Bé gái 6 tuổi tử vong ở Xuân Đỉnh (Hà Nội) bị bạo hành do học chậm: Chuyên gia hiến kế dạy con học bài mà không cáu giận

Sự kiện: Dạy con

Tại cơ quan điều tra, bố bé gái 6 tuổi tử vong ở Xuân Đỉnh (Hà Nội) thừa nhận trong cơn nóng giận đã đùng đũa, thanh tre, cán chổi đánh con khi thấy con tiếp thu chậm. Bạo hành con khi dạy con học không hiếm, chuyên gia dưới đây hiến kế dạy con học bài mà không cáu giận.

Bạo hành vì con tiếp thu bài chậm

Ngay sau khi bé gái 6 tuổi tử vong ở Xuân Đỉnh (Hà Nội) không lâu, cơ quan chức năng đã ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp với anh L.T.C – bố của bé gái. Nguyên nhân dẫn tới cái chết của bé gái đến nay là điều dư luận đặc biệt quan tâm.

Theo thông tin chia sẻ mới đây của luật sư Nguyễn Anh Thơm (người bào chữa cho bố cháu bé), tại cơ quan điều tra mới đây anh L.T.C thừa nhận vào buổi trưa 16/9 có dạy con học. Do cháu tiếp thu chậm nên trong cơn nóng giận đã dùng đũa, thanh tre, cán chổi đánh con nhiều phát vào chân, tay, mông và một phần lưng cháu trong thời gian học và sau khi kết thúc. Theo luật sư Thơm, việc sử dụng vũ lực bắt cháu phải tiếp thu được kiến thức là điều rất sai lầm và vi phạm pháp luật mặc dù nó xuất phát từ trách nhiệm đối với con.

Bé gái 6 tuổi bị tử vong ở Xuân Đỉnh do bố bạo hành vì học chậm. Ảnh TL

Bé gái 6 tuổi bị tử vong ở Xuân Đỉnh do bố bạo hành vì học chậm. Ảnh TL

Trao đổi với PV, chuyên gia tâm lý Hồng Hương – thường trực thư viện Lưu trú thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nói: Biết rằng bố mẹ thương con, lo lắng cho con và mong con học tốt nhưng nếu cách dạy dỗ con không đúng sẽ không có tác dụng, thậm chí dẫn tới những hệ quả tổn thương về tâm lý, sức khỏe tâm thần, và đôi khi cả tính mạng của con. Việc trẻ vào lớp 1 là một dấu ấn, sự chuyển cấp đặc biệt trong cuộc đời và thậm chí là dấu ấn gây xúc động mạnh trong lòng những người làm cha, làm mẹ.

Đồng thời, việc dạy dỗ con học như thế nào cũng là sự bối rối lớn đối với người làm cha mẹ lần đầu có con vào lớp 1. Với trẻ sự chuyển cấp đầu tiên trong cuộc đời rất đặc biệt, vì từ việc học tập qua các hoạt động vui chơi là chủ đạo ở mầm non, nay chuyển sang hoạt động học tập là chủ đạo, cần lắm sự thấu cảm từ cha mẹ, thầy cô và người hướng dẫn. Cha mẹ cần có khả năng, quản lý cảm xúc, tránh cơn bốc đồng, luyện cách đồng cảm với con trẻ…

Đã có không ít câu chuyện đau lòng xảy ra do cha mẹ không giữ được bình tĩnh khi kèm con học, không chỉ ở nước ta mà ở nhiều nước khác cũng gặp phải. Như câu chuyện của người mẹ ở Trung Quốc hướng dẫn con trai 7 tuổi làm bài tập về nhà đến tận khuya. Không thể kiềm chế được tính nóng nảy trước việc con học chậm, người mẹ đã tát con khiến chiếc răng của bé bay vào phế quản gây tắc nghẽn phế quản.

"Tức giận con vì việc con học chậm, là một sự vô lý mà người lớn thường không nhận ra ngay được sự vô lý đó đang nằm ở chính mình. Có phải chăng, người lớn quên mất con mình đang là trẻ con, mình là người lớn, mình quên mất vì con bé nhỏ, vì con chậm nên con mới cần mình hỗ trợ… Đã bao giờ sợ hãi mà lại làm người ta thông minh? Cha mẹ nhớ rằng sự sợ hãi chỉ có thể khiến trẻ phục tùng về mặt hành vi nhưng không bao giờ có thể giúp con tư duy được, mà học là một hoạt động tư duy.

Tôi khẩn thiết kêu cầu khi cha mẹ mất bình tĩnh, hay thấy con mình mất bình tĩnh thì đừng việc dạy con lại, bởi tiếp tục thì phần lớn là tiến đến bạo hành, ban đầu thường là nói, rồi gắt, sau đó quát mắng và tiếp theo sẽ là đánh… Nếu như vậy chính là cha mẹ đang dạy con cách bạo hành, sát thương người khác và ở đây là người lớn sát thương con trẻ tức là sát thương kẻ yếu thế hơn mình. Mọi hành vi gây sát thương con trẻ dù là bằng lời nói, thái độ hay đòn roi thì đều là không thể chấp nhận" – chuyên gia Hương Hồng nói.

Để cha mẹ không bao giờ cáu giận con nữa

Để dạy con học bài mà không cáu giận, chuyên gia tâm lý Hồng Hương cho rằng, phụ huynh nên tập trung quan sát sức khỏe cảm xúc chính mình. Theo đó:

Lưu ý 1: Chúng ta cần đảm bảo rằng mọi người tham gia việc hỗ trợ con trẻ đều phải nghiêm túc trong vấn đề đo lường "ngưỡng an". Đo "ngưỡng an" là gì?. Khi chúng ta bắt đầu vào hỗ trợ con, chúng ta nên bấm giờ, sau đó chúng ta vừa hỗ trợ con và quan sát cảm xúc của chính mình. Khi thấy mình có vẻ muốn "cáu" lập tức nhìn giờ và ghi lại giờ đó; đồng thời dừng và rời khỏi vị trí để thay đổi trạng thái cơ thể.

Những ngày tiếp theo chúng ta tiếp tục làm như vậy, để chúng ta biết được "thời lượng bình an" của chúng ta trung bình là bao nhiêu phút. Và chúng ta luôn dừng lại trước thời điểm hết "ngưỡng an" là khoảng 5 phút hoặc sớm hơn, và như vậy thì thường không bao giờ xảy ra việc cáu giận với con. Khi bố hết "ngưỡng an" thì nên thay thế bằng mẹ, hoặc những người hỗ trợ khác nếu điều đó là cần thiết với trẻ. Còn phần lớn trẻ chru động được chỉ cần hỗ trợ thời kỳ đầu.

Lưu ý 2: Thời gian kèm con không nên quá 45 phút.

Lưu ý 3: Khi quan sát thấy con khó tập trung nên xen kẽ thay đổi trạng thái cơ thể như cùng nhau bật một bản nhạc và nhảy hát, chơi một trò chơi đơn giản nào đó, khoảng 3-5 phút như nhảy lò cò hay đập tay, sau đó tiếp tục việc quan sát và hỗ trợ.

Ngoài ra, chuyên gia tâm lý Hồng Hương nhấn mạnh: "Gia đình chính là nhà trường dạy trẻ về cảm nhận sự ấm áp. Cha mẹ là thầy cô dạy bộ môn hạnh phúc và bình an nơi con. Con không tập trung, dạy mãi không hiểu… cha mẹ cần quan sát bằng tình yêu thương vô điều kiện, xem vấn đề của con gặp phải là gì?. Hãy hỏi chuyên gia, giáo viên, nhà tâm lý… để có thêm hiểu biết kỹ năng hỗ trợ con. Đó là cách để bạn hiểu con, giữ được tình yêu và kết nối với con.

Khi cha mẹ quan sát chính mình mà thấy mình hay cáu giận thì điều đó có thể là chúng ta đang bị cảm giác bất lực, lo lắng, yếu đuối... Tất cả điều đó không phải là đứa trẻ mang đến mà xuất phát từ những môi trường khác như công việc cha mẹ, các mối quan hệ của cha mẹ, quá khứ của cha mẹ.... Con trẻ không có trách nhiệm hứng chịu những điều đó. Nếu cha mẹ đo lường mà thấy tần suất tức giận của mình quá thường xuyên có thể cha mẹ nên đi gặp nhà tâm lý để được hỗ trợ.

Nguồn: [Link nguồn]

Đáng sợ hơn cả đánh đập, mắng mỏ là cách dạy con theo kiểu ”bạo lực tình cảm”

Sự phớt lờ của cha mẹ giống như một lưỡi dao cùn, không gây chảy máu nhưng lại mang tới vết thương không thể xóa nhòa...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Thuận ([Tên nguồn])
Dạy con Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN