Giáo dục: Phải xác định chuẩn con người VN

Để giáo dục làm tốt nhiệm vụ đáp ứng nguồn lực con người theo yêu cầu phát triển của đất nước, chúng ta phải xác định được “chuẩn con người VN thế kỷ 21”.

Bàn về triết lý giáo dục là một chủ đề khó, bàn cho ra nhẽ lại càng khó hơn. Nhưng việc định hình được một triết lý giáo dục đối với nền giáo dục nước ta có ý nghĩa vô cùng quan trọng, có tác dụng định hướng cho chúng ta trong bối cảnh nền giáo dục đang rất cần sự đổi mới để phát triển.

Cụ thể hóa quan điểm

Khi đất nước có chiến tranh, chúng ta không có thời giờ để đặt ra và thảo luận cho ra nhẽ vấn đề triết lý của nền giáo dục của chúng ta là gì. Nhưng bằng kết quả sản phẩm của nền giáo dục đạt được đã là câu trả lời cho câu hỏi về triết lý giáo dục: nền giáo dục phục vụ nhiệm vụ cao cả của dân tộc, của thời đại mà sản phẩm của nó là đào tạo ra những con người “vừa hồng, vừa chuyên” yêu nước, sẵn sàng cống hiến cho yêu cầu của đất nước.

Giáo dục: Phải xác định chuẩn con người VN - 1

Học sinh học cách gấp vỏ hộp sữa và bỏ vào thùng rác để mang đi tái chế - Ảnh: Hà Bình

Đất nước thống nhất, cả nước cùng phấn đấu cho một mục tiêu chung vì sự nghiệp “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, và văn minh”. Đại hội Đảng lần thứ XI tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường mà dân tộc ta đã chọn. Đảng đã khẳng định rõ về chế độ chính trị mà chúng ta tiếp tục xây dựng với những cơ sở kinh tế và xã hội đặc trưng của nó. Giáo dục - đào tạo là một hình thái ý thức xã hội, một bộ phận của kiến trúc thượng tầng, không thể không chịu sự chi phối của cơ sở hạ tầng của hình thái kinh tế - xã hội.

Nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường

Sáng 17/10, chương trình “Bảo vệ môi trường và dinh dưỡng học đường” do Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp cùng các đơn vị tổ chức đã được phát động tại Trường tiểu học Bế Văn Đàn (Q.Bình Thạnh). Tại buổi lễ, học sinh đã học cách gấp vỏ hộp sữa sau khi sử dụng và bỏ vào thùng rác để tái chế; xem hoạt cảnh, kịch rối, chơi các trò chơi vận động lồng ghép kiến thức bảo vệ môi trường, đọc truyện tranh có nội dung bảo vệ môi trường...

HÀ BÌNH

Triết lý giáo dục nghĩ cho cùng không phải cái gì khác mà đó chính là hệ thống quan điểm, chủ trương, phương hướng được cụ thể hóa trong nội dung, hình thức đào tạo và mục tiêu hướng tới của sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Những quan điểm, chủ trương cũng như nội dung, hình thức và mục tiêu nói trên phải phù hợp và đáp ứng với yêu cầu thực tế của đất nước.

“Chuẩn con người VN”

Hiện nay chúng ta đang ở trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ, chuẩn bị cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội bằng việc “hoàn thiện nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra sôi động, chúng ta còn phải “vừa phát huy nội lực vừa hội nhập quốc tế”. Vì thế triết lý giáo dục mà chúng ta hướng tới thiết nghĩ cần phải giải quyết những vấn đề sau đây:

Để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thế kỷ 21, ngành giáo dục - đào tạo có nhiệm vụ đáp ứng nguồn lực con người. Để làm tốt nhiệm vụ trọng đại đó, chúng ta phải xác định được “chuẩn con người VN thế kỷ 21” với những định hướng giá trị phù hợp. Đấy là con người vừa truyền thống vừa hiện đại; vừa có những phẩm chất đặc trưng của con người VN như yêu nước, cần cù, nhân ái... vừa có những phẩm chất của “công dân quốc tế” - con người hiện đại như trình độ văn hóa, chuyên môn nghề nghiệp cao, có lối sống, tác phong công nghiệp, có khả năng hội nhập quốc tế...

Từ chuẩn mực đó, chúng ta xây dựng hệ thống quan điểm, định hướng cho việc tổ chức một nền giáo dục “mở”: đa dạng hóa loại hình trường, lớp đảm bảo cho mọi công dân đều được học suốt đời. Bên cạnh nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, chú trọng đặc biệt nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu phát triển vì đây là lực lượng chủ chốt xây dựng đất nước. Giao quyền chủ động cho các trường trong nhiệm vụ đào tạo, chịu trách nhiệm trước xã hội về chất lượng, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh về chất lượng giáo dục trên cơ sở những định hướng chung của Nhà nước.

Từ cơ sở “chuẩn con người VN thế kỷ 21” và hệ thống quan điểm, định hướng của nền giáo dục, chúng ta mới lựa chọn những nội dung và phương pháp đào tạo phù hợp, trong đó xây dựng được một chương trình đào tạo tốt với những nhóm kiến thức, kỹ năng theo chuẩn đầu ra đã được phác thảo. Bên cạnh giáo dục cho người học những phẩm chất cần có theo truyền thống dân tộc, các nhóm nội dung kiến thức cần phải trang bị là: nhóm kiến thức nền tảng; nhóm kiến thức nghề nghiệp chuyên môn; nhóm kiến thức công cụ và phương pháp để hợp tác, hội nhập và học tập suốt đời; nhóm kỹ năng sống...

TS NGÔ MINH OANH (viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến (nguyên trợ lý bộ trưởng Bộ GD-ĐT): Giáo dục phổ thông phải đi tiên phong trong giáo dục nhân cách

Trước hết, trong sứ mệnh chung của giáo dục nước ta là “nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng vào phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người VN” thì giáo dục phổ thông phải tập trung vào xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người VN đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển của đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN. Ở đây nhân cách được hiểu là phẩm chất và năng lực cá nhân được hình thành từ sự kết hợp giữa các yếu tố giá trị, kiến thức và kỹ năng mà giáo dục phổ thông đem lại. Trong cấu trúc nhân cách trên, yếu tố giá trị đóng vai trò cốt lõi và giáo dục phổ thông có trọng trách phát huy các mặt mạnh, khắc phục các yếu kém trong nhân cách thế hệ trẻ ngày nay.

Điều đáng quan tâm hiện nay là đang có sự chuyển dịch đáng lo ngại trong thang giá trị và định hướng của thanh thiếu niên. Tính lương thiện, trung thực, ngay thẳng, niềm tin, lòng bao dung, sự liêm chính đang là những giá trị bị xuống hạng trong nhân cách của một bộ phận đáng kể trong giới trẻ. Nếu không kịp thời nhận dạng và khắc phục thì mục tiêu về xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, những định hướng to tát về nhân cách như lý tưởng, hoài bão, bản lĩnh, lòng tự tôn dân tộc sẽ chỉ mãi dừng ở những lời nói suông. Việc xây dựng và hoàn thiện nhân cách của con người VN là nhiệm vụ của cả xã hội, nhưng giáo dục phổ thông phải đóng vai trò tiên phong và nền tảng.

V. Hà

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm PV (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN