Có Luật Giáo Dục ĐH: Bộ và trường đều lo
Ngày 1/1/2013, Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) bắt đầu có hiệu lực. Luật GDĐH được kỳ vọng sẽ mang lại diện mạo mới cho nền GDĐH Việt Nam. Tuy nhiên, cả bộ và trường đều đang... lo!
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, hiện có 36 văn bản kể cả mới và cũ cần điều chỉnh đang được soạn thảo. Trong đó, quan trọng nhất là nghị định hướng dẫn thi hành Luật GDĐH, chuẩn bị được đưa ra xin ý kiến rộng rãi các bộ, ban, ngành... Ông Ga nói: Hy vọng các văn bản hướng dẫn kịp ra đời khi Luật GDĐH bắt đầu có hiệu lực ngày 1/1/2013.
Theo ông Ga, khi Luật GDĐH đi vào thực tiễn thì điều quan trọng nhất là đổi mới về hệ thống và nâng cao chất lượng. Sắp tới, các trung tâm kiểm định chất lượng sẽ kiểm định các trường ĐH, CĐ và phân tầng các cơ sở GDĐH.
Theo đó, khi các trường được phân tầng và xếp hạng, trường nào đủ điều kiện mới được giao tự chủ trong việc cấp văn bằng.
Ông Ga nhấn mạnh: Không phải khi Luật có hiệu lực là giao tất cả các quyền tự chủ cho các trường. Các trường phải cạnh tranh nhau để tạo được niềm tin của xã hội.
Những trường vừa qua không tuyển đủ được người học sẽ phải xem lại từ công tác quảng bá đến việc phá bỏ những ngành đào tạo đã bão hòa… Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là hiện nay mới có một cơ quan kiểm định chất lượng GD của Bộ GD&ĐT, trong khi Việt Nam có hơn 400 trường ĐH.
Trả lời thắc mắc này, ông Ga nói: Ở thời điểm hiện tại, chưa có tổ chức kiểm định chất lượng độc lập nào hình thành, phải chờ luật có hiệu lực và Bộ sẽ xem xét hồ sơ để cho phép thành lập!
Thu-chi, vấn đề nóng trong tự chủ về tài chính được ông Ga nhấn mạnh: Học phí và khoản thu khác phải theo quy định và các trường không được thu vượt khung, không phải muốn thu bao nhiêu thì thu, nhất là trường công.
Trước khi Luật GDĐH có hiệu lực, đại diện các cơ sở đào tạo cũng tỏ rõ những băn khoăn. Theo ông Hoàng Minh Sơn, Trưởng Phòng Đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội, Luật GDĐH còn có nhiều điểm chung chung và ông hy vọng trong quá trình thực hiện bộ cần xây dựng các tiêu chí để các trường xác định lại mục tiêu đào tạo.
Các trường sẽ được kiểm định chất lượng. (Trong ảnh: SV nghiên cứu khoa học).
Ông Sơn nói: Dù lãnh đạo bộ hay các trường tự in, tự phát bằng mà có kẽ hở thì vẫn tiêu cực. Vấn đề là chất lượng thực sự. Bằng giả không sợ bằng chất lượng giả! Vẫn theo ông Sơn, vấn đề là làm sao để các trường nâng cao chất lượng, bảo vệ thương hiệu và uy tín của trường.
Ông Nguyễn Hữu Công, Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho rằng, các văn bản hướng dẫn sắp tới cần rõ ràng về sự phân cấp của các ĐH vùng so với ĐHQG hoặc ĐH khác.
Ông Công cũng cho rằng, vì tính đặc thù của ĐH vùng, bộ nên nghiên cứu để phân cấp thêm một số nội dung liên quan khoa học công nghệ, tương xứng với tầm ĐH vùng. Ông Công đề nghị: Bộ cần xem xét để mở rộng hơn quyền tự chủ của ĐH vùng.
Ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phản ánh sự bất cập của tổ chức Hội đồng trường do Luật GDĐH quy định. Ông đề nghị, văn bản hướng dẫn làm thế nào để khắc phục được sự bất cập này.
Theo ông Vũ Văn Hóa, Hội đồng trường theo quy định hiện hành của Luật GDĐH có quy định thêm cả thành phần là chính quyền địa phương. Trong khi đó, người tham gia chính quyền không thạo lắm về GD&ĐT nên thành phần này chỉ mang tính hình thức.
Ông Hóa nói: Trước khi Luật GDĐH có hiệu lực, bộ cần xem xét lại và hướng dẫn cẩn trọng để điều này không trở thành cản trở đối với sự phát triển của các trường ĐH và để… đôi bên cùng vui vẻ.
Ông Ga nói: Để thực hiện Luật GDĐH, điều quan trọng nhất là phải có đội ngũ tốt, các trường phải chủ động hoàn toàn, nếu không sẽ bị tụt lùi.
Chẳng hạn, trong việc thực hiện phân tầng, bộ không có chương trình khung nữa mà chỉ quy định chuẩn đầu ra; nếu trường nào không nhạy bén, chất lượng đào tạo sẽ không đảm bảo.
Ông Ga nhấn mạnh, đội ngũ cán bộ giảng dạy cũng cần được nâng cấp để có thể nhanh chóng đứng vào vị trí xếp hạng cao. Đây thực sự là một rào cản!