HS lớp 6 bị trả về lớp 1: Còn nhiều em tương tự

Dư luận xôn xao về câu chuyện của cháu Vũ bởi vì, trường hợp của cháu bị phát hiện và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Còn rất nhiều trường hợp khác nữa nhưng chỉ có điều, nó vẫn đang ẩn nấp đâu đó và được che đậy một cách kỹ càng.

Liên quan đến vụ việc một học sinh tại Sóc Trăng được duyệt lên lớp 6 nhưng lại bị trả về lớp 1 với lý do không biết đọc, biết viết đang khiến dư luận xôn xao những ngày qua. PV báo Infonet có cuộc trò chuyện cùng PGS. TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.

HS lớp 6 bị trả về lớp 1: Còn nhiều em tương tự - 1

Trường tiểu học Lý Đạo Thành (ảnh: VNN)

Thưa PGS.TS, vừa qua  báo chí đưa tin sự việc một học sinh lớp 6 ở Sóc Trăng bị trả về lớp 1 do không biết đọc, biết viết. Nhiều người cho rằng, sự việc này cho thấy bệnh thành tích trong giáo dục vẫn còn nặng nề. PGS.TS suy nghĩ thế nào về điều này?

PGS. TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Câu chuyện một học sinh học bậc THCS mà không biết đọc, biết viết xưa nay không phải quá hiếm và chuyện một học sinh lớp 6 tên Lâm Sơn Vũ không biết đọc, biết viết cũng thế. 

Dư luận xôn xao về câu chuyện của cháu Vũ bởi vì, trường hợp của cháu bị phát hiện và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Còn rất nhiều trường hợp khác nữa nhưng chỉ có điều, nó vẫn đang ẩn nấp đâu đó và được che đậy một cách kỹ càng.

Khi tôi còn công tác tại Bộ GD&ĐT, có thời gian tôi lên Tuyên Quang khảo sát về tình hình học tập của học sinh dân tộc nội trú. Khi trò chuyện cùng giáo viên tôi còn được biết có học sinh lên tới lớp 9 mà vẫn chưa biết đọc, biết viết.

Nguyên nhân bởi vì thời gian đó Bộ GD&ĐT có quy định “hơi vô lý” là những giáo viên nào tình nguyện lên miền núi dạy học, sau 3 năm không có học sinh nào ở lại lớp sẽ được quay trở về dạy tại đồng bằng. Đó chính là một trong số những lý do khiến học sinh lớp 9 không biết đọc, biết viết.

Quay trở lại câu chuyện học sinh lớp 6 ở Sóc Trăng bị trả về lớp 1 vì không biết viết cho thấy cho đến hôm nay bệnh thành tích vẫn còn in đậm trong tâm trí những người làm giáo dục mặc dù nó đã được quán triệt từ rất lâu.

Trả lời báo chí về việc học sinh học hết cấp tiểu học mà không biết đọc, cô hiệu trưởng trường Tiểu học Lý Đạo Thành cho hay: “Đó là do tôi quá tin tưởng vào giáo viên”. PGS.TS thấy đây là câu trả lời thế nào?

Là một hiệu trưởng, làm công tác quản lý, bản thân cô này phải quán xuyến hết mọi việc trong trường. Vậy mà khi xảy ra sự việc học sinh của mình học hết lớp 5 không biết đọc, biết viết hiệu trưởng lại nói theo kiểu “trốn tránh trách nhiệm” thì thật không xứng làm hiệu trưởng.

Câu trả lời của cô hiệu trưởng là một câu trả lời vô trách nhiệm, không thể chấp nhận, nhất là khi cô giữ cương vị cao nhất trong một cơ sở giáo dục. Bản thân mẹ của học sinh Lâm Sơn Vũ cũng đã nói, khi con học lớp 4, phát hiện ra con không biết viết đã xin giáo viên cho con ở lại lớp.

Vậy mà, vì những lợi ích trước mắt, giáo viên vẫn nói với mẹ Vũ rằng em đủ điểm lên lớp, chỉ phụ đạo thêm cho em là ổn. Nếu giáo viên cương quyết cho em ở lại lớp và phụ đạo cho em từ khi em học lớp 2 thì có lẽ không đến nỗi lãng phí bao thời gian và tiền bạc của gia đình học sinh.

Bởi lẽ, chẳng có đứa trẻ nào lại chậm chạp tới mức học mãi, học mãi mà không đọc nổi tên mình. Thử hỏi, nếu ngay từ lớp 1, thấy con không viết nổi chữ, giáo viên cương quyết cho ở lại lớp thì giờ không tới mức lên lớp 6 bị trả về lớp 1 rồi hai mẹ con học sinh ôm nhau khóc.

Ngay từ lớp 3, lớp 4 đã có bài tập viết đoạn văn rồi viết bài văn. Không hiểu một học sinh chưa đọc được và chưa viết được thì vượt qua những bài kiểm tra này bằng cách nào đây?

Sự việc đến nông nỗi này, bản thân giáo viên trường Tiểu học Lý Đạo Thành phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Những giáo viên biết học sinh không biết viết chữ mà vẫn cho lên lớp không xứng đáng đứng trên bục giảng.

Thực tế, xung quanh câu chuyện, xin ở lại lớp mà không được đằng sau đó còn là câu chuyện về bệnh thành tích – một căn bệnh được quán triệt đã lâu nhưng chưa có hồi kết. 

Tôi mong rằng, sau sự việc này, các cấp lãnh đạo, các nhà quản lý cần phải sát sao hơn với công tác thanh tra, kiểm tra. Không thể để một học sinh lớp 6 mà không biết đọc được. Nó sẽ tạo ra sự lãng phí rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín ngành giáo dục.

Xin cảm ơn PGS.TS về cuộc trò chuyện!

Trước đó báo chí đã đưa tin trường Trung học cơ sở Lê Vĩnh Hòa cũng đã trả lại 2 học sinh lớp 6 về Trường Tiểu học Lý Đạo Thành (Sóc Trăng) vì lý do học quá yếu. Trong đó có em Lâm Sơn Vũ lên lớp 6 mà không biết đọc, biết viết

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Thanh (Infonet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN