Học nhiều quá hóa tâm thần

Có độ tháng 5, tháng 6, lượng học sinh, sinh viên đến khám và nhập viện tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia ngày càng đông. Phần lớn trong số họ bị sức ép học tập, thi cử...

Cuồng chữ hóa tâm thần

Một ngày giữa tháng 5, đang trao đổi với bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng T4 (Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) thì có tiếng gõ cửa, rồi một thanh niên với gương mặt đờ đẫn, rụt rè bước vào.

Người thanh niên tên Tân, 21 tuổi, quê Lạng Sơn, học cao đẳng năm cuối tại một trường ở Hà Nội. Thời THPT, sức học của Tân dưới trung bình nên bố mẹ luôn ép Tân học ngày học đêm để có thể đỗ đại học.

Cuối cùng Tân trúng tuyển cao đẳng trước sự hài lòng của bố mẹ. Tuy nhiên, do khả năng tiếp thu có hạn nên Tân phải học tập rất vất vả mới có thể trả đủ điểm cho các môn học tại trường.

Học nhiều quá hóa tâm thần - 1

Một bệnh nhân (trái) cùng mẹ tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia. Ảnh: K.N.

Trong những lần về quê, thấy sự kỳ vọng của bố mẹ, nhất là khi họ khuyến khích con sau khi tốt nghiệp sẽ học liên thông lên đại học khiến Tân cảm giác như luôn có sức ép vô hình nào đó. Gần đây, sau đợt thi học kỳ, Tân nhìn bức tường trước mặt bỗng có cảm giác thấy những dòng chữ nhảy múa trên trang sách.

Đến khi đi thực tập, Tân không làm nổi do phát bệnh tâm thần và phải nhập viện để điều trị. Được chữa trị, bệnh của Tân đã đỡ, nhưng biết mình sắp phải trở lại trường để thi tốt nghiệp, Tân cảm thấy đau đầu.

BS Dũng khuyên: “Sức khỏe là trên hết nên phải điều trị cho lành bệnh, nếu cần xin nhà trường cho bảo lưu kết quả năm sau tốt nghiệp cũng chưa muộn”.

Tân vừa ra thì có hai mẹ con bước vào phòng. Họ vừa từ Sơn La đến, vẻ mệt nhọc thấy rõ. Người mẹ khẩn khoản: “Cháu đã hai lần điều trị tại đây, mỗi lần được vài ngày đã nói đỡ rồi và nằng nặc đòi về để đi học. Nay cháu lại phát bệnh”. Người con trai tên Việt ngồi im, nét mặt vô cảm.

Năm ngoái bắt đầu lên THPT, mỗi khi đi học về Việt thường kêu đau đầu, chóng mặt, nhưng buổi tối vẫn đóng kín cửa để học bài. Trước Tết Nguyên đán, thỉnh thoảng người mẹ nghe tiếng con trai nói lầm rầm trong phòng đến khuya, nghĩ Việt đang học thuộc bài nên không để ý.

Chẳng ngờ trong một bữa cơm, người nhà phát hoảng khi thấy Việt bỗng lẩm bẩm như đang học bài, chẳng chịu ăn. Khi bố mẹ nhắc, Việt bỗng đứng phắt dậy, nét mặt tái mét như sợ ai đó hãm hại: “Tôi là Nguyễn Văn Việt, 18 tuổi (thực chất mới 16 tuổi-PV), thề là mình nói thật. Nếu sai tôi sẽ bị sét đánh chết”.

Sau lần đó, Việt ít ăn, ít ngủ, gầy sọp, và ngày càng nói lẩm nhẩm. Có lần mẹ Việt dọa: “Con cứ lẩm bẩm như thế đến lớp các bạn cười cho đấy”, thì Việt như chợt tỉnh: “Con đảm bảo ra khỏi nhà một mét là không nói gì hết, đừng bắt con ở nhà nhé”.

Nhập Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, nhưng qua hai lần điều trị (mỗi lần vài ngày), Việt lại đòi về để đi học, nay phải quay lại viện vì bệnh tái phát. Việt được nhận định bị tâm thần do rối loạn về tư duy, dẫn đến chứng hoang tưởng, ảo giác.

Mất giọng, mất trí nhớ do ngộ chữ

Đến phòng bệnh nhân, khá khó khăn tôi mới bắt chuyện được với Hà, cô gái có gương mặt xinh xắn đang điều trị tại viện lần thứ 3. Hà 17 tuổi, vừa học hết lớp 11, được mẹ đưa đến từ tỉnh Đăk Lăk.

Hà thuộc diện học khá, năm lớp 9 từng là học sinh giỏi văn của trường. Hà cho biết, nhà em cách TP Buôn Ma Thuột không xa nên việc học tập cũng được quan tâm, trong khi cô giáo chủ nhiệm lớp Hà lại thuộc diện hắc nhất trường.

Cuối năm ngoái, trước đợt thi học kỳ 1, do áp lực học quá cao nên một hôm Hà thấy đầu choáng váng, nói không thành tiếng. Mẹ Hà vội đưa con lên Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia điều trị, được bác sĩ chẩn đoán đã nhiễm bệnh tâm thần.

Sau vài ngày điều trị, Hà nói được bình thường, lại sốt ruột việc thi học kỳ nên xin về nhà. Thi xong, Hà tái phát, trở lại viện. Sau khi điều trị tạm ổn, đúng dịp Tết Nguyên đán nên Hà được ra viện, nhưng bác sĩ dặn không được học nhiều quá.

Tuy nhiên vào dịp thi học kỳ 2, Hà bị cuốn vào ôn thi lẫn học thêm nên tái phát bệnh, nói không thành tiếng. “Bây giờ cứ nghĩ đến học là em thấy sợ”- Hà nói.

Nghe giọng nói vẫn chưa rõ của con, mẹ Hà ngồi bên buồn rầu: “Lần này gia đình tôi quyết tâm cho cháu điều trị khỏi hẳn mới về. Chúng tôi chưa khi nào gây áp lực học tập cho con, nhưng sức ép từ phía nhà trường khiến cháu bị ảnh hưởng”.

Học nhiều quá hóa tâm thần - 2

BS Nguyễn Văn Dũng thăm khám bệnh nhân tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia

Bệnh nhân Thăng, 21 tuổi, nhà ở ngoại ô TP Thái Bình (tỉnh Thái Bình). Trong quá trình đô thị hóa, bố mẹ Thăng bán đất có được khoản tiền nên đầu tư cho con trai học đại học.

Từ hồi THPT, Thăng đã học thêm rất nhiều. Khi đỗ vào một trường đại học ở TP Hồ Chí Minh thì phát bệnh. Lúc đó gia đình không biết con mắc bệnh gì nên điều trị không đúng cách rồi để Thăng tiếp tục học.

Nghỉ hè năm thứ nhất, Thăng phát bệnh hoang tưởng, đến bố mẹ cũng không biết là ai, suốt ngày nói lảm nhảm. Gia đình phát hoảng vội cho nhập viện. Sau 4 tháng điều trị, bệnh Thăng đã đỡ nhưng phải bỏ học. “Bằng cấp đâu có ý nghĩa gì nếu vì nó mà mang bệnh vào thân” - bố Thăng nói.

Chữa trị đúng hướng, phòng tránh từ xa

Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thị Hương Xuân, nguyên Trưởng khoa 3, Bệnh viện Tâm thần T.Ư I cho biết, nếu được điều trị đúng hướng và kịp thời, người bệnh nặng vẫn có thể khỏi.

BS Hương Xuân cho biết, hiện trên thị trường bán tràn lan thuốc bổ não dưới dạng viên hoặc truyền tĩnh mạch.

Một số cha mẹ đã mua cho con dùng mà không biết rằng những thuốc này chủ yếu dùng cho những bệnh nhân tâm thần, người già mất trí nhớ hoặc tai biến mạch máu não.

Một số loại thuốc bổ não, nếu sử dụng không đúng cách có thể rơi vào chứng rối loạn tâm thần.

Để tăng cường sức khỏe cho con trong mùa thi, các bậc cha mẹ cần tăng cường chế độ dinh dưỡng để đảm bảo ca-lo trong ngày, ăn các chất dễ tiêu hóa như hoa quả, đồng thời tránh những áp lực học tập quá mức

Chị Xuân từng điều trị cho một bệnh nhân nữ lớp 12 (trú tại Thường Tín, Hà Nội) mắc bệnh loạn thần. Do áp lực ôn thi tốt nghiệp và đại học, nữ sinh này phát bệnh nặng với những biểu hiện la hét, xé rách quần áo..., được gia đình áp tải đến bệnh viện trong tình trạng hoảng loạn.

Xác định đây là trường hợp nặng, nhưng mọi biểu hiện phát tiết ra ngoài nên các bác sĩ của Bệnh viện Tâm thần T.Ư I đã điều trị đúng hướng khiến bệnh nhân dần hồi phục. Năm sau, bệnh nhân này thi lấy bằng tốt nghiệp mà không thi đại học.

BS Nguyễn Văn Dũng lại ấn tượng với bệnh nhân Trường (học sinh lớp 11, trú tại Đồ Sơn, Hải Phòng) mắc bệnh tâm thần khá nặng, vào viện điều trị cuối tháng 3 vừa qua sau khi tự tử lần thứ hai bất thành.

Bố mẹ Trường kinh doanh nhà nghỉ tại Đồ Sơn, kinh tế khá giả. Trường học giỏi, được tuyển vào lớp chọn của trường. Nhưng ngay từ năm lớp 10, áp lực học trên lớp và lượng bài tập về nhà quá lớn khiến Trường luôn căng thẳng, chán sống. Rồi Trường tìm đến cái chết bằng thuốc ngủ.

Người nhà phát hiện kịp nhưng Trường bắt đầu bị bệnh tâm thần từ đó. Đến lớp 11, cường độ dạy nhanh, yêu cầu cao, bài tập về nhà lại nhiều khiến bệnh của Trường nặng hơn. Trường thấy sợ học và tìm đến cái chết lần hai bằng cách cắt mạch máu.

BS Dũng cho biết: “Bệnh nhân suy kiệt, cơ thể gầy yếu, đây là một trong các nguyên nhân rất dễ mắc các rối loạn tâm thần do rối loạn chuyển hóa, thay đổi axit amin trong cơ thể. Tình trạng này khiến bệnh nhân mắc chứng hoang tưởng, ảo giác và rối loạn cảm xúc (trầm cảm, lo âu). Khi xác định được bệnh, Trường được điều trị theo đúng chuyên khoa và gần đây đã xuất viện”.

Học nhiều quá hóa tâm thần - 3

BS Nguyễn Văn Dũng bên một bệnh nhân tâm thần

BS Dũng cho biết: Bình thường học sinh, sinh viên phải ngủ từ 8-12 giờ/ngày, ăn từ 1.800-2.200kcal/ngày, khi không đáp ứng đủ thì cơ thể rất dễ bị thay đổi bởi tác nhân môi trường bên ngoài.

Trong khi đó, bộ não của con người dưới 22 tuổi chưa được biệt hóa hoàn toàn, tức chưa được hoàn thiện mà đã phải làm việc nhiều giờ (như học tập chẳng hạn) sẽ dẫn đến mệt não.

Biểu hiện ra bên ngoài là sự mệt mỏi của cơ thể, rối loạn sự chú ý, rối loạn cảm xúc, nặng hơn là rối loạn tâm thần. Vì vậy trong quá trình học tập, ôn thi nhất thiết phải đảm bảo sức khỏe cho học sinh, sinh viên.

Nếu thấy con em có những biểu hiện như mất ngủ kéo dài, tính tình thay đổi, cáu giận vô cớ, lơ đãng trong mọi công việc, xao nhãng học tập, nặng hơn nữa là trầm tư xa lánh mọi người thì các phụ huynh nên đến bệnh viện chuyên khoa tâm thần để được tư vấn và khám.

* Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi

Tra TỈ LỆ CHỌI của Đại Học – Cao Đẳng 2012. Nhanh Nhất – Chính Xác Nhất!
Soạn tin: CHOI MãTrường Năm gửi đến 8502

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kiến Nghĩa ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN