Chủ đạo vun trồng tình yêu môn sử?

Để loại trừ được, trong tương lai, những cảm tưởng nặng nề của xã hội hiện nay với sự không am hiểu lịch sử của thế hệ @, không thể dồn trách nhiệm lên các giáo viên sử, theo kiểu “trăm dâu đổ đầu tằm”.

Toàn thể hệ thống giáo dục thế hệ mới chắc chắn không chồng lên nhà trường. Duy trì tính hiếu học như thuộc tính dân tộc, tu chỉnh nó theo hướng phù hợp với đòi hỏi của thời đại trước hết là trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục, cụ thể là Bộ GD-ĐT.

Ngược lại, chính sách giáo dục của nhà nước xây dựng bởi nhiều thành tố. Từ đối sách với tình huống hôm nay xảy ra ở trường phổ thông: trẻ bỏ học do kinh tế thâm thủng, bạo lực hoành hành, “yêu đương” sớm, học thêm, thành tích chủ nghĩa...; đến điều chỉnh các “quái chiêu” xuất hiện trên truyền thông, trong không gian ảo (sao “lộ hàng”; trò chơi điện tử phản tác dụng; nạn sùng bái thần tượng đến cuồng si...); và nhiều độc hại xã hội, môi trường khác mà giới trẻ bị hít thở, “nếm trải”, ngoài ý muốn của người lớn.

Chủ đạo vun trồng tình yêu môn sử? - 1

Hiện vật từ xác máy bay Mỹ. Ảnh: Minh Thăng

Phải nhận thấy những hạn chế của quản trị vĩ mô trong xử lý những vấn đề của quá trình toàn cầu hóa, mà mọi quốc gia không đóng cửa phải hứng, bất chấp chuyện “anh” đã tạo lập được kháng thể miễn dịch, hay chưa.

Nhưng nhà nước chắc phải quan tâm đến giáo viên dạy môn Sử “sống mòn” đến mức nào, “nỗi đau” của họ là gì, ngoài bệnh “viêm màng túi”. Cảm giác “đau” của họ hôm nay chắc không giống như của thế hệ người viết bài này thời bằng tuổi họ, nhưng nỗi đau này không thể chỉ là của riêng họ. Vì họ è cổ gánh trách nhiệm “dạy lòng yêu nước” ở thời kinh tế thị trường, thời hội nhập... với những thách thức chưa có tiền lệ, kiểu “quan cách mạng”, “đại gia chúa Chổm”, hay tàu lạ, kẻ tự xưng là đồng... minh uốn lưỡi cú diều...

Ai đó sẽ bảo, môn Sử vẫn có giáo viên A, giáo sư B tốt, giỏi... đấy chứ. Nhưng một hai người tài giỏi, tâm huyết ở cấp cơ sở không thể làm thay đổi được bức tranh toàn cảnh ảm đạm của dạy và học môn Sử hiện nay.

Giáo dục tình cảm yêu nước, cũng như tình yêu với môn Sử, hay còn gọi là giáo dục đạo đức công dân, là công việc tầm quốc gia. Đòi hỏi nhà nước quan tâm đến việc dạy môn sử không trùng khớp với yêu cầu rót tiền. Càng không có nghĩa là xông lên xây những bảo tàng mười ngàn tỉ, nhất là sau khi và những đại tượng đài mang hình “thần lịch sử” bị rút ruột...

Khi bảo tàng ngàn tỉ sau 1000 năm Thăng Long bị rỗng ruột (thiếu quần thể hiện vật), thì các trách nhiệm như thiết kế tổng thể, “chạy” sơ đồ nguyên lý của các đại công trình bảo tàng, với tầm nhìn của nhiều nhiệm kỳ, hẳn phải là trách nhiệm của “ông nhà nước”.

Giáo viên sử – người “cấp dưỡng”, sách giáo khoa – “nguồn thức ăn lành” để duy trì tình yêu nước trong từng cá thể nhỏ một cách có phương pháp, có chịu trách nhiệm cụ thể theo chuẩn của công nghệ giáo dục. Xuất phát từ vai trò “cung tiêu” tài nguyên môn lịch sử của nhà nước, giáo viên sẽ phục vụ món ăn, hoặc như cơm suất tập thể thời bao cấp, hoặc “sơn hào hải vị”, hưởng thụ từ di sản của tổ tiên, và cả của tài sản nhân loại.

Vì thế, không thể khoán trắng cho trường học chức năng xuất xưởng những nhà ái quốc, nhất là khi dạ dày của giáo viên lép kẹp. Ngay cả khi giáo viên “thoát nghèo”, thì việc định hướng cho giáo án môn sử của họ vẫn thuộc cấp độ nhà nước, với tầm nhìn xa hơn vài kế hoạch 5 năm.

Nhưng nếu nhà trường chỉ là nguồn thông tin và kiến thức hữu ích, thì Internet còn mạnh hơn về mặt này, và trẻ con sẽ bảo ta rằng chúng chả cần Trường. Ngược lại, nếu tiếp tục cho trẻ ăn cùng nhau “cơm bụi” do trường thầu, trên bàn học trong lớp, để xây dựng “tinh thần tập thể” cho trẻ, như lời của Ban giám hiệu và cô giáo một trường điểm dạy dỗ U60 tôi, thì nhà trường quả là đang hết duyên.

“Mẹ của em ở trường…” đã trở thành phạm trù lịch sử, phụ huynh hỏi? Thưa không, nhưng Nhà trường không thể chỉ là vườn trẻ được nâng cấp, chỉ để trông con cho bố mẹ đi làm 8 giờ vàng ngọc. Nhà trường chắc càng không phù hợp với vai trò “trung tâm giáo dục thanh thiếu niên chậm tiến” mà một số gia đình đang lăm lăm giao phó, trong thời buổi đạo đức “yếm thủng tày giành”...

Thiếu tướng CCB Tên lửa Vũ Anh Thố nhấn mạnh, để vun trồng tình yêu môn sử “Phải bắt đầu từ gia đình và những người lãnh đạo. Xây dựng xã hội tốt đẹp phải chọn người lãnh đạo giỏi, đất nước phải có phong tục tập quán, nền nếp gia phong và có nhiều gia đình tốt”.

Thật vậy, để đạt được những thành quả đột phá trong sự nghiệp “trồng người”, phải kết hợp hai nguồn lực dồi dào: nỗ lực của nhà nước, vốn có kinh nghiệm biến “huyền thoại Phù Đổng” thành sự thực; và sự nghiệp giáo dưỡng trẻ trong bầu không khí ấm áp gia đình, mà nền móng theo truyền thống Việt là nghĩa (chung thủy, trách nhiệm) và tình (lòng yêu thương).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Thành (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN