Chống “khô cứng” môn Giáo dục công dân

Bộ môn Giáo dục công dân (GDCD) là nền tảng để hình thành và xây dựng nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh. Môn GDCD không chỉ quan trọng vì nó “vun đắp” những kỹ năng sống cần thiết cho học sinh về ứng xử, mà còn giúp học sinh hiểu hơn về những giá trị nhân văn từ những câu chuyện cuộc sống quanh mình. Tuy nhiên, HS chán môn GDCD, còn giáo viên thì phần lớn đang dạy theo kiểu hết tiết rồi về.

Chương trình nặng

Hiện tượng bộ môn GDCD bị học sinh, thậm chí là nhà trường coi là môn phụ không còn là chuyện lạ. Nguyên nhân có nhiều, bởi ngoài hiện tượng học lệch,  chán học môn GDCD từ HS, thì giáo trình  khô cứng, không nhiều đổi mới và thiếu tính thực tiễn xã hội… cũng được nhiều GV xem là nguyên nhân chính dẫn đến sự “ghẻ lạnh” của học sinh.

Hiện nay, ngoài thời lượng 1 tiết/tuần theo quy định, thì nhiều trường cũng đã yêu cầu GV phải sáng tạo, linh hoạt tổ chức các lớp kỹ năng (chủ yếu là giờ ngoại khóa) để tăng tính hấp dẫn từ môn học đối với học sinh. Tuy nhiên,  theo nhìn nhận của nhiều GV bộ môn GDCD… hiệu quả mang lại không nhiều khi HS vẫn chán môn học này. Nhưng áp lực với GV thì ngày càng lớn.

Thầy N.K, tổ trưởng bộ môn GDCD một trường chuyên Bà Rịa - Vũng Tàu thẳng thẳn nhìn nhận: Với thời lượng quy định dạy trên tuần quá ít (1 tiết/tuần), trong khi yêu cầu và đòi hỏi của nhà trường thì quá nhiều… Ngoài việc đảm bảo nội dung chương trình  GV bộ môn GDCD phải sắp xếp, phân bổ bài giảng làm sao để tích hợp, lồng ghép hàng loạt các yêu cầu mà xã hội, nhà trường đòi hỏi khiến nhiều GV phải chạy đua với thời gian. Tiết dạy dù được GV chuẩn bị rất công phu, nhưng vẫn không tránh khỏi việc nặng tính hình thức.

Chống “khô cứng” môn Giáo dục công dân - 1

Trò chơi, câu chuyện và những tình huống ứng xử sẽ giúp giờ học  GDCD sinh động, hiệu quả hơn - Ảnh: Phan Hải

Cô Phạm Thị Huệ, hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng, Q.3 TPHCM chia sẻ: Với nội dung nền của bộ môn GDCD khối THCS hiện nay thật ra không đến nỗi quá nặng. Phần lớn bài giảng đều gần gũi và mang tính biện chứng cụ thể nên học sinh không quá khó để tiếp thu. Tuy  nhiên, nội dung yêu cầu lồng ghép nhìn chung vẫn khá chung chung nên đôi khi gây lúng túng cho GV… Có lẽ vì thế mà khoảng cách giữa mục tiêu đào tạo và hiệu quả mà bộ môn GDCD mang lại vẫn chưa thật sự rõ nét. Nhận thức được điều đó nên nhà trường tạo mọi điều kiện để GV chủ động xây dựng bài giảng, tích hợp và lồng ghép các phương pháp dạy học sinh động. Vì vậy, giờ học môn GDCD cũng tạo được sự hứng thú và lôi cuốn học sinh.

Cô Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Tổ trưởng Tổ GDCD Trường THPT Võ Trường Toản, Q.12 cho rằng: Để tiết HS động, đạt được mục tiêu đề ra không cách nào khác người GV cần phải sinh động hóa các bài giảng bằng hình ảnh, giáo cụ trực quan.

Tuy nhiên, với thời lượng tiết dạy quá ít như hiện nay, chưa kể yêu cầu phải lồng ghép hàng loạt các kỹ năng, vấn đề thuộc giá trị sống… việc giảm tải, thay đổi chương trình và tạo sự chủ động cho GV trong việc xây dựng bài giảng là điều hết sức quan trọng.

Đổi mới bằng cách nào?

Sau hàng loạt các động thái giảm chương trình từ Bộ GD-ĐT, sự khuyến khích và tạo sự chủ động cho GV mạnh mẽ từ các cơ sở giáo dục, việc dạy và học bộ môn GDCD cũng phần nào được chú trọng, tạo hứng thú dạy học và học tập. Tuy nhiên, điều mà xã hội, phụ huynh và nhiều người quan tâm là làm sao để việc dạy môn GDCD, các bài giảng về đạo đức, lối sống, hiệu quả của các tiết học dưới hình thức lồng ghép về kỹ năng sống phải “thấm” đến từng HS. Thực tế đầy bất cập về các hiện tượng vô cảm nơi học sinh (ngồi lên đầu rùa ở Văn Miếu, ngồi lên mộ người chết, đánh ghen, lột quần áo, lên các diễn đàn chửi bới….) dấy lên trong thời gian qua cho thấy rõ một điều: Hiệu quả giáo dục đạo đức trong nhà trường chưa cao.

Cô Nguyễn Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THCS -THPT Đinh Thiện Lý (TPHCM) cho rằng: Nguyên nhân chính của việc lồng ghép, giáo dục đạo đức cho HS trong nhà trường thời gian qua không hiệu quả đến từ chính ý thức của HS, sự thay đổi của xã hội và quan điểm sống của một bộ phận giới trẻ đô thị ngày nay. Không cách nào khác là ngành Giáo dục phải tạo thêm thời gian cho GV, cũng như gấp rút đổi mới SGK để làm sao các bài học đạo đức, bài học làm người… thực tế hơn, gắn với các tình huống cụ thể nảy sinh từng ngày trong cuộc sống.

Thầy Trần Tuấn Anh, GV bộ môn GDCD Trường THCS Bạch Đằng, Q.3 TPHCM -người nổi tiếng với những tiết dạy học xúc động, lôi cuốn học sinh cho rằng: Tùy từng bộ môn, từng bài học mà GV có phương pháp dạy khác nhau.  Tuy nhiên, có quá nhiều rào cản để GV để đổi mới: Chương trình nặng, quá nhiều kiến thức, công việc nhiều (hồ sơ sổ sách) đã tạo lên áp lực cho GV. Vì vậy, để việc lồng ghép, đổi mới tiết dạy môn GDCD thành công không cách nào khác ngành GD cần phải “mở” hơn về thời gian cho GV đứng lớp, có như thế việc dạy học mang tính tích hợp mới hiệu quả.

Em Đỗ Hoàng Khánh My, học sinh lớp 11B3 Trường THPT Võ Trường Toản cho biết: Học GDCD nhiều khi chỉ đơn thuần là học thuộc lòng rồi “gạo” lại sao cho đúng để đạt điểm kiểm tra… em nghĩ cũng chính là một trong những lý do khiến tụi em “ngán” môn học này. Vì thế, em nghĩ trong mỗi tiết dạy, GV nên sử dụng một trong những phương pháp trò chơi, câu chuyện kể lại… để kích thích sự hứng thú tham gia học tập qua các tình huống giả định để các em thể hiện quan điểm, tư duy và cả lối ứng xử trước các tình huống thực tế của cuộc sống…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tú Anh (Giáo dục & thời đại)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN