Đề thi Lịch sử năm 2016 buộc giáo viên thay đổi cách dạy
“Để thí sinh có thể làm tốt đề thi năm nay, giáo viên buộc phải thay đổi phương pháp dạy môn Lịch sử. Giáo viên không chỉ dạy trong kiến thức sách giáo khoa mà còn phải gắn với tình hình thực tiễn”, một số giáo viên nhận định.
Đề thi môn Lịch sử
Cô Lê Phương Phương - giáo viên trường Trung học Cơ sở- Trung học Phổ thông Thái Bình (TP. HCM) cho biết, cách ra đề Lịch sử năm nay khá hay và phân loại được thí sinh.
Thí sinh không chỉ học thuộc bài và nắm được kiến thức trong sách giáo khoa mà cần phải có kỹ năng phân tích tổng hợp và kiến thúc xã hội mới có thể làm bài tốt.
Cô Phương phân tích, chỉ có câu 1 chủ yếu học thuộc trong sách giáo khoa. Ngay ở câu 2,3 bên cạnh kiến thức trong chương trình học thí sinh cần phải biết phân tích tổng hợp mới có thể làm bài được. Riêng câu 4 là câu rất hay, học sinh phải hiểu được chính sách và nắm được chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, nắm bắt được thông tin trong tình hình hiện nay. Bên cạnh đó, thí sinh phải có những hiểu biết về kiến thức xã hội. Câu hỏi này rất có ý nghĩa trong tình hình hiện nay khi mà các thế lực thù địch, các luận điệu sai trái kích động nhằm phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc. Trong suốt quá trình lịch sử của đất nước, đại đoàn kết luôn là sức mạnh của dân tộc ta, vì vậy đề khơi dậy tinh thần đoàn kết dân tộc trong thế hệ trẻ hiện nay là rất cần thiết.
Theo cô Phương, so với những năm trước, đây là một cách ra đề mới vì đề năm nay yêu cầu học sinh phải biết liên hệ thực tế và phải tư duy nhiều, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc lòng Lịch sử.
“Đề thi dạng này buộc giáo viên phải thay đổi phương pháp dạy môn Lịch sử. Giáo viên không chỉ dạy trong kiến thức sách giáo khoa mà còn phải gắn với tình hình thực tiễn”, cô Phương nói.
Thí sinh dự thi môn Lịch sử sáng 4/7
Cô Nguyễn Thị Thu Hà, Trường THPT chuyên Sư phạm (Hà Nội) nhận xét, đề thi Sử đang dần dần tiệm cận với việc đổi mới cách ra đề. Đề năm nay nhẹ nhàng hơn và khả năng đạt điểm 8 của học sinh không khó.
Câu 1 và 2 thuần túy là lý thuyết nhưng không cần học thuộc. Với học sinh chuyên, giỏi Sử, các em hoàn toàn có thể đạt 8,5- 9 điểm.
“Cách ra đề thi có sử dụng bảng dữ liệu để học sinh không nhớ máy móc dữ kiện và tăng khả năng vận dụng kiến thức”, cô Hà chia sẻ.
TS. Lê Thị Thu Hương, giảng viên ĐH Thủ đô cho biết, đề thi năm nay bám sát chương trình học sách giáo khoa cơ bản của Bộ GD-ĐT, đề thi có tính phân loại cao và đảm bảo mục tiêu của kỳ thi THPT quốc gia 2016. Phổ điểm trung bình môn Lịch sử năm nay tập trung ở điểm 5, 6 và ít điểm 9, 10.
“Cái hay của đề thi năm nay là Bộ đã giảm câu hỏi về học thuộc lòng mà đòi hỏi sự tư duy logic của thí sinh, cách nhìn tổng quan về tình hình lịch sử và khả năng tư duy, suy luận cao”, TS. Lê Thị Thu Hương cho hay.
Cụ thể, tính liên hệ thực tiễn trong đề thi rất cao, đó là trách nhiệm của thế hệ trẻ với chủ trương và đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Đưa ra cho thế hệ trẻ phát biểu ý kiến cá nhân về trách nhiệm của mình về đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thí sinh chọn thi môn Lịch sử giảm đáng kể Bộ GD-ĐT cho biết, tổng số thí sinh vi phạm kỷ luật: 71 đình chỉ thi (cụm thi tốt nghiệp: 1 và cụm thi đại học: 70), 5 khiển trách và 5 cảnh cáo. Tổng số thí sinh đăng kí dự thi môn Lịch sử là 131.697 (cụm thi tốt nghiệp: 38.167 và cụm thi đại học: 93.530) trong khi đó cả nước có gần 900.000 thí sinh đăng ký dự thi; Tổng số thí sinh đến dự thi đạt tỷ lệ 96.3% (cụm thi tốt nghiệp đạt 98.48%; cụm thi đại học đạt 95.53%); Tổng số điểm thi là: 749 (cụm thi tốt nghiệp: 498 và cụm thi đại học: 251); |