Không xây kịp trường để giảm tải

Chưa công bố con số chính thức đợt tuyển sinh cho năm học mới nhưng khảo sát tại nhiều trường học ở Hà Nội, đặc biệt là mầm non và tiểu học, tình trạng một lớp 45-50 học sinh là phổ biến, trên 50 học sinh/lớp cũng không hiếm.

Học sinh tăng đột biến!

Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, mùa tuyển sinh năm nay vượt chỉ tiêu được giao ban đầu đến gần 100 trường hợp. “Năm ngoái, mỗi lớp trung bình 35 học sinh/lớp, năm nay thì ở đâu ra mà nhiều thế. Chỉ tiêu được giao ban đầu là 180 học sinh cho 4 lớp nhưng đơn phụ huynh nộp lên tới 250 học sinh mà nếu đúng tuyến thì vẫn phải nhận” - cán bộ tuyển sinh của trường này cho biết. Do số học sinh tăng đột biến nên ngoài việc tăng thêm lớp 1, các lớp đều phải kê thêm bàn ghế. Cũng theo cán bộ này, thì tình trạng quá tải cũng diễn ra tương tự với tất cả các trường trong địa bàn quận.

Theo đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội, hiện Hà Nội có 2.434 trường học, hơn 1,5 triệu học sinh. Thành phố đã bổ sung, thay thế gần 5.000 phòng học mới, 36 trường học mới. Mức kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho các trường năm nay là 2.253 tỷ đồng, tăng 500 tỷ đồng so với năm trước. Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, mục tiêu của Hà Nội phấn đấu giảm sĩ số học sinh trong mỗi lớp xuống còn 30 học sinh/lớp với bậc tiểu học, 35 học sinh với THCS và THPT.

Không xây kịp trường để giảm tải - 1

Quá tải khiến nhiều trường phải tăng sĩ số lớp

Tuy nhiên, ngay năm học này, nhiều nơi ở Hà Nội, đặc biệt là bậc tiểu học nhiều trường hợp phải xin ý kiến lãnh đạo phê duyệt khi sĩ số lên tới 50 học sinh/lớp và mức trung bình là 45 học sinh/lớp.

Tại Tây Hồ, một trong những quận nội thành của Hà Nội, ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT phân tích: “Chỉ một khu vực Tứ Liên thuộc địa bàn quận, trong 4 năm trở lại đây đã tăng gấp đôi dân số từ 75.000 người lên đến 150.000 người. Tỷ lệ tăng dân số chung của cả quận là 4%. Quận cũng đã tăng cường đầu tư trường lớp với 7 trường xây mới được đưa vào sử dụng năm nay. Tuy nhiên, so với mức tăng dân số thì tốc độ xây trường mới không thể đáp ứng”.

Tại TP Hồ Chí Minh, lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết, năm học 2012-2013, thành phố đã đầu tư 1.485 tỷ đồng để nâng cấp, xây dựng 1.193 phòng học mới, nâng tổng số phòng học hiện có trên địa bàn TP lên 36.184 phòng, phục vụ học tập cho gần 1,5 triệu học sinh. Tuy nhiên, với tổng số hơn 67.000 học sinh tăng so với năm học 2011-2012, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn cho biết tình trạng quá tải vẫn xảy ra. Ở nhiều khu vực, sĩ số học sinh cấp tiểu học trung bình vẫn là 45 đến 48 học sinh/lớp; cá biệt ở các quận 12, Bình Tân, Thủ Đức và huyện Bình Chánh lên đến 50-55 học sinh/lớp.

Giải pháp bắt buộc

Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Lê Tiến Thành cho hay, theo điều lệ trường tiểu học, sĩ số mỗi lớp không quá 35 học sinh nhưng thực tế ở các thành phố, con số này thậm chí vượt quá 60 em. Theo ông Lê Tiến Thành, tình trạng này Bộ đã biết song đây là bài toán nan giải, khó có giải pháp mạnh tay. Hàng năm đều có một lượng học sinh nông thôn di cư đến các thành phố nhưng đất đai ở thành phố hạn hẹp nên không thể xây kịp trường học.

Ông Thành tâm sự: “Ngành giáo dục muốn tất cả trẻ em đều được đến trường. Nếu như xe khách 30 chỗ không thể nhét được 50 người, 20 người còn lại không được đi thì trong giáo dục không thể chỉ chấp nhận 30 người và từ chối không cho những em còn lại học. Chúng ta nên nhớ, theo điều luật thì mọi trẻ em đến độ tuổi đều được đến trường, kể cả những trẻ chỉ tạm trú ở một khu vực nào đó. Do đó với việc quá tải cục bộ bắt buộc phải dùng đến giải pháp là sĩ số lớp phải tăng lên đảm bảo quyền lợi học tập của trẻ.”

Đặc biệt, trước tình trạng quá tải lại tập trung vào những trường chuẩn quốc gia sau khi tích cực phấn đấu sĩ số lớp đạt yêu cầu để được công nhận đạt chuẩn, ông Lê Tiến Thành cho biết “không phải trường đã đạt chuẩn là chúng ta cứ công nhận mãi. Hiện tượng một số trường chuẩn, sĩ số lớp tăng với quy định sẽ được xem xét lại. Chúng tôi đã kiến nghị với lãnh đạo Bộ GD-ĐT là sau 5 năm sẽ kiểm tra đánh giá lại”.

Về vấn đề quá tải, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ: “Năm học mới cả nước đã có nhiều biến chuyển tốt, chi phí đầu tư cho giáo dục lớn nhưng vẫn có những vấn đề phải có quá trình, chẳng hạn như để giải quyết tình trạng quá tải sĩ số lớp học thì địa phương cần có thời gian để giải quyết”. Trước việc Bộ chỉ biết “thông cảm” cho các thành phố về tình trạng quá tải, ông Thành khẳng định: “Bộ có gây sức ép, mặc dù trước mắt vẫn ưu tiên quyền được đi học của học sinh lên hàng đầu. Do nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề sĩ số, năm nay Hà Nội không được khen trong mảng giáo dục tiểu học. Đó cũng là một áp lực”.

Phải công khai học phí “chất lượng cao”

Theo quyết định của UBND TP Hà Nội, từ ngày 7/9, các cơ sở giáo dục của Hà Nội sẽ áp dụng mức học phí mới, cụ thể với bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên (GDTX) và giáo dục hướng nghiệp công lập ở địa bàn thành thị (các phường, thị trấn) là 40.000 đồng/tháng và ở nông thôn (các xã) là 20.000 đồng/tháng. Riêng với các trường mầm non, phổ thông công lập thực hiện chương trình chất lượng cao được chủ động xây dựng mức học phí tương ứng để trang trải chi phí đào tạo nhưng phải báo cáo Sở GD-ĐT, Sở LĐ-TB&XH, cơ quan quản lý chuyên ngành để thẩm định trình UBND thành phố cho phép, đồng thời phải thực hiện quy chế công khai do Bộ GD-ĐT quy định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Anh (An ninh thủ đô)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN