Tết thất bát của cải lương
Đã 2 mùa Tết nghệ sĩ cải lương không có nhà hát để diễn trong khi nhà hát hơn trăm tỉ đồng xây xong gần 2 năm vẫn cửa đóng then cài
Nếu sân khấu kịch tại TP HCM bội thu mùa Tết thì sân khấu cải lương lại đìu hiu. Nhà hát Cải lương Hưng Đạo (rạp Hưng Đạo) với kinh phí đầu tư 132,29 tỉ đồng xây xong gần 2 năm nay vẫn đóng cửa và sàn diễn im ỉm khóa.
Tản mác kiếm sô
Mùa Tết năm trước, nghệ sĩ cải lương hy vọng có điểm diễn mới để dựng vở Tết nhưng rồi thất vọng. Tết này, những tưởng hiện thực hóa giấc mơ nhưng rồi rạp Hưng Đạo vẫn không thể sáng đèn vì chưa hoàn tất thủ tục nghiệm thu phòng cháy chữa cháy. Sàn diễn này một lần nữa lỗi hẹn với khán giả và nghệ sĩ cải lương. Vậy là sau hơn 10 năm tính từ năm 2006, khi UBND TP HCM chính thức giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP HCM (nay là Sở Văn hóa - Thể thao) thành lập Ban Quản lý dự án xây dựng Trung tâm Nghệ thuật cải lương Hưng Đạo tại rạp Hưng Đạo cũ và gần 2 năm sau khi nhà hát này xây xong, nghệ sĩ cải lương có người đã gần hết tuổi nghề mà vẫn chưa được diễn ở đây.
Cảnh trong vở “Hiu hiu gió bấc” - vở mới của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang
Các vở mới của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang dựng diễn Tết được đánh giá cao như: “Hiu hiu gió bấc”, “Mộng Hoa Vương”, “Hồn ma báo oán” đành chịu chung số phận “trùm mền” trong mùa Tết.
Gần 100 diễn viên của 3 đoàn trực thuộc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang từ mùa Tết năm trước đến mùa Tết này đều không có điểm diễn. Ngoài đoàn 2 của nhà hát này đã tổ chức chuyến đi lưu diễn 4 suất tại Campuchia trước Tết cho nghệ sĩ, các đoàn còn lại nhận diễn phục vụ một số xã ngoại thành với chương trình tổng hợp gồm trích đoạn và ca cổ. Đa phần nghệ sĩ vẫn tản mác chạy sô để tìm thu nhập cho mình trong những ngày Xuân.
Hơn 100 nghệ sĩ cải lương của các nhóm xã hội hóa như nhóm Vũ Luân, nhóm Bạch Long, nhóm Kim Thoa, nhóm Huỳnh Long, Thanh Nga, Sài Gòn 1, Dạ Lý Hương… đã phải sống cơ cực, vất vả nhiều năm nay chờ ngày được quay lại sàn diễn.
Tết trăm cay ngàn đắng
Chưa bao giờ không khí đón Xuân của nghệ sĩ cải lương lại đìu hiu như năm nay, dường như chưa có cái Tết nào não nề với họ như Tết này. Tối mùng 6, trận mưa lớn khiến các điểm tổ chức đại nhạc hội và lô-tô ở miền Tây báo hủy. Nghệ sĩ Tâm Tâm (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) trước đó từ chối các sô diễn tại TP để chạy sô các tỉnh phải ngậm đắng nuốt cay. “Những tưởng sau khi trừ tiền thuê xe, tiền cò sẽ có được hơn 1 triệu đồng/ngày cũng đỡ hơn là chạy sô ở TP HCM, thù lao chỉ vài trăm ngàn đồng nhưng rồi vì mưa lớn, đành ngồi nhìn mưa mà buồn tủi” - Tâm Tâm rầu rĩ.
Các nghệ sĩ Xuân Yến, Thanh Thế, Bo Bo Hoàng, Thanh Hoàng, Trường Sơn, Chí Bảo... cũng cho biết họ không tìm được sô diễn trong mùa Tết này. “Các rạp như Công Nhân, Nhà hát Bến Thành đều tổ chức diễn hài kịch nên nghệ sĩ cải lương không còn đất diễn, đành chịu chung số phận không có Tết” - nghệ sĩ Thanh Thế tâm sự trong nước mắt.
“Chỉ chờ đến mùng 10, NSƯT Kim Tử Long sẽ tổ chức chương trình “Ba thế hệ về lại cội nguồn”, tại rạp Công Nhân, nhằm giúp đỡ nghệ sĩ nghèo tại Khu Dưỡng lão nghệ sĩ TP HCM trị bệnh, chúng tôi mới có suất diễn để thắp nhang lên bàn thờ Tổ, khai trương nghề hát của mình đầu năm. Buồn biết bao khi đã 2 mùa Tết mà Nhà hát Cải lương Hưng Đạo vẫn chưa thể sáng đèn, trong khi nghệ sĩ thì không có nơi diễn!” - NSƯT Trường Sơn cảm thán.
Hầu hết các nghệ sĩ cải lương chuyển hẳn sang biểu diễn theo kiểu chương trình “Vầng trăng cổ nhạc”. “Chúng tôi theo chân một đoàn hát ở tỉnh Đồng Tháp tổ chức sô diễn giăng bảng hiệu “Vầng trăng cổ nhạc tri âm” tại thị xã Sa Đéc. “Cũng như đoàn đại nhạc hội, đoàn hát cải lương của chúng tôi có 10 nghệ sĩ chia nhau hát các trích đoạn cho đỡ buồn, vì hát tuồng dài phải có thời gian tập dượt, có cảnh trí, có đầu tư và quan trọng là có rạp cố định. Thù lao mỗi đêm cho mỗi người là 150.000 đồng. Nhờ vậy lo được các bữa ăn trong mấy ngày Tết, còn tích cóp được để trả nợ tiền gạo trong năm qua” - nghệ sĩ Minh Hiền tâm sự.
Theo chân nghệ sĩ cải lương tham gia các sô nhạc hội hoặc lô-tô diễn ở các tỉnh, người viết chứng kiến sàn diễn thì ọp ẹp, đèn mờ, nghệ sĩ cải lương phải căng mình để ca diễn vì chất lượng âm thanh quá kém. “Vì thế, việc nghệ sĩ bị khan tiếng, ho ra máu do phải hát quá nhiều và liên tục trong một thời gian dài là chuyện thường” - nghệ sĩ Thanh Mai giải thích.
Ở những nơi này, nghệ sĩ cải lương đều chịu chung cảnh hát lót cho những tiết mục tấu hài và ca nhạc. Trong thời gian chờ ca sĩ, danh hài đến điểm diễn, họ hát bằng tất cả tấm lòng. “Vì là ngày Tết nên phải cố gắng hát bằng giọng thật để được hưởng lộc Xuân, không dám bê trễ giờ diễn, sợ bị Tổ phạt. Chờ ra giêng có rạp hát, nghệ sĩ chúng tôi sẽ dốc toàn tâm cho nghề, mong khán giả đến xem và cổ vũ” - nghệ sĩ Bình Tinh kỳ vọng.
Vài ngôi sao may mắn Trong khi đó, vẫn như mọi năm, một số ngôi sao cải lương chạy sô tản mác khắp nơi đã nhận được nhiều lộc Xuân của khán giả, như NSƯT Kim Tử Long và Kim Tiểu Long. Hai anh được xem là 2 chàng kép đắt sô ngày Tết. “Rồng lớn” (biệt hiệu của NSƯT Kim Tử Long) đón giao thừa tại Hà Nội, diễn phục vụ khán giả thủ đô, sau đó về TP HCM diễn các điểm đại nhạc hội, rồi về miền Tây “cày bừa” suốt từ mùng 3 đến nay. “Rồng nhỏ” NSƯT Kim Tiểu Long vẫn chạy được 5-7 điểm diễn trong mùa Tết này. NSƯT Cẩm Tiên đạt kỷ lục trong giới nữ, chạy sô 8 điểm diễn mỗi ngày Tết. “Nhờ bà con thích ca riêng lẻ những bài vọng cổ Xuân, nên tôi có điều kiện tham gia diễn nhiều sô” - Cẩm Tiên cho hay. Nghệ sĩ Bình Tinh, sau khi giành được ngôi vị quán quân chương trình “Sao nối ngôi”, trở nên đắt sô hơn. “Tôi biết bà con khán giả miền Tây ưa thích những trích đoạn tuồng cổ nên chuẩn bị sẵn các lớp diễn khoảng 15-20 phút: “Hai Bà Trưng khởi nghĩa”, “Ngọc Hân công chúa”, “Bùi Thị Xuân”… để diễn đầu năm. Nhận được lời khen ngợi của bà con khán giả, tôi hạnh phúc lắm”. Thế nhưng, NSƯT Kim Tử Long nói: “Khao khát lâu nay của chúng tôi là được diễn trên sân khấu hiện đại, có âm thanh ánh sáng chuyên nghiệp để hóa thân trọn vẹn vào số phận nhân vật”. |