Có thể đi thi đại học với 300.000 đồng?
Đó là câu hỏi do một thí sinh tỉnh Bình Phước có hoàn cảnh khó khăn, bản thân để dành được 300.000 đồng để tham dự kỳ thi THPT quốc gia đặt ra trong buổi tư vấn “Đồng hành cùng thí sinh”.
Buổi tư vấn diễn ra chiều 3-6 đã giải đáp một những lo lắng của thí sinh và phụ huynh về vấn đề đi lại, chỗ trọ miễn phí và sự chuẩn bị tâm lý, sức khỏe trước kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.
Có thể đi thi với 300.000 đồng?
Một thí sinh ở tỉnh Bình Phước, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân để dành được 300.000 đồng, đặt câu hỏi liệu số tiền đó có đủ làm lộ phí, ăn ở cho 4 ngày diễn ra kỳ thi.
Trả lời câu hỏi này, ông Quách Hải Đạt - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh viên TP HCM – cho biết khi thí sinh đến bến xe Miền Đông và liên hệ với chốt tình nguyện viên tại đây, các em sẽ được hỗ trợ hoàn toàn miễn phí từ phương tiện đi lại cho đến chỗ nghỉ trọ. Đồng thời, thí sinh sẽ được các sinh viên tình nguyện chở đến hội đồng thi, hỗ trợ cơm nước.
Trong trường hợp thí sinh có hoàn cảnh quá khó khăn, trung tâm sẽ xem xét để hỗ trợ vé xe về quê sau khi kết thúc kỳ thi. Do đó, với 300.000 đồng, thí sinh nghèo hoàn toàn có thể tham dự kỳ thi tuyển sinh THPT quốc gia 2015.
Ông Quách Hải Đạt - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh viên TP HCM - trả lời thắc mắc của phụ huynh và thí sinh về vấn đề chỗ ở, đi lại.
Chỉ mang tiền đủ chi tiêu 1 tuần
Liên quan vấn đề an toàn khi ở trọ miễn phí, ông Quách Hải Đạt lưu ý phụ huynh dẫn con em đi thi không mang quá nhiều tiền bạc, tư trang; không nên mang theo tài sản có giá trị như iPad, máy tính cá nhân… để tránh trường hợp mất trộm. “Tốt nhất nên mang tiền đủ chi tiêu trong 1 tuần”, ông Đạt dặn dò.
Để việc sắp xếp chỗ ở cho thí sinh và phụ huynh được thuận tiện, thí sinh nam nên để cha hoặc anh dẫn đi và thí sinh nữ nên đi với mẹ hoặc chị. Thông thường, các chủ trọ sẽ xếp phòng theo giới tính, hiếm nơi cho phép cha ở với con gái và mẹ ở với con trai.
Tình nguyện viên Nguyễn Thanh Hùng - đội khảo sát nhà trọ chương trình Tiếp sức mùa thi lần thứ 5
Đông đảo sinh viên tình nguyện tham dự buổi tư vấn
Bỏ tâm lý sợ giám thị
Ngoài những vấn đề đi lại, chỗ ở..., không ít thí sinh và phụ huynh tỏ ra lo lắng trước một kỳ thi có nhiều điểm mới so với năm 2014.
Xoa dịu nỗi lo lắng này, Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - giảng viên tâm lý Trường ĐH Sư Pham TP HCM chia sẻ kỳ thi năm nay không chỉ mới với thí sinh mà còn mới mẻ với tất cả mọi người. Do đó, lo lắng là tâm lý chung. Theo chuyên gia tâm lý này, “thí sinh nên hạn chế tưởng tượng những điều không hay vì tưởng tượng cũng không giải quyết được vấn đề”.
Thay vào đó, thí sinh hãy nghĩ ra những cách học mới, tìm cho mình một phương pháp ôn tập khôn ngoan nhất để vừa tiếp thu nội dung vừa có phương pháp tư duy tốt.
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu tại buổi tư vấn tâm lý cho phụ huynh và thí sinh
Theo tâm lý chung, thí sinh thường lo sợ khi bước vào phòng thi. Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu khuyên các em đừng quá sợ giám thị, vì họ là những người bảo vệ và giữ công bằng trong phòng thi. Để bớt hồi hộp, thí sinh hãy hình dung về những điểm tựa tinh thần như ba mẹ, nghĩ về những kiến thức mình nắm chắc nhất để tự tin hơn.
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên thể hiện sự quan tâm con em bằng những hành động chăm sóc nhỏ, động viên tinh thần; không đặt nặng vấn đề điểm số để hạn chế áp lực cho thí sinh.
“Đồng hành cùng thí sinh” là một sự kiện nằm trong chuỗi hoạt của chương trình Tiếp sức mùa thi 2015 do Bộ Giáo dục Đào tạo phối hợp Nhà văn hóa thanh niên và Báo Thanh niên tổ chức.