4 nguyên tắc giúp nuôi con nhàn tênh

Sự kiện: Dạy con

Nhiều bà mẹ nhắc tới chuyện nuôi con đều cảm thấy ngao ngán, thậm chí bất lực. Nhưng một số khác lại không như vậy. Với họ, nuôi con là một quá trình tương tác nhàn tênh. Họ có những nguyên tắc riêng.

1. Rèn giũa sự tự lập

Khi trẻ biết tự lập, thì các bậc cha mẹ đã giảm đi phần lớn sự bận rộn vì con cái.

Ở thế kỷ trước, trẻ em được khai thác như một nguồn lao động của gia đình. Chúng có thể làm việc trong các nhà xưởng, trang trại, thậm chí nhiều nhà máy vẫn thuê lũ trẻ làm công. Trong thời đại mới, trẻ em "biết ăn ngủ biết học hành là ngoan" nhưng không vì thế mà bạn để con không làm gì cả. Thu dọn đồ chơi, trông em, dọn giường, làm bếp, lau bụi... là những việc mà một đứa trẻ nên thành thạo trước khi bước vào trung học.

Kinh nghiệm của một bà mẹ chia sẻ: " Vì nhà neo người, nên sau khi sinh con 1 tháng, tôi đã tự dọn dẹp, chợ búa, bếp núc, ủi đồ cho đến việc vệ sinh tắm rửa cho con, cho con ăn uống… Sau kỳ thai sản, tôi trở lại với công việc, con lớn vẫn đến trường bình thường, con nhỏ thì gửi nhà người quen đến chiều đón về. Tôi bận rộn, nên các con tôi đã tự chơi, ít làm phiền mẹ. Bây giờ, cậu bé 2 tuổi của tôi đã biết tự chuẩn bị cặp đi học (dù còn vụng về), tự xách đồ của riêng mình, tự đi, tự ăn uống, tự đi vệ sinh… Con gái 4 tuổi còn có thể chơi với em, trông em giúp mẹ.

2. Duy trì nếp nhà

Phụ huynh phải nhớ rằng giáo dục gia đình luôn đóng vai trò cốt lõi trong việc hình thành tính cách, đạo đức, tư chất cho con cái. Nên chú ý nuôi dưỡng nhiều thật nhiều thói quen tốt cho con trước tuổi đến trường vì đó là thời điểm vàng trẻ chưa bị xao nhãng bởi xã hội xung quanh. 80% những thói quen xấu của trẻ được hình thành ở nhà. Thực tế, những đứa trẻ sống trong một gia đình có quy tắc, có nề nếp, chúng sẽ có tính kỷ luật và sớm tự lập. Theo đó, cha mẹ cũng nhàn hơn trong quá trình nuôi dạy con lớn lên.

Một bà mẹ có con nhỏ tâm sự: Trong nhà, tôi lập ra những “quy tắc” và mọi thành viên trong gia đình đều phải tuân thủ, cha mẹ phải làm gương cho con cái. Ví dụ, vợ chồng tôi không khi nào to tiếng trước mặt con; không mang căng thẳng, buồn bực về nhà; luôn suy nghĩ mọi việc tích cực và tìm hướng giải quyết; dạy con biết chia sẻ, biết lắng nghe, nhường nhịn và kính trọng người lớn, không nói dối; dạy con biết nói “cảm ơn”, “xin lỗi”…

Vì gia đình có “nếp nhà”, nên tôi rất dễ dàng giải quyết các “xung đột” giữa hai đứa trẻ với quy tắc “lớn phải nhường bé”, “sai phải xin lỗi” thậm chí bị phạt. Nếu các con ăn-ngủ-chơi ngoan, mẹ sẽ có thưởng bằng những cuốn sách, một vài câu chuyện cổ tích, hoặc một món đồ chơi con yêu thích (đã được cha mẹ duyệt trước), hoặc một chuyến đi chơi…

3. Xây dựng thói quen tốt

Hãy tạo thói quen tốt cho con thay vì than phiền rằng con mình có nhiều thói quen xấu. Hai hoặc ba năm đầu đời, nếu bạn xây dựng cho con thói quen tốt, bạn sẽ vô cùng nhẹ nhàng nuôi dạy con sau này.

Một bà mẹ khác chia sẻ: Đối với trẻ, thói quen ăn-ngủ-chơi đúng giờ là điều đầu tiên chúng cần phải học. Hai con tôi từ bé đã có nhịp sinh học… đồng điệu với cha mẹ. Tôi chưa bao giờ phải thức đêm trông con, hoặc nấu nướng cho con ăn trái giờ. Tôi cũng rất dứt khoát trong chuyện dạy con. Khi mẹ nói “không”, nghĩa là con đừng mong mẹ sẽ có “ngoại lệ”, vì thế con tôi không có thói quen mè nheo, nhõng nhẽo. Ngược lại, tôi cũng tôn trọng sở thích của con ở một chừng mực nào đó - nếu sở thích đó không ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.

4 nguyên tắc giúp nuôi con nhàn tênh - 1

4. Dạy trẻ suy nghĩ tích cực để thích ứng với cuộc sống

Khi được nuôi dưỡng, suy nghĩ tích cực sẽ là công cụ hữu hiệu để phát triển khả năng thích ứng, giúp trẻ tránh bị trầm cảm lúc trưởng thành. Đó là cách tốt nhất để trẻ biết tự bảo vệ mình, tự đứng lên trước những va chạm của cuộc sống. Và đó cũng là cách cha mẹ nuôi con nhàn tênh sau này khi chúng lớn dần lên.

Nghiên cứu cho thấy, từ khi lên 5 tuổi, trẻ đã biết cách liên hệ giữa suy nghĩ và cảm xúc: một suy nghĩ tích cực làm ta vui hơn và một suy nghĩ tiêu cực khiến ta buồn hơn. Trong những năm tháng đầu đời, trẻ thường nhận được các chỉ dẫn đơn giản, với 2 cách lựa chọn cho cảm xúc, ví dụ: “Nếu đi dự sinh nhật mình sẽ vui. Nếu bị tiêm, mình sẽ buồn”. Sau 5 tuổi, các chỉ dẫn trở nên phức tạp hơn. Lúc này chúng mang theo thông tin về sự kết nối giữa suy nghĩ và cảm xúc. Trẻ bắt đầu hiểu rằng suy nghĩ của một người hoàn toàn tách biệt với thực tại và có thể ảnh hưởng tới cảm xúc của người đó: một suy nghĩ tích cực làm ta vui hơn và một suy nghĩ tiêu cực khiến ta buồn hơn.

Khi được nuôi dưỡng, suy nghĩ tích cực sẽ là công cụ hữu hiệu để phát triển khả năng thích ứng của con người. Suy nghĩ tích cực giúp trẻ xử lý tốt hơn các thất vọng không thể tránh khỏi trong cuộc sống như không được chọn vào đội bóng, bị trượt đại học hoặc trượt một kỳ thi... Nghiên cứu cho thấy trẻ được rèn luyện suy nghĩ lạc quan thường thích ứng tốt hơn và nhờ vậy ít bị trầm cảm sau này.

3 nguyên tắc giúp cha mẹ kiểm soát sự nổi loạn của con nhanh chóng

Những điều dưới đây sẽ giúp phụ huynh kiểm soát và giảm những hành vi nổi loạn của con hiệu quả.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Nghi ([Tên nguồn])
Dạy con Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN