Đăng ký dự thi ĐH, CĐ: Giảm số lượng, cảnh báo về chất lượng
Ngày 9/5 các Sở GD&ĐT 63 tỉnh thành sẽ bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh cho các trường ĐH, CĐ. Xu hướng chọn ngành nghề năm nay của thí sinh vẫn thiên về các ngành thuộc khối A, B. Tuy nhiên, dự báo số lượng thí sinh dự thi giảm rõ rệt.
Hồ sơ dự thi giảm tới 30%
Đó là con số mà bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên Sở GD&ĐT Hải Phòng dẫn khi nói về số lượng hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) vào đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2014 của thí sinh tại Hải Phòng.
Ông Nguyễn Văn Long, trưởng phòng GD chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa cũng đưa ra con số gần 49.000 của tỉnh Thanh, giảm 14.000 hồ sơ so với năm ngoái, trong khi năm ngoái tỉnh này cũng giảm gần 16.000 hồ sơ so với 2012.
Ông Phạm Hữu Bản, chuyên viên xử lý phần mềm máy tính ĐH, CĐ Sở GD&ĐT Thái Bình cho hay đơn vị này đã xử lý 35.785 hồ sơ, giảm hơn 8.000 so với năm 2013. Về lý do giảm, đại diện mỗi tỉnh có một lý giải.
Theo ông Nguyễn Văn Long sau thông tin 72.000 cử nhân trên cả nước tốt nghiệp thất nghiệp và thực tế các công ty của tỉnh này, từ xuất khẩu da giày đến may mặc đều đua nhau tuyển lao động đơn giản với mức lương cao hơn lương cử nhân, từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng, nhiều học sinh đã ngộ ra rằng, nếu khả năng thi đỗ ĐH không cao, đi làm ngay sau khi tốt nghiệp để kiếm sống là một lựa chọn thực sự tốt.
Số lượng hồ sơ ĐKDT không còn ảo như trước do thí sinh ngày càng sát thực tế hơn là lý do bà Nguyễn Thị Thanh Hà đưa ra: kinh tế ngày một khó khăn, thí sinh không nộp 7-8 hồ sơ khi mà giá lệ phí thi và đăng ký thi đã lên 105.000 đồng/bộ (lệ phí thi môn năng khiếu là 360.000 đồng/bộ hồ sơ trong khi con em nông dân phải tính đến từng xu, ông Long dẫn).
Ông Phạm Hữu Bản thì phản ánh: các trường dạy nghề đang lùng sục vào các trường phổ thông để tuyển sinh và rất thành công trong việc này.
Số lượng hồ sơ đăng ký dự thi không còn ảo như trước do thí sinh ngày càng sát thực tế hơn. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Ngành y lên ngôi, khối C vẫn héo hắt
Phân tích cơ cấu chọn ngành nghề trong số lượng hồ sơ của thí sinh từ các tỉnh là rất khác nhau, Ở Hải Phòng, theo bà Hà, xu hướng thi vào kinh tế giảm hẳn; các ngành khác, hồ sơ rải rác và không chụm; một số ngành như kỹ thuật; kinh tế hay quản trị nhân lực có xu hướng rõ hơn.
Ở Thanh Hóa, xu hướng chọn nghề của thí sinh không mấy thay đổi, ông Long nói, mặc dù đã cảnh báo nhưng thí sinh vẫn đăng ký thi vào kinh tế nhiều. Các con số chọn ngành cụ thể 10 trường cao nhất của tỉnh này như sau: ĐH Công nghiệp Hà Nội có 4.400 hồ sơ, kế đến là các ĐH: Hồng Đức, ĐH Nông nghiệp…
Trong khi số lượng hồ sơ thi khối A và B rất đông thì số lượng hồ sơ thi khối C chỉ chiếm từ 3% đến 5% tổng số hồ sơ dự thi Ông Phạm hữu Bản |
Năm nay, ĐH Kinh tế kỹ thuật CN có tới gần 4.700, số hồ sơ thi vào Học viện Tài chính của thí sinh tỉnh này năm ngoái đứng thứ 26, năm nay đã tiến tới đứng hạng 5 với gần 1.600 hồ sơ; ĐH Y Thái Bình đứng thứ 6 và tiếp theo là ĐH Tài nguyên môi trường, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Thương mại, ĐH Giao thông vận tải.
Tại Thái Bình, ông Bản nói, trong khi số lượng hồ sơ thi khối A và B rất đông thì số lượng hồ sơ thi khối C chỉ chiếm từ 3% đến 5% tổng số hồ sơ dự thi. Đặc biệt, theo ông Bản, hồ sơ thi vào các trường y từ ĐH đến CĐ và trung cấp y đều rất đông, tạo cảm giác năm nay ngành y được học sinh ưa chuộng vì vẫn có đầu ra.
Nhìn hồ sơ, lo chất lượng
Nhận xét chung về hồ sơ ĐKDT ĐH năm nay, một nhà tuyển sinh nói: chúng ta “đẻ” ra nhiều trường ngoài công lập (NCL) quá và nhiều trong số các trường này “kêu gào”, đòi điều kiện tuyển sinh thế này thế khác để đạt được tuyển sinh không qua thi tuyển; nhưng kết cục, theo số lượng hồ sơ ĐKDT của thí sinh, cả tỉnh với 36.000 hồ sơ dự thi chỉ vỏn vẹn có 30 hồ sơ xin xét tuyển vào trường tuyển sinh riêng!
Một nhà quản lý giáo dục tỉnh Thái Bình nói: thí sinh có thi vào hay không, chất lượng đào tạo cũng là một yếu tố, điều này đặc biệt có ý nghĩa trong tình hình nhiều nơi công bố chỉ tuyển cử nhân giỏi hệ đào tạo chính quy.
Trong lúc dư luận còn lo ngại về chất lượng năm nay, chạy theo đòi hỏi của các trường NCL, Bộ cho phép hơn 60 trường tuyển sinh riêng, không thi, không điểm sàn mà dựa trên điểm THPT, một thông số chưa ai tin, chất lượng sẽ còn thấp nữa, ông Long dự báo. Thêm một mối lo ngại cần được xem xét, theo đề nghị của một nhà quản lý giáo dục một tỉnh Bắc Trung Bộ, là chất lượng của hệ đào tạo vừa học vừa làm (VHVL).
Theo nguồn tin này, hệ VHVL là thay thế cho hệ đào tạo tại chức trước đây nhưng cũng không bằng tại chức ở chỗ, tại chức là dành cho những người đã đi làm, học để nâng cao trình độ; với hệ VHVL thí sinh trượt ĐH có thể vào học và được cấp bằng ĐH bình đẳng như bằng ĐH chính quy.
Đó là con đường vòng để những thí sinh thi trượt ĐH có tấm bằng ĐH trong khi loại hình này đào tạo không bài bản, chất lượng thấp, học hộ thi hộ… Đó là lý do người vào học hệ này nhiều thêm nhưng cuối cùng, xã hội mới là nơi gánh hậu quả của chất lượng, nhà quản lý giáo dục Bắc Trung Bộ nói.