Đề thi “tiếng Hà Tĩnh” gây xôn xao dư luận

Trong những ngày vừa qua, trên các mạng xã hội, Câu hỏi số 2, tiếng địa phương nằm trong đề thi môn Ngữ văn 7 của Phòng GD&ĐT huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đang gây xôn xao dư luận.

Ngày 5/5, Phòng GD&ĐT huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã tổ chức kỳ thi khảo sát chất lượng học kỳ II, năm học 2014 - 2015 cho học sinh trên địa bàn huyện. Trong đề thi môn Ngữ văn 7, có câu hỏi số 2 khi yêu cầu học sinh dịch từ tiếng địa phương sang tiếng phổ thông: “Mô Rú mô ri mô nỏ chộ / Mô rào mô bể chộ mô mồ”. Trong thang điểm của đề thi thì câu hỏi số 2 sẽ có mức điểm tối đa là 1 điểm. Câu hỏi này đang trở thành tâm điểm của nhiều luồng dư luận trái chiều.

Đề thi “tiếng Hà Tĩnh” gây xôn xao dư luận - 1

Đề thi hôm 5/5 của học sinh huyện Lộc Hà.

Học sinh lớp 7, trường THCS Mỹ Châu (Lộc Hà) đã đưa ra một đáp án: “Cái núi, cái chi, đâu không thấy / Cái đê, cái bể thấy đâu nào”. Các em cho rằng mình sẽ không đạt được điểm tối đa của câu hỏi. Còn ở trường THCS Thạch Bằng (Lộc Hà), trong bài thi của các học sinh cũng có nhiều đáp án khác nhau.

Học sinh Lê Quốc Hội (lớp 7C, THCS Thạch Bằng) trả lời cho câu hỏi trên như sau: “Đâu núi đâu rừng đâu không thấy / Đâu biển đâu biển nào đâu thấy”. Và mức điểm mà học sinh Hội nhận được là 0,75 điểm trên 1 điểm tối đa của câu hỏi.

Học sinh Cao Thị Mỹ Linh (lớp 7C, THCS Thạch Bằng) thì viết lại câu hỏi bằng tiếng phổ thông: Đâu núi, đâu rừng, đâu nào thấy / Đâu suối, đâu sông thấy đâu nào. Với câu trả lời như vậy thì học sinh Duyên cũng nhận được 0,75 điểm trên 1 điểm tối đa. Tuy nhiên vẫn có học sinh đạt được điểm tối đa của câu hỏi khi đưa ra câu trả lời: Đâu núi, đâu rừng, đâu chẳng thấy / Đâu sông, đâu biển, thấy đâu nào.

Thầy Nguyễn Thanh Châu - Hiệu trưởng trường THCS Thạch Bằng chia sẻ: “Đề thi này cũng bình thường thôi, thỉnh thoảng nên cho những câu hỏi này vào trong đề thi. Nếu học sinh kêu khó thì học sinh không học, nếu giáo viên kêu khó thì giáo viên không thâm nhập thực tế”.

Phóng viên đã trao đổi và làm việc với thầy Phan Thanh Dân - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lộc Hà. Thầy Dân cho biết: “Bộ đã có quy định đem chương trình địa phương vào trong môn học. Câu hỏi này chỉ mang tính chất nhận dạng, vì đây là một chương trình bắt buộc nên Phòng đã đưa vào 4 - 5 năm rồi. Học sinh lớp 7 chỉ mới bắt đầu nhận dạng nhưng đến phần dịch nghĩa, phân tích sẽ khó hơn nhiều. Câu hỏi trên nằm trong chương trình Tích hợp phần địa phương, bổ sung ngoài sách giáo khoa”.

“Câu hỏi trên được dịch là: Đâu núi, đâu non, đâu chẳng thấy / Đâu sông, đâu biển, thấy đâu nào. Trong ngôn ngữ vùng Nghệ - Tĩnh, “mô” là đâu, ở đâu; “rú” là núi; “Mô ri” là ở đâu đây; “nỏ” là không; “nỏ chộ” là không thấy, chẳng thấy; “rào” là con sông; “bể” là biển; “mô mồ” là đâu nào. Tôi cho rằng học sinh phần lớn sẽ trả lời được câu hỏi. Và câu hỏi địa phương này rất hay, nó mang lại cho học sinh hiểu hơn về sự phong phú ngôn ngữ của địa phương mình”, thầy Dân cho biết thêm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cảnh Huệ (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN