Học sinh lười học hơn trước?

Ngày 20/5, các nhà khoa học công bố kết quả khảo sát Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học sau 1 năm đi vào thực tiễn. Nhiều nhà khoa học kiến nghị Bộ GD&ĐT hủy bỏ hoặc sửa đổi thông tư này vì có tình trạng không ít học sinh lười học hơn trước.

Học sinh lười học hơn trước? - 1

Theo kết quả khảo sát: “Thông tư đã không tạo được động lực dạy và học cho cả giáo viên lẫn học sinh, không phân hóa được chất lượng người học”. Ảnh: Như Ý

Thông tư 30 được ban hành tháng 8/2014 và được triển khai rộng rãi ở tất cả các trường tiểu học trên quy mô toàn quốc. Ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ GD&ĐT đã có một số bước đi trước đó. Ban đầu là các môn âm nhạc, mỹ thuật, thể thao không chấm điểm mà chỉ nhận xét. Đến năm 2009, các môn toán, tiếng Việt, địa lý vừa cho điểm vừa nhận xét.

Bộ GD&ĐT nhận thấy khi đánh giá bằng điểm số, học sinh căng thẳng, mất hứng thú học tập. Theo ông Định, sau gần 2 năm thực hiện thông tư “cơ bản đã được xã hội chấp nhận”.

Một giáo viên nhận xét cả nghìn học sinh/tháng

PGS.TS Vũ Trọng Rỹ (Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam) cho biết, kết quả khảo sát thực tế trên 630 giáo viên, 30 hiệu trưởng các trường tiểu học ở 5 tỉnh gồm Hà Nội, Hải Dương, Hòa Bình, Phú Thọ, Đà Nẵng cho thấy, gần 64% cho rằng, Thông tư 30 khiến học sinh “lười học hơn trước”, 63,6% khẳng định thông tư “không khuyến khích phấn đấu vươn lên trong học tập”. Trả lời câu hỏi, sau một thời gian thực hiện Thông tư 30, kết quả học tập của học sinh như thế nào, gần 40% cho rằng kết quả thấp hơn trước, 48,6% cho rằng không có gì thay đổi. 

“Thông tư đã không tạo được động lực dạy và học cho cả giáo viên lẫn học sinh, không phân hóa được chất lượng người học. Nếu không điều chỉnh, sửa đổi sẽ suy giảm chất lượng cả một thế hệ học sinh”.

PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào,
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

Khảo sát cho thấy, 95,2% giáo viên được hỏi đều khẳng định họ vô cùng vất vả khi thực hiện thông tư 30, phần lớn thời gian họ dành cho ghi nhận xét học sinh. Điều này được các hiệu trưởng, cán bộ quản lý phòng và sở giáo dục thừa nhận. Trung bình một giáo viên phải dành 92 phút/ ngày chỉ để ghi nhận xét vào sổ và họ phải làm việc mọi lúc, mọi nơi kể cả giờ nghỉ lẫn trong giờ lên lớp. 

Đặc biệt, giáo viên các môn chuyên như mỹ thuật, âm nhạc, thể dục tại Hà Nội có người dạy 31 lớp và phải “ôm” 62 cuốn sổ ghi theo dõi chất lượng cùng lúc cho khoảng 1.240 học sinh (tính trung bình 40 em/lớp). Ở Hải Dương, một giáo viên dạy mỹ thuật cho 23 lớp phải nhận xét gần 800 học sinh. Khảo sát khẳng định đó là tình trạng chung ở mọi trường tiểu học.

Ông Ry cũng cho rằng, qua khảo sát, kiểm tra nhiều sổ theo dõi học sinh cho thấy, giáo viên gặp khó khăn về tìm từ ngữ để nhận xét. Những cụm từ chung chung như: em cần cố gắng, em viết cẩu thả, em học tiến bộ, em học tốt…không giúp học sinh nhận ra ưu, khuyết điểm của mình để nỗ lực. 

Như vậy, mục tiêu của thông tư trên thực tế không đạt được. Nhiều hiệu trưởng cho rằng, từ khi không chấm điểm học sinh ít chịu áp lực hơn nhưng lười học hơn, chất lượng học tập giảm sút nhưng trên số liệu bài kiểm tra, điểm số không giảm vì đề kiểm tra do giáo viên chủ nhiệm đề ra.

Có 59% phụ huynh trả lời “phản đối, không tán thành”, 35% phụ huynh thờ ơ. Nguyên nhân được chỉ ra là khi không chấm điểm, phụ huynh không xác định được năng lực học tập của con đến đâu để kèm cặp. Bằng chứng là điểm số không có, đọc nhận xét của giáo viên lại chung chung, kết quả cuối năm chỉ ghi Đạt hoặc Hoàn thành khiến nhiều phụ huynh hoang mang, lo lắng. 

Về thái độ của giáo viên, khảo sát cho thấy thời kỳ đầu giáo viên phản ứng gay gắt, có hành vi đối phó, sau quen dần và thực hiện vì nghĩa vụ của giáo viên chứ không nhận thức đây là chủ trương, cần thực hiện. Nhiều giáo viên muốn quay lại đánh giá chấm điểm học sinh như trước đây.

Xem xét chỉnh sửa Thông tư 30

Học sinh lười học hơn trước? - 2

Đa số phụ huynh không đồng tình với Thông tư 30. Ảnh: Ngọc Châu

Ông Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, cho rằng, khi xuống các trường, làm việc với nhiều giáo viên họ có đánh giá giống như kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu.

Theo ông Thuyết, một thông tư mà các đối tượng liên quan là giáo viên, học sinh, phụ huynh đều bị tác động tiêu cực thì ngành giáo dục cần cân nhắc, sửa đổi.  

Tiếp thu các ý kiến, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, ông không nghi ngờ về kết quả khảo sát, Bộ GD&ĐT cũng ý thức được quá trình triển khai có vấn đề chưa tốt, chưa khoa học. 

“Khi xây dựng Thông tư 30, chính người làm cũng xác định sẽ gặp khó khăn nhưng không lường hết được khó khăn như thế nào mà phải qua thực tiễn mới bật ra được chỗ yếu để chỉnh sửa”, ông Hiển nói. Ông Hiển thông tin, Bộ GD-ĐT đang xây dựng chương trình mới, trong đó sẽ phải chỉnh sửa Thông tư 30.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hà (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN