Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tới trường thi, trò chuyện với phụ huynh
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ bất ngờ thăm hỏi phụ huynh của thí sinh bên ngoài điểm thi Đại học Thuỷ lợi trong buổi sáng ngày thi đầu tiên.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thị sát tại cụm thi Đại học Thủy lợi
Thí sinh và phụ huynh nên có tâm lý thoải mái
Sáng ngày 1/7, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã dành 10 phút thăm hỏi các vị phụ huynh đưa con đi thi tại điểm thi trường Đại học Thuỷ lợi (Hà Nội).
Chị Trần Thị Mai Dung, phụ huynh của thí sinh Nguyễn Hoàng Vũ cũng là người được Bộ trưởng thăm hỏi. Chị cho biết, Bộ trưởng quan tâm tới vấn đề thời tiết liệu có ảnh hưởng tới việc đi thi của thí sinh và căn dặn phụ huynh quan tâm tới tinh thần của thí sinh.
“Các bác đưa con đi thi có tắc đường không? Bộ đang cố gắng giảm áp lực cho các cháu với hình thức thi theo cụm để các cháu học ở đâu được thi ở đó. Phụ huynh có thể đưa các cháu đi thi trong ngày đỡ vất vả hơn” - đây là những lời động viên của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói với phụ huynh Nguyễn Văn Tiên (Quốc Oai, Hà Nội) đưa con trai đi thi.
Đáp lại lời Bộ trưởng, ông Tiến nói: "Ban đầu tôi cứ lo đi muộn sợ tắc đường trễ giờ thi của cháu. Nhưng năm nay giao thông thông thoáng, đến trường thi nhận được sự giúp đỡ của các cháu tình nguyện viên nên đỡ lúng túng".
Sau khi thăm hỏi phụ huynh bên ngoài cổng trường, Bộ trưởng Nhạ vào làm việc với Hội đồng thi Đại học Thuỷ lợi và yêu cầu trường tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh dự thi.
Học trung bình sẽ đỗ tốt nghiệp
Trả lời phóng viên sau chuyến thị sát, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, đề thi là trọng tâm của kỳ thi. Đề thi kế thừa và rút kinh nghiệm. Đề thi phải chuẩn hóa kiến thức cơ bản trong chương trình học và phải có sự phân hóa. Những thí sinh có học lực trung bình đều sẽ đạt và được công nhận tốt nghiệp. Do vậy, năm nay, việc xét tuyển vào đại học, cao đẳng có sự phân hóa rõ hơn.
“Bộ GD-ĐT đã tính toán để đảm bảo an toàn về chất lượng của kỳ thi, đây là điều Bộ đặt lên hàng đầu”, ông Nhạ nói.
Video: Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thị sát kỳ thi THPT quốc gia
Theo ông Nhạ, các điểm thi, cụm thi, Bộ GD-ĐT có điều chỉnh đảm bảo cán bộ coi thi là giảng viên ở các trường ĐH, Học viện được dải đều ở các cụm thi. Ở các cụm thi chỉ xét tốt nghiệp Bộ cũng yêu cầu và cử cán bộ coi thi từ các trường đại học ít nhất là 20%. Còn các cụm thi xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH thì ít nhất có sự phối hợp của 50% giám thị coi thi ở các trường đại học, học viện. Thứ hai, Bộ GD-ĐT tính tới việc đảm bảo an toàn về điều kiện cho thí sinh và phụ huynh.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, điểm đổi mới trong kỳ thi năm nay là thí sinh ở tỉnh nào thi luôn ở tỉnh đấy.
“Chúng tôi chọn phương án thuận lợi cho các em học sinh và phụ huynh, đề nghị các trường ĐH chủ trì cụm thi cử giáo viên đến các địa điểm coi thi” – ông Nhạ nói.
Theo ông Nhạ, phương án này mặc dù phát sinh chi phí đi lại và vất vả hơn cho giáo viên, nhưng hiệu quả hơn, xét trên bình diện tổng thể đây là một trong trách nhiệm của các trường ĐH trong tổ chức thi và nhiệm vụ để có căn cứ tuyển đầu vào.
“Lúc đầu các thầy cô ở các trường ĐH cũng có băn khoăn, nhưng sau khi tìm hiểu kỹ và nhận thấy đây là trách nhiệm và cũng là nhiệm vụ của mình các thầy cô rất thoải mái và trách nhiệm” – ông Nhạ chia sẻ.