Học sinh “è cổ” khiêng bàn ghế: Dạy lao động hay là “hành” học sinh?

Đằng sau đoạn clip học sinh của Trường tiểu học Phước Đồng (Nha Trang, Khánh Hòa) khiêng bàn ghế từ tầng trên xuống cho thấy chuyện lao động tại các trường học vẫn chưa thực sự có “quy chuẩn”, nơi tổ chức, nơi không có hoạt động lao động. Bên cạnh đó, cũng cho thấy, nhiều phụ huynh ngày nay lo lắng, nuông chiều con và luôn “dị ứng” khi con lao động trên trường.

Học sinh “è cổ” khiêng bàn ghế: Dạy lao động hay là “hành” học sinh? - 1

Học sinh lớp 4 Trường tiểu học Phước Đồng khiêng bàn nặng từ trên tầng xuống. Ảnh cắt từ clip

Học sinh gồng mình khiêng bàn

Những ngày qua, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện đoạn clip được phụ huynh ghi lại hình ảnh những em học sinh đang khiêng bàn ghế tại Trường tiểu học Phước Đồng (xã Phước Đồng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) gây nhiều tranh cãi từ cộng đồng mạng. Cụ thể, trong đoạn clip do chính phụ huynh quay lại và đăng tải trên Facebook của phụ huynh Nguyễn Duyên. Hình ảnh trong đoạn clip cho thấy, các học sinh lớp 4 khiêng toàn bộ bàn, ghế từ trên tầng xuống đất.

Điều đáng chú ý là cũng trong đoạn clip nói trên, có sự góp mặt của ông Nguyễn Văn Châu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phước Đồng. Ông Châu thỉnh thoảng giơ tay chỉ trỏ, hướng dẫn học sinh khiêng bàn. Theo giải thích của nhà trường, đây là hoạt động lao động đầu năm học, các học sinh khiêng bàn ghế để chuẩn bị cho năm học mới. Trường cũng khẳng định, hoạt động lao động cho học sinh nhằm nâng cao ý thức lao động, rèn luyện sức khỏe.

Đoạn clip và sự việc nói trên đã gây nhiều tranh cãi trên cộng đồng mạng, nhiều phụ huynh cho rằng, học sinh được lao động, đóng góp cho nhà trường là rất quý. Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng, học sinh còn nhỏ, khiêng bàn ghế nặng từ trên tầng xuống sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, không may xảy ra tai nạn… Hiệu trưởng bắt ép học sinh lao động nặng nhọc là lạm quyền, trong khi việc này đáng lẽ ra thuộc về người lớn.

Còn đối với chị Duyên, giải thích về việc quay và đăng clip lên mạng xã hội, chị cho biết, tâm lý của phụ huynh ai cũng muốn ngày đầu tiên con trẻ đến trường, áo trắng quần xanh được là (ủi), sạch sẽ tươm tất, hy vọng con được giao tiếp trong môi trường sạch sẽ... Đó là điều mong ước của phụ huynh, vậy nhưng mong ước hoàn toàn trái ngược. Bàn ghế toàn bằng gỗ, rất nặng, thế nhưng lại bắt học sinh lớp 4 khiêng từ trên lầu xuống đất. Nhìn các em bước xuống cầu thang như mà muốn té khiến tôi càng thêm bực bội, khó chịu. Còn thầy Hiệu trưởng thì đứng đó giơ tay chỉ đạo...

Không dám “nhờ” vì sợ phụ huynh(?)

Câu chuyện lùm xùm ở Trường tiểu học Phước Đồng dù vấn đề nghiêm trọng hay không có gì tùy theo cảm nhận và đánh giá của từng phụ huynh. Song, câu chuyện này còn cho thấy hiện nay hoạt động lao động tại các trường học cũng rất khác nhau. Các trường vùng nông thôn, do chưa có điều kiện cơ sở vật chất tốt nên kết thúc năm học, học sinh làm công việc cất bảng, thu dọn bàn ghế, đầu năm học tham gia cải tạo sân trường, quét vôi lớp học. Ngày học tham gia trực nhật, tưới cây vườn hoa…

Còn các trường học ở thành phố, do có điều kiện cơ sở vật chất tốt, có đội ngũ làm công tác trông nom, vệ sinh tại trường. Phổ biến ở các trường học tại Hà Nội, TPHồ Chí Minh, các lớp đều được phụ huynh thuê quét dọn, lau bàn ghế trong phòng học. Do đó, không nhiều hoạt động mang tính lao động cho học sinh. Học sinh chủ yếu là học, tham gia hoạt động giáo dục thể chất, các lớp ngoại khóa về năng khiếu, thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe.

Nói về hoạt động lao động ngoại khóa của học sinh, cô Thanh Thủy, giáo viên một trường tiểu học ở quận Đống Đa chia sẻ: “Mọi hoạt động trong lớp học đều phải có sự bàn bạc, thông qua của Ban phụ huynh lớp. Nên các hoạt động như: Trang trí lớp học, lắp đặt các thiết bị, vệ sinh lớp học cũng do Ban phụ huynh đảm nhận hoặc đi thuê. Giáo viên không tự ý phân công lao động cho học sinh, mà chỉ nhắc nhở các con không vứt rác bừa bãi, giúp cô kê lại bàn học nếu bị xô lệch. Giáo viên rất ngại “nhờ vả” học sinh vì lo phụ huynh vô tình thấy”.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ (nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT) cho biết: “Trước kia thời kì khó khăn, học sinh và giáo viên đều vừa học, vừa lao động sản xuất. Bây giờ đời sống tốt hơn, học sinh không phải lao động nhiều, mà chỉ tham gia một số hoạt động giúp nhà trường. Vai trò của giáo dục học trò qua lao động là hết sức có ý nghĩa. Tuy nhiên, nhiều trường lại không tổ chức lao động mà thu tiền rồi thuê người làm. Ngược lại, nhiều trường lại phân công học sinh lao động không đúng với lứa tuổi, thể trạng. Thậm chí, một số trường coi lao động là một hình thức phạt học sinh như cọ rửa nhà vệ sinh, múc nước tưới cây, quét sân trường… cho nên cần giúp học sinh cảm nhận lao động là vinh quang chứ không phải là hình thức, là hình phạt hay thuê mướn là xong”.

Hiện nay, vẫn chưa có quy định cụ thể của ngành Giáo dục về lao động, giáo dục lao động của học sinh trong các nhà trường. Các địa phương cũng chỉ đạo chung chung vào đầu năm học, chẳng hạn như ở Hà Nội, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng chỉ yêu cầu các trường định kỳ tổ chức các buổi lao động tập thể với sự tham gia của cả giáo viên, nhân viên và học sinh, nhằm tạo ý thức lao động, giữ vệ sinh chung và tạo cảnh quan sư phạm. Hầu hết các trường học trên phạm vi cả nước đều tự căn cứ vào tình hình thực tiễn của nhà trường để tổ chức hoạt động lao động tại nhà trường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh (Báo Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN