Du học sinh, cẩn thận thuê nhà ở Úc

Tại Anh, nếu không có may mắn thì ít nhất du học sinh phải đôi ba lần chuyển chỗ ở và gặp những rắc rối không đáng có.

Với kinh nghiệm bốn lần di chuyển chỗ ở trong chín tháng sống tại Anh, Trần Vinh Quang, du học sinh thạc sĩ Trường ĐH Greenwich (Anh), chia sẻ: “Khi mới sang Anh, tôi may mắn tìm được chỗ ở khá tốt từ lời giới thiệu của một chị sinh viên sắp về nước. Nhưng sau đó tôi phải tìm kiếm chỗ ở mới do việc đi lại gặp nhiều khó khăn và rắc rối bắt đầu từ đây”.

Coi chừng bị lừa đảo

Sau khi tìm được thông tin “vị trí gần trường, giá thuê siêu rẻ” và bức ảnh chụp căn phòng đẹp long lanh được đăng trên một trang web quảng cáo khá nổi tiếng ở Anh, Trần Vinh Quang đã vội vàng liên lạc với chủ nhà. Chủ nhà gợi ý nếu không đặt cọc trước một tháng tiền nhà thì sẽ có người khác dọn vào ngay vì có rất nhiều người đến xem nhà. Ngay lập tức Quang đã đồng ý ký hợp đồng và đóng tiền cọc. Tuy nhiên, đến hôm sau khi đang hăm hở di chuyển đồ đạc vào nhà thì Quang phát hiện có một người cũng đang ở trong căn phòng mà Quang đã thuê. Cả hai mới biết bị lừa vì những thông tin đăng trên hợp đồng và giấy tờ tùy thân đều là giả mạo. Và tất nhiên người đăng tin quảng cáo cùng tiền đặt cọc đã không cánh mà bay!

 

Du học sinh, cẩn thận thuê nhà ở Úc - 1

Tìm được một ngôi nhà ưng ý để thuê không phải là khó nếu bạn biết cách. Trong ảnh: Khu nhà ở tại TP Pomona, California (Mỹ) gần Trường ĐH California State, Fullerton. Ảnh: QUỐC DŨNG

Quang cho biết trường hợp bị lừa gạt tiền đặt cọc khá phổ biến do du học sinh tại Anh hay đọc thông tin tìm nhà trên web và bị “dính” chiêu của bọn lừa đảo rất nhiều. Kinh nghiệm đúc kết khi tìm nhà là không được nóng vội. Khi thấy người ta bắt đặt cọc ngay thì bạn nên cẩn thận, có thể xác minh thông tin bằng cách yêu cầu xem giấy tờ thuê nhà, đọc kỹ các điều khoản ghi trên hợp đồng thuê nhà và nếu có thắc mắc gì thì hỏi ngay. Nếu có thể thì hãy đề nghị chủ nhà cho đặt cọc trước một ít, đến khi nào dọn hẳn đồ đạc vào nhà thì đưa số tiền còn lại.

Nguyễn Hải Long, cựu du học sinh Trường ĐH La Trobe (Úc), cho hay: “Hầu hết sinh viên du học tự túc thường chọn ở cùng bạn bè với khoảng 3-5 người trong cùng một nhà. Thông tin cho thuê nhà được quảng cáo trên báo, đặc biệt là số ra vào ngày thứ Bảy hằng tuần hoặc tại đại lý bất động sản địa phương và các bảng thông báo tại trường. Tuy nhiên, bạn nên cẩn thận trước những thông tin lừa đảo khi thuê nhà bên ngoài. Bạn nên truy cập website www.scamwatch.gov.au để có thêm nhiều thông tin cụ thể và chi tiết khi thuê nhà”.

“Soi nhà” thật kỹ

Đặng Quốc, du học sinh Trường ĐH California State, Sacramento (Mỹ), cho biết bạn có thể tìm thông tin nhà trọ trên báo của trường và báo địa phương trong chuyên mục rao vặt. Trong đó, nếu quảng cáo ghi “Unfurnished”, nghĩa là bạn phải tự mua đồ nội thất riêng (ghế, bàn, giường); còn “Furnished” là được cung cấp đồ nội thất nhưng giá thường cao hơn; “Rooms for rent” thường là phòng trong nhà với bếp, nhà tắm và toilet sử dụng chung và thường giá rẻ hơn; “Rental to Share” là căn hộ hay nhà đã có người thuê rồi, họ tìm người ở chung và thường bạn sẽ có phòng riêng, sử dụng chung các phương tiện khác; “Sublets” là tình trạng nhà đang được cho thuê, người thuê muốn dời đi trước khi chấm dứt hợp đồng và họ tìm người để sang nhượng lại.

Nguyễn Thảo, cựu du học sinh thạc sĩ Trường ĐH Western Australia (Úc), kể: “Khi thuê nhà, bạn thường phải trả trước khoảng 6-8 tuần, trong đó bao gồm tiền đặt cọc và thuê nhà là 2-4 tuần. Tuy nhiên, bạn phải nắm rõ quyền và nghĩa vụ của người thuê nhà và chủ nhà. Hãy kiểm tra những cam kết, điều khoản và quyền lợi trước khi ký hợp đồng. Bạn phải đảm bảo bạn đã lưu giữ những văn bản hoặc bản sao của tất cả biên lai thuê nhà hằng tháng. Quan trọng là bạn phải xem kỹ nhà bạn sẽ thuê, từ những vết nứt trên tường, vết sơn bong hay vết bẩn trên thảm cũng phải ghi và chụp ảnh lại. Nếu không, sau này chủ nhà sẽ bắt bạn bồi thường thiệt hại vì họ cho rằng bạn gây ra những hỏng hóc đó. Do đó, đừng để mất tiền oan khi tiền đặt cọc bị trừ vào những lỗi không phải do bạn gây ra”.

Đừng tự “đàm phán” hợp đồng

Khi “đàm phán” hợp đồng, bạn hãy tìm đến Advice Centre của trường. Advice Centre của trường chính là nơi giúp đỡ sinh viên kiểm tra các bản hợp đồng thuê nhà hoàn toàn miễn phí. Nếu trường không có Advice Centre, bạn có thể tìm đến các Letting agent - công ty đại diện thuê nhà. Với Letting agent bạn sẽ được làm giúp mọi việc, từ xem nhà tốt, thỏa thuận giá cả với chủ nhà, quy định các điều khoản trong hợp đồng và ký kết hợp đồng… Tuy nhiên, bạn sẽ phải trả một khoản chi phí khá cao cho dịch vụ này. Nếu muốn tiết kiệm chi phí, bạn có thể chỉ sử dụng danh sách các nhà cho thuê từ Letting agent.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quốc Dũng (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN