Chở cả ô tô giấy vụn đến trường nộp cho con
Chạy đua thành tích thi xem ai nộp được nhiều giấy vụn hơn, mang về cờ thi đua cho nhà trường khiến nhiều em học sinh nộp hàng chục cân giấy, có em có điều kiện thì lên đến cả trăm cân, bố mẹ lấy cả ô tô mang chở nộp tới nhà trường...
PV Dân Việt đã có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo Hội đồng Đội T.Ư, Chủ tịch Nguyễn Thị Hà và Phó Chủ tịch thường trực Nguyễn Phú Trường để làm rõ những vấn đề còn khúc mắc và nan giải của phong trào kế hoạch nhỏ.
Theo Phó Chủ tịch thường trực Nguyễn Phú Trường, thời gian vừa qua phong trào kế hoạch nhỏ đã luôn được triển khai rộng khắp trên cả nước, mang lại nhiều kết quả đáng khen ngợi. Đặc biệt vào mỗi năm, Hội đồng Đội Trung Ương đều tổ chức trao giải thưởng Cánh én hồng cho những “kiện tướng kế hoạch nhỏ”.
“Làm kế hoạch nhỏ mà không hiểu bản chất phong trào thì vứt đi” – Bà Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung Ương. |
Dẫu vậy, phong trào kế hoạch nhỏ ở nhiều địa phương vẫn còn vấp phải những vấn đề khó giải quyết. Chủ yếu là việc chạy đua thành tích của các trường học và vấn đề lạm thu, lợi dụng phong trào kế hoạch nhỏ.
Bà Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung Ương cho rằng cần ngay lập tức chấn chỉnh lại đội ngũ tổng phụ trách ở các trường học, để cho việc triển khai phong trào kế hoạch nhỏ trở nên có ý nghĩa giáo dục với các em học sinh hơn, có hiệu quả và chất lượng hơn.
Nhiều em học sinh nộp hàng chục cân giấy, có em có điều kiện thì lên đến cả trăm cân.
Ảnh minh họa từ internet
“Đặc biệt với các trường học ở khu vực nông thôn, việc một tổng phụ trách giỏi sẽ giúp các em học sinh không chỉ học tốt kiến thức trên trường, mà còn được tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa, nâng cao đạo đức, tính tiết kiệm, tự giác, ý thức bảo vệ môi trường, yêu thương bạn bè... Việc này không phải là công việc của mỗi đoàn đội, mà nhà trường, giáo viên cũng cùng phải chung tay góp sức để các em học sinh được phát triển một cách toàn diện”, bà Hà nói.
Trước đây, phong trào kế hoạch nhỏ trong các trường học luôn được nhớ tới việc làm tận thu giấy vụn, phế thải của học sinh. Tuy nhiên, việc làm này cũng dẫn tới việc các phụ huynh học sinh, nhà trường chạy đua thành tích thi xem ai nộp được nhiều giấy vụn hơn, mang về cờ thi đua cho nhà trường khiến nhiều em học sinh nộp hàng chục cân giấy, có em có điều kiện thì lên đến cả trăm cân, bố mẹ lấy cả ô tô mang chở nộp tới nhà trường.
Không thu tiền, chấn chỉnh đội ngũ lãnh kế hoạch nhỏ Đây là hai mục tiêu lớn mà trong nhiệm kỳ tới Hội đồng Đội Trung Ương sẽ bắt đầu triển khai. Kể từ những vấn đề như bệnh thành tích hay những sai lầm trong việc lạm thu quỹ kế hoạch nhỏ. Hội đồng Đội Trung Ương quyết định sẽ thay đổi nhiều chương trình kế hoạch nhỏ cũng như rà soát, chấn chỉnh lại đội ngũ làm kế hoạch nhỏ - những người tổng phụ trách các trường học để phong trào trở nên thực sự có ý nghĩa và có hiệu quả cao. |
Ông Trường cho rằng: “Việc tận thu giấy vụn cũng là chuyện đáng khen, thu được càng nhiều thì càng tốt, song Hội đồng Đội Trung Ương chưa bao giờ đưa ra chỉ tiêu về việc nộp giấy vụn đối với các trường học. Việc nộp với số lượng bao nhiêu là tự nguyện của mỗi em học sinh, dù là vài lạng hay vài cân. Song nhiều nhà trường hiện nay vẫn lạm dụng phong trào kế hoạch nhỏ để gặt thi đua, yêu cầu các em nộp ít nhất bao nhiêu cân giấy...”
“Bản chất của việc nộp giấy vụn đó là giáo dục cho các em học sinh đức tính tiết kiệm, cũng như quý trọng những sản phẩm do con người làm ra, tránh lãng phí và sử dụng sai mục đích. Đấy mới là mục tiêu mà Hội đồng Đội Trung Ương nói riêng và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nói chung muốn các em học sinh nhận thức được” – ông Trường khẳng định.
Nếu như trước đây phong trào kế hoạch nhỏ thường vận động thu tiền để xây dựng công trình thì nay trong giai đoạn cuối năm 2013 vừa qua, Hội đồng Đội Trung Ương đã có nhiều đổi mới. Cụ thể Hội đang phát triển phong trào xây dựng tủ sách học đường. Những địa phương, trường học ở những nơi có điều kiện, sẽ cùng nhau xây dựng, ủng hộ và đóng góp những tủ sách quý giá. Sau đó sẽ mang đến những địa phương có điều kiện khó khăn hơn để tặng cho các học sinh nghèo.
Ông Trường cho biết thêm: "Không như những lần trước, Hội sẽ không đứng ra tổ chức trên quy mô, không tập hợp sách, mà giao cho từng cơ sở, từng địa phương thực hiện. Sau đó Hội sẽ làm cầu nối, đưa những địa phương này đến với các cơ sở, địa phương khó khăn hơn".
Nhiều ngày qua, dư luận bàn tán về thông tin các trường học ở Bình Định yêu cầu mỗi em học sinh phải nộp 2 đến 3 đuôi chuột, để hưởng ứng cho việc... bảo vệ mùa màng, dẫu biết mục đích của công việc mà Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định đưa ra là tốt song đã gây xôn xao dư luận trong và ngoài tỉnh. Về thông tin này, bà Hà thẳng thắn: “Tôi nghĩ rằng việc diệt chuột nộp đuôi lên nhà trường để minh chứng cho việc bảo vệ mùa màng là điều không cần thiết cũng như không phù hợp với lứa tuổi của học sinh. Các trường học ở đây có nghĩ rằng ai sẽ dạy cho các em cách bắt chuột? Ai dạy cho các em tác hại của chuột với mùa màng? Mà khi bắt rồi, chặt đuôi nộp lên nhà trưởng rồi thì xử lý sao? Ai lo vấn đề đảm bảo vệ sinh cho các em học sinh?”. |