối A năm nay có kiến thức trải đều cả chương trình THPT, trong đó phần lý thuyết ra xuyên suốt chương trình trong khi bài tập lại tập trung chủ yếu ở lớp 11 và 12. Tuy nhiên thí sinh cần lưu ý một số nội dung như phân bón hay tốc độ phản ứng được giáo viên dạy không sâu, thí sinh cũng không ôn kỹ phần này trong khi đề thi năm nay lại có các câu hỏi liên quan. Vì thế cần phải nắm kỹ lý thuyết, cả những phần không phải là trọng tâm.

Theo thầy Nguyễn Đăng Lợi - giáo viên địa lý Trường THPT Vĩnh Viễn (TP.HCM), trong ba năm gần đây, đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ môn địa lý có bốn câu hỏi nội dung chủ yếu nằm trong chương trình địa lý lớp 12. Thầy Lợi lưu ý thí sinh chú ý phân bố thời gian hợp lý cho từng câu hỏi, đặc biệt không để mất quá nhiều thời giờ cho yêu cầu vẽ biểu đồ hoặc lược đồ VN, vì điểm tối đa cho phần vẽ biểu đồ không quá 1,5 điểm.

Theo ThS Nguyễn Văn Tiến - giảng viên lịch sử Trường ĐH Thủ Dầu Một, khi vào phòng thi, thí sinh nên dành 10 phút để phân tích đề (xác định yêu cầu, phạm vi và trọng tâm của các câu hỏi), 20 phút để lập đề cương chi tiết, dành 130 phút để thể hiện đề cương thành bài viết và 20 phút cuối cùng để đọc lại, sửa chữa lỗi văn phạm và sai sót về nội dung.

MINH GIẢNG

Chọn quán ăn đảm bảo vệ sinh

Trong những ngày thi, tại các địa điểm thi xuất hiện rất nhiều điểm bán cơm, nước, bánh trái “dã chiến” cho thí sinh, phụ huynh. Làm thế nào chọn được quán ăn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong những ngày thi?

Trao đổi với PV, TS.BS Trần Thị Minh Hạnh - phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM - tư vấn: Thứ nhất, nên chọn những quán ăn có vòi nước tại chỗ. Không nên chọn những nơi bán chỉ có một thùng nước và dùng nước này rửa đi rửa lại tô, chén. Chọn những quán ăn nhìn qua kính không bị ruồi bâu vào thức ăn, quán ăn có bếp núc đàng hoàng. Thứ hai, nên ăn đồ nấu chín và tránh ăn những đồ tái, sống. Thứ ba, không nên uống trà đá mà nên dùng nước uống đóng chai...

Nên chọn những trái cây có vỏ bọc bên ngoài như chuối. Nếu thí sinh có đem theo bánh mì để ăn không nên để sẵn rau, dưa, thịt... vào trong mà để riêng ra. “Nếu có điều kiện, phụ huynh có thể mang theo trứng luộc, sữa chua hay những món ăn quen thuộc hằng ngày của con em mình để dùng thêm vào bữa trưa ở trường thi” - bác sĩ Hạnh tư vấn thêm.

HÀ BÌNH

Mưa ít trong những ngày thi đại học

Thời tiết trong những ngày thi đại học đợt 2 (ngày 8, 9, 10-7) khá thuận lợi. Mưa sẽ giảm nhiều so với những ngày thi đại học đợt 1. Đặc điểm thời tiết trong những ngày tới là sáng nắng, chiều và tối có mưa rào và dông nhẹ, nhiệt độ phổ biến trong khoảng 33-34OC, miền Tây Nam bộ nhiệt độ thấp hơn, dao động 32-33OC.

Miền Bắc và miền Trung cũng có đặc điểm thời tiết tương tự. Riêng khu vực Trung bộ từ sau ngày 10-7 sẽ có nắng nóng do bị ảnh hưởng của áp thấp nóng phía tây.

Q.Khải

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vĩnh Hà ([Tên nguồn])
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN