Dành quyền tự chủ cho trường đại học

Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận về Dự luật Giáo dục đại học (ĐH). Đây là dự luật nhằm điều chỉnh hoạt động của hệ thống trường ĐH hiện nay ở Việt Nam, trong đó dự luật đã dành quyền tự chủ khá lớn cho các trường ĐH. Dự luật dự kiến thông qua tại kỳ họp này.

Cho ý kiến vào dự luật, nhiều ý kiến đại biểu đã bày tỏ sự nhất trí cần phải ban hành luật để điều chỉnh hoạt động của hệ thống giáo dục ĐH hiện nay. Nhiều ĐB cũng cho rằng việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở GDĐH và đề nghị quy định chi tiết ngay trong luật các điều kiện, tiêu chí để cơ sở GDĐH thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Các ĐB cũng cho rằng cơ sở GDĐH nên được tự chủ, tự chịu trách nhiệm xác định chỉ tiêu tuyển sinh và công tác tổ chức tuyển sinh, nhất là với những cơ sở GDĐH đã tham gia hoạt động đào tạo từ 3 năm trở lên được tự chủ trong việc mở ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ cao đẳng, ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ trên cơ sở quy định điều kiện khung của Bộ GDĐT. Tuy nhiên, nhiều ĐB vẫn cho rằng cần phải bổ sung thêm nhiều vấn đề cho hoàn chỉnh.

Cuối buổi thảo luận, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận đã thay mặt ban soạn thảo tiếp thu ý kiến đóng góp của các ĐB. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải trình thêm: Về việc phân tầng và xếp hạng các cơ sở giáo dục như một số ý kiến ĐB nêu thì hiện nay chúng ta đã phân tầng ĐH và điều này thể hiện bằng việc Chính phủ đã cho thành lập 2 ĐH QG và các ĐH vùng như ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng là trường ĐH 2 cấp, để đào tạo, nghiên cứu chất lượng cao. Hiện nay, Chính phủ cũng đã có quyết định xây dựng 2 trường ĐH đào tạo công nghệ cao... đó chính là phân tầng trong việc đào tạo ĐH.

Bộ trưởng cũng cho rằng việc xếp hạng cơ sở đào tạo ĐH theo ý kiến của nhiều ĐB thì không nên quy định cho một cơ quan nào đứng ra. “Ở các nước, việc xếp hạng các trường là do các tờ báo, các hiệp hội các trường ĐH, thậm chí là các tổ chức tư nhân đánh giá xếp hạng. Ở nước ta, việc xếp hạng là vấn đề mới nên không nên đưa vào luật quy định Chính phủ hay Bộ GDĐT xếp hạng, mà chỉ nên quy định tiêu chuẩn, tiêu chí xếp hạng mà thôi. Việc xếp hạng thế nào nên để các văn bản dưới luật quy định” – Bộ trưởng nói. Cũng theo Bộ trưởng thì mô hình ĐHQG là hết sức cần thiết, bởi ĐHQG có sứ mạng đào tạo và nghiên cứu khoa học chất lượng cao ngang tầm khu vực, tiến tới đạt chuẩn mực quốc tế và ĐHQG sẽ là đầu tàu đổi mới của hệ thống GDĐH Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Chí Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN