Câu lạc bộ những sinh viên mồ côi
Các em là những sinh viên mất cả cha lẫn mẹ, có em là người sống sót duy nhất trong gia đình. Đứa ở với anh, đứa cậy ông bà và cũng có em một mình lớn lên, hay như Phan Hợi - được mệnh danh là “Robinson ở huyện Hương Sơn”.
Vượt qua được miếng cơm manh áo đã là vô cùng khó với những đứa trẻ mồ côi, thế mà các em vẫn gượng dậy để vươn vào giảng đường đại học, rồi trở thành những sinh viên xuất sắc.
Trên cả nghị lực
Mới đây, tôi được mời tham gia sinh hoạt câu lạc bộ (CLB) “Mái ấm trường Vinh” do Trung tâm hỗ trợ sinh viên – Trường Đại học Vinh tổ chức. Buổi sinh hoạt đầu tiên sau hai tháng nghỉ hè, nên có rất nhiều nội dung cần bàn.
Nhưng, nội dung được thảo luận nhiều nhất là tiếp tục dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho các bạn sinh viên Lào khóa mới và tiếp tục hướng dẫn các em ở làng trẻ SOS học thêm và sinh hoạt cộng đồng.
Ai cũng thật say sưa với những hoạt động xã hội, nhân đạo trong năm học mới. Cả tôi cũng thế, sôi nổi đến mức không còn nhớ các bạn là con mồ côi, ngoài việc học còn phải tự mình lo toan đủ mọi bề.
Thành viên câu lạc bộ Sinh viên mồ côi đang tư vấn cho thí sinh
Có đến với các em, mới nghiệm ra rằng, mình là người rất hạnh phúc. 17 gương mặt cùng sinh hoạt trong CLB hôm ấy là 17 số phận, 17 cảnh đời khác nhau, nhưng cùng chung một điểm là từ trong đau thương, khốn khó các em đã gượng dậy, thẳng tiến vào giảng đường đại học.
Những bạn Khương, bạn Tân, hay như chị Truyền, chị Hà... vừa đi làm gia sư, vừa bán càphê lấy tiền ăn học, ấy thế mà vẫn cố học hai bằng đại học, tốt nghiệp loại xuất sắc. Tôi dám đồ rằng, những câu chuyện của Hợi, của Hiếu, của Nga... sẽ được các em sinh viên ở đây kể mãi, từ khóa này đến khóa khác.
Chuyện về Hợi “Robinson”: Từ nhỏ, anh em Hợi đã sống cảnh không có cha, ở xã Sơn Quang, Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh). Bọn trẻ cùng lứa trêu mãi, rồi cũng chán; người lớn dèm pha, mãi cũng phải thôi. Lớn lên, nghèo quá, Hợi đành gác lại giấc mơ giảng đường để vào bộ đội. Khi trở về thì mẹ bị bạo bệnh rồi mất. Cửa nhà dành cho vợ chồng anh chị, Hợi lên rừng dựng một túp lều với ý đồ lập nghiệp ở đó.
Nhưng rồi, đêm đêm bên ánh đèn dầu cô độc, giấc mơ trở thành thầy giáo lịch sử cứ ùa về trong Hợi. Càng mơ, em càng ra sức làm lụng, thế nào cũng phải có chút vốn để ăn học, ít ra cũng được vài năm. Hết dầu, đốt củi lên mà học. Trời không phụ công người, tháng 8 năm 2009, Hợi đã reo lên một mình giữa bạt ngàn rừng rú: “Đậu rồi!”
Đồng hương với Hợi - bạn Lê Thị Thân - cả hai chị em đều là thành viên CLB. Chị gái của Thân - Lê Thị Truyền vừa mới ra trường với tấm bằng xuất sắc. Thân mất bố năm từ năm lên 3. Mẹ ráng hết sức để đứa nào cũng được học hành. Đến lượt Thân đậu đại học, mẹ đã kiệt hết sức. Tết đầu tiên xa nhà đi học đại học trở về, đêm 30 tết, mẹ em đã trút hơi thở cuối cùng.
Em định bỏ học để nhường suất cho chị Truyền, các anh chị làm sao nuôi nổi cả hai em ăn học. Run rủi thế nào gặp được thầy Đức, hai chị em xin gia nhập CLB. “Có các anh chị em bên cạnh, chúng em vững vàng để học tiếp. Sẽ không bao giờ quên được “Mái ấm trường Vinh” và sẽ không bao giờ hết trách nhiệm với “Mái ấm trường Vinh” – Thân rơm rớm chia sẻ.
Khuyên “độc thân” là biệt danh mà bạn bè gọi Nguyễn Thị Khuyên - cô sinh viên năm 3, khoa Chính trị. Nhà Khuyên ở Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu. Khi sinh ra, cô bé đã không còn cha nữa. Năm 8 tuổi, mẹ bỏ em đi biệt. Hai năm ở với bà, rồi bà đổ bệnh, cậu đưa bà về chăm sóc. Khuyên đành ở một mình, sống bằng 240.000 đồng/tháng tiền trợ cấp con mồ côi và gần 2 sào ruộng nước.
Một buổi sinh hoạt CLB. Hiếu đang dạy tiếng Việt cho sinh viên nước bạn Lào
Khuyên kể: “Cuối năm lớp 12, bạn bè chộn rộn làm hồ sơ thi đại học, cháu cũng làm. Mấy đứa rủ đi thi, cháu cũng đi. Thi xong, cháu xin đi làm thuê ở Vĩnh Phúc, mình làm sao mà theo học đại học được. Một bữa, cháu đang làm việc thì nhận được điện thoại của cô Thủy - cán bộ phụ nữ huyện Quỳnh Lưu. Cô báo tin cháu đã đậu và khuyên cháu về đi học. Cháu lắc đầu qua điện thoại, vì biết mình khó mà theo được. Cô nói mãi, nói đến bật khóc, cháu phải đồng ý...”.
Nhỏ thó như một cậu học sinh lớp 10, nhưng Nguyễn Văn Hiếu - sinh viên khoa Luật, năm 3 - lại là trưởng nhóm. Nhà em ở xã Đại Sơn, Đô Lương. Bố mẹ mất, anh Thanh đang học trường Y thì phải bỏ về nuôi em. Đã hơn 30 tuổi rồi, nhưng anh vẫn chưa chịu lấy vợ. Anh bảo, lúc nào Hiếu học xong thì anh mới cưới vợ.
Thương anh, Hiếu phản ứng bằng cách không nhận tiền anh gửi nữa, mà tự đi tìm việc làm để trang trải học hành. Buổi chiều, em giúp việc cho chị Tín bán hàng ở ký túc xá, ai gọi hàng gì thì đưa cho người ta thứ nấy, tháng cũng được gần triệu đồng. Buổi tối, Hiếu đăng ký trực ký túc xá, đêm cũng được 30.000 đồng. “Em phải chịu khó để đỡ cho anh, có thế thì anh ấy mới yên tâm mà lập gia đình” – Hiếu tâm sự.
Mái ấm rất ấm
Anh Lê Công Đức - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh viên, người sáng lập, đồng thời là Chủ nhiệm CLB - cho biết: CLB Mái ấm trường Vinh ra đời từ năm 2010. Lúc đầu chỉ là một nhóm bạn cùng cảnh ngộ mồ côi, cùng nhau sinh hoạt, chia sẻ. Khi thầy hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Hợi hay tin, đã gợi ý anh Đức nên thành lập CLB. Chính thầy cũng mồ côi mẹ từ khi mới lên 3, nên thầy rất thương các em. Thầy cho mượn kiốt của trường để nhóm mở hiệu photocopy.
Thầy còn vận động các thầy cô giáo, các khoa phòng đến hiệu của các em để sao tài liệu... Những học sinh có nhu cầu ở ký túc xá, thầy đề xuất giảm 50% tiền phòng. Về phần trung tâm, anh Đức và các anh chị em khác đã liên hệ một số doanh nghiệp tài trợ cho các em phần nào kinh phí, như Ngân hàng Bắc Á, Quỹ đất Nghệ...
Lúc cao điểm, CLB có tới 29 thành viên. Ít nhất, mỗi năm CLB phải tham gia 58 bữa cúng giỗ cho bố mẹ các em. Kinh phí được lấy từ nguồn photocopy và bán văn phòng phẩm. “Mình cử các em thay nhau về quê, lo toan bữa giỗ cho bố mẹ thật chu tất. Dẫu không thịnh soạn, nhưng ấm cúng. Họ hàng nội ngoại, bà con làng xóm rất cảm động trước tình cảm của anh chị em. Tôi cũng đã dự nhiều bữa giỗ bố mẹ các em. Mình đến, ai cũng rơi nước mắt” – anh Đức chia sẻ.
Cũng theo anh Đức, dù rất vất vả nhưng các em lại rất hăng say công tác xã hội. Năm nào, CLB cũng có một đội tình nguyện về với bà con vùng sâu, vùng xa. Rồi tiếp sức mùa thi, bữa cơm miễn phí cho các thí sinh, hướng dẫn tân sinh viên nhập học... Đặc biệt, CLB tình nguyện giúp đỡ các sinh viên nước bạn Lào theo học tại trường. Mỗi thành viên giúp một sinh viên, cả về dạy tiếng Việt và giới thiệu văn hóa Việt Nam. Đồng cảnh ngộ với những cảnh đời ở làng trẻ SOS Vinh, các em đã đề xuất được giúp đỡ học sinh ở làng trẻ này. Mỗi tuần, các thành viên lại thay nhau bồi dưỡng kiến thức và hướng dẫn các em sinh hoạt tập thể.
Em Ngọc Thị Nga - sinh viên khoa Du Lịch - nói: “Chúng em đã nhận được tình thương yêu của mọi người thì chúng em cũng có trách nhiệm chia sẻ yêu thương với các em ấy. Không phải bây giờ mà mãi sau này, chúng em vẫn ghi nhớ bốn chữ: Trách nhiệm xã hội”.
Trở lại với câu chuyện của anh Đức. CLB đã có 7 thành viên thành lập gia đình. Dẫu cha mẹ không còn, nhưng đám cưới của các em vẫn được tổ chức long trọng, không giàu nhưng rất sang. Có ba đám cưới mà không ai có thể quên, vì họ hàng nhà gái neo người, lại ở xa, nên CLB chính là nhà gái của hội hôn. Nguyễn Thị Hà làm cô dâu đầu tiên của CLB. Nhà Hà ở tận Quỳ Hợp, nhà chỉ có hai chị em. Bữa cưới, anh chị em trong CLB vừa lo toan mọi thứ, vừa đại diện nhà gái để Hà đi lấy chồng.
Rồi đám cưới của Nguyệt cũng thế. Nguyệt ở với ông ngoại, mà ông thì đã 85 tuổi, thế nên CLB cũng là chủ hôn bên gái. Hôm anh em về Cẩm Xuyên, ông bảo, các con là anh chị em của Nguyệt, là cháu của ông cả, phải ngủ nhà ông một đêm trước khi Nguyệt đi lấy chồng. Hay như bạn Đào ở Nghi Xuân, bạn ấy chỉ còn mỗi bà nội đã trên 80... Kể đến đây, anh Đức nghèn nghẹn: “Thương quá, anh ạ”.
Buổi sinh hoạt CLB hôm ấy kết thúc bằng một tin vui từ anh Đức: “Chị Hà đã về ở cữ, chuẩn bị sinh em bé đầu lòng”. Cả nhóm òa lên, tiếng vỗ tay không ngớt...