Chi 2.000 tỉ, công bố... 22 bài báo ISI

Đầu tư 2.000 tỉ đồng kinh phí hoạt động, tuy nhiên theo thống kê thì số bài báo ISI mà Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội công bố trong 5 năm qua chỉ vẻn vẹn có 22 bài.

Chi 2.000 tỉ, công bố... 22 bài báo ISI - 1

Một luận án tại Học viện Khoa học Xã hội được bảo vệ thành công (Ảnh: VASS)

Theo thông tin mà nhóm dự án Trắc lượng khoa học Việt Nam (S4VN) vừa công bố, bảng thống kê ISI (những bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học được công nhận bởi Viện Thông tin Khoa học - Institute for Scientific Information - ISI) của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) giai đoạn 2011-2015 tổng cộng số lượng bài báo công bố ISI của VASS trong 5 năm qua là 22 bài (tổng số lượt trích dẫn là 63).

Có năm chỉ công bố 2 bài ISI

Năm có kết quả cao nhất là 2013 với 7 bài (20 trích dẫn) và năm thấp nhất là 2011 với 2 bài (1 trích dẫn). Trong khi đó, nghiên cứu sinh (NCS) Lê Ngọc Sơn tại ĐH Công nghệ Ilmenau, Đức, cho hay số liệu ngân sách nhà nước được Bộ Tài chính công bố cho thấy trong 5 năm (từ 2011 đến 2015), ngân sách nhà nước đã đầu tư cho VASS hơn 2.000 tỉ đồng, tương đương 90,6 triệu USD. Riêng năm 2015, viện có 5 bài báo công bố quốc tế ISI và tổng chi phí tiêu tốn lên đến 504,5 tỉ đồng (khoảng 22,67 triệu USD).

Đưa ra những con số thống kê trên, NCS Lê Ngọc Sơn cho rằng đây là “những con số biết nói”, thậm chí ngay cả khi chưa cần quan tâm đến chất lượng mà chỉ xét trên góc độ hiệu quả kinh tế và năng suất lao động. Theo NCS này, trong bối cảnh VASS có tới 2.000 người thì năng suất này không bằng một nhóm nhỏ các nhà khoa học châu Âu làm việc.

Khi được hỏi chất lượng của các luận án tiến sĩ, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho rằng quy chế hiện hành quy định luận án tiến sĩ phải có đóng góp về mặt lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực nghiên cứu hoặc giải pháp mới có giá trị trong việc phát triển, gia tăng tri thức khoa học của lĩnh vực nghiên cứu, giải quyết sáng tạo các vấn đề của ngành khoa học hay thực tiễn kinh tế - xã hội.

Trong quy chế có quy định về tiêu chí của luận án và trong bản nhận xét của những người đánh giá luận án cũng phải đề cập đến các vấn đề này. Cơ sở đào tạo phải công khai thông tin về việc bảo vệ luận án, toàn văn luận án chuẩn bị bảo vệ phải được đăng lên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo để các nhà chuyên môn và mọi người có thể tham khảo, giám sát, phát hiện sai sót… góp phần bảo đảm chất lượng đào tạo.

Ai kiểm định chất lượng luận án?

Thế nhưng trên thực tế, nói theo cách của PGS Lê Trọng Thắng, Trường ĐH Mỏ - Địa chất Hà Nội, bộ đưa ra những quy chế rất chặt chẽ, như yêu cầu phải công khai luận án chẳng hạn, nhưng việc bộ, bộ làm; việc trường, trường làm và nhiều khi có những lỗ hổng con voi cũng chui lọt.

Mai Khoa, một NCS tại Học viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne (Úc), chia sẻ theo thông lệ quốc tế thì hội đồng chấm luận án bắt buộc phải có thành viên độc lập, đến từ các cơ sở đào tạo khác, thậm chí nước khác, nhằm bảo đảm sự khách quan trong việc đánh giá. Thêm vào đó, công bố quốc tế là yêu cầu bắt buộc với NCS của hầu hết các cơ sở đào tạo.

Điều này nhằm bảo đảm kết quả nghiên cứu được thảo luận, nhìn nhận một cách rộng rãi và khách quan bởi các nhà khoa học. Việc yêu cầu NCS tham gia các hội thảo quốc tế ngoài sự cần thiết của học thuật còn tạo cho NCS có cơ hội trao đổi trực tiếp với những nhà khoa học đầu ngành, từ đó giúp xây dựng mạng lưới đồng nghiệp rộng rãi.

NCS khi bắt đầu khóa học sẽ phải hiểu toàn bộ quy định sẽ được áp dụng với mình, từ đó họ hiểu số lượng bài báo khoa học mà mình sẽ phải công bố.

Giáo sư hướng dẫn thường kỳ vọng vào NCS cao hơn yêu cầu của cơ sở đào tạo thông qua xếp hạng của tạp chí và số công bố đặt ra cho NCS. Từ đó, NCS cũng có những sức ép nhất định trong việc hoàn thành luận án. Đã có một tỉ lệ cao về số lượng NCS mắc chứng trầm cảm nhẹ vì sức ép của việc hoàn thành luận án.

Việt Nam cũng có các quy định về việc công bố các bài báo khoa học, tuy nhiên quy định này không được triển khai hiệu quả. Chính sự dễ dãi của người hướng dẫn, của hội đồng đã tạo điều kiện cho NCS làm luận án qua quýt thì lấy đâu ra đề tài được quốc tế ghi nhận!

Sao chép tinh vi

NCS Mai Khoa thẳng thắn cho rằng việc sao chép tài liệu của người khác mà không trích dẫn đã trở thành một hiện tượng trong các luận án tiến sĩ ở Việt Nam.

Việc sao chép này có thể thực hiện từ luận án của người trước, từ báo cáo khoa học, báo cáo tổng kết của một dự án, thậm chí ở mức tinh vi hơn là dịch nguyên một phần công trình của một tác giả ở nước ngoài mà không có trích dẫn cụ thể. Một danh sách các tài liệu tham khảo dài ở cuối một số luận án nhiều khi chỉ là để đối phó với quy định mà không cần biết thật sự nó có được dùng vào luận án không, nếu được sử dụng thì nội dung của nó được nêu trong luận án là ở chỗ nào?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Anh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN