Chuyên gia nói về quan ngại hú họa thi trắc nghiệm toán

Nếu có 1 triệu thí sinh “mù” về Toán làm bài thi theo cách với mỗi câu hỏi đều chọn hú họa một phương án trả lời thì trung bình chỉ có khoảng 123 thí sinh đạt từ điểm 5 trở lên!

Chuyên gia nói về quan ngại hú họa thi trắc nghiệm toán - 1

Theo nhà giáo dục học nổi tiếng Krutecxki, kĩ năng trình bày không phải là một thành tố của năng lực toán học. Ảnh minh họa

Đó là khẳng định của thầy Hoàng Văn Phú, phó hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An, Hà Nội trước sự quan ngại của dư luận về điểm số trong đề thi trắc nghiệm, nhất là môn Toán.

Thầy Phú cũng là một giáo viên dạy Toán 15 năm nay. Thầy đã có cuộc trao đổi với Tiền Phong xung quanh câu chuyện thi trắc nghiệm môn Toán của Bộ GD&ĐT.

Thưa ông, cho đến giờ, trong giới toán học Việt Nam cũng như thế giới vẫn chưa ngã ngũ thi trắc nghiệm hay tự luận tốt hơn. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Chúng ta đã được xem ý kiến của rất nhiều thành phần trong xã hội về việc có nên sử dụng đề thi trắc nghiệm đối với môn Toán hay không. Tôi đặc biệt quan tâm đến các ý kiến của những người am hiểu về giáo dục Toán học. 

Những ý kiến này đã nêu điểm mạnh, điểm yếu của mỗi hình thức thi. Đa số ý kiến đều khẳng định rằng phương án tổ chức thi được nêu trong bản dự thảo là hoàn toàn phù hợp với việc công nhận tốt nghiệp cho học sinh.

Đề thi trắc nghiệm có làm giảm kĩ năng trình bày của học sinh không?

Trong bài thi trắc nghiệm, thí sinh không viết ra lập luận của mình để tìm câu trả lời đúng, nhưng thí sinh vẫn phải thực hiện các thao tác tư duy, lập luận “ở trong đầu” rằng tại sao lại chọn phương án này mà không chọn phương án kia. Như vậy, học sinh vẫn phát triển kĩ năng trình bày (trình bày bằng lời nói hoặc chữ viết).

Mặt khác, theo nhà giáo dục học nổi tiếng Krutecxki, kĩ năng trình bày không phải là một thành tố của năng lực toán học. Đó là năng lực chung, học sinh có thể được phát triển kĩ năng diễn đạt, kĩ năng trình bày trong các môn học khác nhau.

Đề thi trắc nghiệm có làm giảm sự phát triển tư duy của học sinh không?

Câu trả lời chắc chắn là không! Không thể có chuyện thí sinh tìm ra được câu trả lời đúng mà lại không cần tư duy. Trong cấu trúc ma trận đề thi, các câu hỏi thuộc một trong bốn mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. 

Mức độ nhận biết, thông hiểu chủ yếu dành cho thí sinh chỉ có nguyện vọng thi tốt nghiệp THPT, chỉ cần các thao tác tư duy đơn giản là có thể tìm được câu trả lời đúng; còn mức độ vận dụng và vận dụng cao, chiếm khoảng 40% số câu hỏi, thì thí sinh phải tư duy ở mức độ cao hơn. Chúng tôi cho rằng, với chức năng dùng để tuyển sinh ĐH, CĐ thì đề thi trắc nghiệm hoàn toàn phù hợp.

Đề thi trắc nghiệm có tính phân loại cao không ?

So với đề thi tự luận môn Toán, đề thi trắc nghiệm có tính phân loại không kém. Đối với đề thi trắc nghiệm, sự phân loại thường “mịn hơn”, còn đối với đề thi tự luận, do một bài thi thường được nhiều điểm hơn, nên sự phân loại thường “gồ ghề” hơn

Về ý kiến đề thi trắc nghiệm không ra được các bài toán sâu sắc !

Điều này đúng. Nhưng với chức năng tuyển sinh đại học, cao đẳng thì đề thi không cần những bài toán sâu sắc. Vì những bài toán sâu sắc chỉ phù hợp với một số rất ít thí sinh, những học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, Quốc tế. Mà những học giỏi giỏi Quốc gia, Quốc tế thì đã được tuyển thẳng rồi.

Tóm lại, hình thức thi trắc nghiệm môn Toán hoàn toàn phù hợp với chức năng tuyển sinh ĐH, CĐ. Tuy nhiên, công tác ra đề thi có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

Chúng ta vẫn lo lắng học sinh sẽ được giáo viên dạy cho cách để “thoát” điểm liệt, tức là dạy mẹo làm trắc nghiệm thay vì dạy các kỹ năng làm toán. Theo ông, đề thi sẽ phải thiết kế như thế nào để giải quyết được tình trạng này?

Vấn đề bạn đưa ra có thể được nhìn ở hai góc độ.

Góc độ thứ nhất: Thí sinh làm bài thi bằng cách điền hú họa các phương án trả lời.

Về góc độ này, chúng ta không nên đánh giá theo cảm tính, chủ quan, mà cần tính toán định lượng cụ thể bằng các quy tắc tính xác suất. Tôi xin nêu hai tình huống để chúng ta có cái nhìn khách quan (với giả sử là đề thi có 50 câu hỏi trắc nghiệm, mỗi câu hỏi có 4 phương án trả lời, trong đó chỉ có 1 phương án trả lời đúng):

Tình huống thứ nhất: Một thí sinh “mù” về Toán, làm bài thi bằng cách với mỗi câu hỏi đều chọn hú họa một phương án trả lời.

Với tình huống này, chúng tôi tính được xác suất để thí sinh đó được từ 5 điểm trở lên (theo thang điểm 10) là chưa đến 0,123%.  Như vậy, nếu có 1 triệu thí sinh “mù” về Toán làm bài thi theo cách trên thì trung bình chỉ có khoảng 123 thí sinh đạt từ điểm 5 trở lên! Một kết quả hoàn toàn chấp nhận được đối với một kỳ thi.

Tình huống thứ hai: Một thí sinh có lực học Trung bình – Khá chỉ có thể trả lời đúng được 60% số câu hỏi của đề thi, mỗi câu hỏi còn lại đều chọn hú họa một phương án trả lời. Chúng tôi tính được, xác suất để thí sinh đó được 10 điểm là nhỏ hơn 1/1.000.000.000.000. Tức là trung bình cứ 1.000.000.000.000 thí sinh làm bài thi như vậy chỉ có chưa đến 1 thí sinh đạt điểm 10.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, vấn đề thí sinh làm bài thi bằng cách chọn hú họa phương án trả lời không ảnh hưởng tiêu cực đến kỳ thi.

Góc độ thứ hai: Giáo viên dạy cho học sinh các thủ thuật, các “mẹo” để tìm phương án trả lời đúng.

Về góc độ này, chắc là các thầy giáo dạy Toán trong các trường THPT đều đồng ý với tôi rằng, chỉ có những câu hỏi trắc nghiệm không đạt yêu cầu mới giúp thí sinh dùng “mẹo làm trắc nghiệm” để tìm câu trả lời đúng. 

Cũng phải nói thêm rằng, với một câu hỏi thì có thể có nhiều con đường “Toán học” để tìm câu trả lời đúng, trong đó có con đường dài dòng, có con đường ngắn gọn dựa trên nền tảng vững chắc về kiến thức toán và năng lực vận dụng kiến thức toán vào giải quyết tình huống cụ thể. Tôi có trong tay hai cuốn sách “Tuyển chọn đề thi trắc nghiệm học sinh giỏi Toán toàn nước Mỹ” tập I và tập II. Khi xem các câu hỏi trong đó thì tôi không thể dùng “mẹo làm trắc nghiệm” để tìm câu trả lời đúng được.

Như vậy, để tránh học sinh sử dụng “mẹo làm trắc nghiệm” để tìm câu trả lời đúng thì khâu ra đề cực kỳ quan trọng. Và nếu khâu ra đề được thực hiện tốt thì chúng ta sẽ ngăn chặn được tiêu cực nói trên. Đề thi cần được thiết kế trên cơ sở ma trận đề thi và người ra đề cần phải kiểm soát được các con đường tìm ra câu trả lời đúng.

Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghiêm Huê (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN