Hai câu hỏi gửi Bộ GD&ĐT
Dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH 2017 của Bộ GD&ĐT đang nhận được những phản ứng trái chiều của dư luận. Trong đó có hai câu hỏi lớn được đặt ra là: Cái cần là một lộ trình đổi mới thi cử bài bản, tại sao đến nay Bộ GD&ĐT vẫn chưa công bố? Áp dụng phương thức thi của ĐH Quốc gia Hà Nội với học sinh cả nước khi chưa có tổng kết đánh giá, liệu có ổn?
Ảnh minh họa
Học sinh, giáo viên có trở tay kịp?
Ngay sau buổi họp báo đầu năm học mới 2016-2017 của Bộ GD&ĐT, với những chủ trương điều chỉnh kỳ thi THPT quốc gia 2017 được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra, GS Nguyễn Minh Thuyết đã cho rằng chỉ còn 9 tháng, học sinh không thể chuẩn bị kịp. Nhiều thí sinh đã định hướng từ lớp 10. Vậy có kịp không? “Tôi nghĩ, quyết định này hơi vội, ảnh hưởng đến thí sinh” - GS Thuyết khẳng định.
Trong khi đó, nhiều trường ĐH cho rằng Bộ GD&ĐT đang tạo ra một cuộc chơi không công bằng. Các trường muốn thay đổi thì phải trình đề án, công bố phương án trước để Bộ duyệt trước 3 năm. Còn Bộ thay đổi, thì thí sinh, các trường không được thông báo trước lộ trình.
Như vậy, 3 năm, Bộ có 3 phương án thi khác nhau, thí sinh, giáo viên, các Sở GD&ĐT và các trường liệu có kịp trở tay? GS Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho rằng đúng ra đề án cần phải có lộ trình dài hơi. Ví dụ từ nay đến 2025 có những đổi mới gì, cách thức đổi mới ra sao. Như vậy sẽ có lộ trình để người học, gia đình, phụ huynh chuẩn bị. Điều này cũng giống như lộ trình tăng học phí, mỗi năm tăng bao nhiêu phần trăm.
Khi có lộ trình thì người học, người dạy đều có sự chuẩn bị. Chương trình đào tạo cũng có thể thay đổi uyển chuyển theo thời hạn. Nhưng thực tế, công tác chuẩn bị đề án như thế cần có thời gian. Nhưng nhiều khi trong đề án đưa ra như thế, đi vào thực tế thì không thành công, thì lại có dư luận, lại phải điều chỉnh. “Để có được một lộ trình như tôi đề xuất ở trên thì đòi hỏi phải có chuẩn mực cao về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ chuyên gia, phán đoán được tình hình, khẳng định được đường đi nước bước thì mới làm được” - GS Vui cho hay.
Chưa đánh giá kết quả đã áp dụng cả nước?
Vấn đề nữa mà các chuyên gia giáo dục băn khoăn đó là Bộ GD&ĐT tổ chức thi trắc nghiệm dựa trên phương thức đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội. PGS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đặt câu hỏi, hướng của Bộ GD&ĐT là dựa vào đề thi của ĐH Quốc gia Hà Nội, vậy ĐH Quốc gia Hà Nội đã tổng kết chưa sau khi thực hiện 2 năm vừa qua? Đây là vấn đề hệ trọng đối với cả nước. Vì phương án thi năm tới khác hẳn. Nói thành công nhưng phải có hội thảo phân tích, đánh giá chứ không phải bằng bao nhiêu nghìn câu hỏi. Nhất là môn Toán, nếu thi trắc nghiệm với cách dạy của Việt Nam hiện nay thì không chọn ra được người giỏi. “Và ra đề môn Toán trong ngân hàng câu hỏi của ĐH Quốc gia Hà Nội, khoa Toán của ĐH có tham gia không? Kể cả kết quả có tốt cũng phải xem xét vì tác động tới toàn xã hội khác với các trường trong ĐH Quốc gia Hà Nội. Thay đổi mà tốt lên thì nên thay đổi. Nhưng phải có lộ trình” - PGS Lê Hữu Lập đề xuất.
Đây cũng là băn khoăn của GS TSKH Phùng Hồ Hải, Tổng thư ký hội Toán học Việt Nam. “Chúng tôi đã trao đổi với khoa Toán của ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội thì khoa Toán khẳng định không tham gia ra đề thi Toán trong ngân hàng đề thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội. Nên chúng tôi không biết đề ở đâu ra” - GS Phùng Hồ Hải nói.