Giữ trẻ 6 tháng: Thiếu người nuôi dưỡng
Theo quy định, cứ 35-50 trẻ phải có 1 nhân viên nuôi dưỡng nhưng thực tế ở các trường mầm non tại TP HCM hiện nay, 100 trẻ mới có 1 nhân viên nuôi dưỡng
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM vừa có chuyến khảo sát tại 3 quận, huyện việc thực hiện Nghị quyết 01 của HĐND TP về hỗ trợ giáo dục mầm non. Các quận, huyện cho rằng đề án nhận trẻ 6-18 tháng tuổi đã giải quyết được nhu cầu bức thiết về chỗ giữ trẻ an toàn cho người lao động. Tuy nhiên, những khó khăn khi thực hiện cũng không hề nhỏ, nhất là về việc tuyển nhân sự.
Khó tuyển dụng nhân sự
Theo các quận, huyện, tính nhân văn của đề án là đáp ứng được chỗ giữ trẻ an toàn cho người dân, nhất là những người có thu nhập thấp. Thế nhưng, khi thực hiện, khó khăn lại nảy sinh ở các trường do không có cơ chế tuyển thêm nhân sự. Trong khi đó, công tác giáo dục, chăm sóc trẻ ở lứa tuổi này đòi hỏi rất cao. Phần lớn các trường đều phải tự cân đối kinh phí để tuyển dụng nhân viên nuôi dưỡng do chưa có định biên cho chức danh này trong trường mầm non.
Giáo viên chăm sóc trẻ tại Trường Mầm non Tuổi Ngọc (quận 8, TP HCM)
Tại buổi khảo sát ở quận Bình Tân, bà Nguyễn Từ Dũ, Phó Phòng Giáo dục mầm non Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, cho biết theo Thông tư liên tịch 06/2015 của Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT, cứ 35 hoặc 50 trẻ là có 1 nhân viên nuôi dưỡng nhưng thực tế, các trường hiện nay chỉ có 1 nhân viên nuôi dưỡng/100 trẻ. Sở GD-ĐT TP HCM đã hướng dẫn các trường và kiến nghị với Sở Nội vụ về thực hiện biên chế nhân viên nuôi dưỡng nhưng vẫn chưa tháo gỡ được định biên này.
Tại quận 9, khó khăn lớn nhất cũng là chưa bố trí được nhân viên nuôi dưỡng (1 lớp/người). Trong khi đó, dù việc chăm sóc, nuôi dưỡng đòi hỏi cao hơn nhưng tiền thu vào ở nhóm trẻ 6-18 tháng tuổi lại bằng các đối tượng trẻ khác. Vì thế, dù được hỗ trợ thì giáo viên dạy các nhóm này vẫn rất khó khăn. Theo lãnh đạo quận 9, TP yêu cầu giảm biên chế 10% nhưng với số lớp trong các trường tăng, số học sinh tăng thì giáo viên, nhân viên giảm là không hợp lý.
Cô Nguyễn Thị Duyên Hồng, Hiệu trưởng Trường Mầm non 19-5 (quận 8), cho biết: “Tại quận 8, giáo viên giữ trẻ 6-18 tháng tuổi được hưởng lương thêm 35%, nhân viên hưởng thêm 25%. Tuy nhiên, để có 1 lớp 13-18 tháng tuổi, nhà trường đã lấy 1 lớp ra ngoài nên có 35 trẻ phải ra học trường mầm non tư thục. Điều này cũng có nghĩa hằng tháng, nhà trường mất đi một khoản không nhỏ học phí, ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của mình”.
Từng bước tháo gỡ
Theo cô Duyên Hồng, 2 giáo viên chăm sóc 14 trẻ là rất vất vả, trường phải hợp đồng thêm 1 người để hỗ trợ và phải trả lương cho họ. Theo Nghị quyết 01, các lớp được phép có thêm 1 nhân viên nuôi dưỡng nhưng hiện nhà trường vẫn chưa có biên chế này. Vì phải thuê thêm người hỗ trợ nên nhà trường đề xuất tăng tiền bán trú. Thay vì quy định hiện hành là 100.000 đồng/trẻ thì nhà trường xin tăng lên 150.000 đồng để trả cho nhân viên nuôi dưỡng.
Về vấn đề này, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND quận 8, băn khoăn: “Nếu cho phép tăng thêm tiền bán trú thì chắc chắn phụ huynh sẽ phản ứng. Sở GD-ĐT TP HCM và Sở Nội vụ TP cần phối hợp nhanh chóng để tháo gỡ khó khăn về nhân sự chứ không thể lấy tiền của dân để giải quyết việc này”.
Trước những đề xuất, kiến nghị của các đơn vị, tại buổi làm việc tại quận 9, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM, cho rằng bài toán nhân sự và sắp xếp biên chế hiện nay thật sự khó khăn, không riêng gì ngành giáo dục. Hiện nay, hiểu nôm na là 2 người nghỉ hưu mới tuyển được 1 người. Mỗi đơn vị bị giảm đi 10% biên chế. Nhiều đơn vị buộc phải tuyển dụng theo hình thức hợp đồng thời vụ. Với những vị trí khó tuyển như nhân viên nuôi dưỡng thì càng khó tìm người hơn. Bởi lẽ, nếu không được vào biên chế, họ ra ngoài làm các công việc tạp vụ, phụ hồ còn nhiều tiền hơn.
“Khó khăn là thế nhưng chúng ta tháo gỡ từng bước. Chẳng hạn, khi quận, huyện nào mới xây trường, bản thân mỗi trường phải dự kiến được các chức danh, vị trí việc làm rõ ràng, sự cần thiết của các vị trí. Chỉ khi có đề án việc làm chi tiết, thuyết phục thì những đề xuất, kiến nghị của chúng ta mới dễ thực hiện hơn” - bà Nhung lưu ý.
Phụ huynh ngại gửi con Quận Bình Tân hiện có 13/22 trường công lập thực hiện đề án này, với tổng số trẻ 6-18 tháng tuổi là 37 cháu/5 trường. Tại quận 9, có 61 trẻ 6-18 tháng tuổi đang theo học. Đáng chú ý, trong số 61 trẻ này, chỉ có 22 cháu 6-12 tháng tuổi, 39 cháu 13-18 tháng. Riêng tại quận 8, hiện không có trường công lập nào mở lớp 6-12 tháng tuổi, chỉ có 3 trường mở lớp 13-18 tháng tuổi với 41 trẻ. Theo ông Dương Văn Dân, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 8, quận đã yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non công lập phối hợp với UBND 16 phường rà soát, thống kê số lượng trẻ 6-18 tháng tuổi trên địa bàn. “Kết quả khảo sát nhu cầu gửi trẻ trong độ tuổi này cho thấy số phụ huynh không có nhu cầu gửi con chiếm tỉ lệ cao hơn” - ông Dân cho biết. |