"Hỏa Ngục" – Tom Hanks gây sốc cho khán giả yếu tim
Đoạn cao trào phim khiến người xem gần như không thể thở trước diễn biến dồn dập.
Là phần phim tiếp theo được chuyển thể từ loạt tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Dan Brown, Hỏa Ngục vẫn tiếp tục đi theo phong cách trinh thám ly kỳ, dẫn dắt người xem bước vào hành trình phá giải mật mã nghẹt thở của giáo sư Robert Langdon.
Sự cộng tác của bộ đôi vàng Tom Hanks – đạo diễn Ron Howard một lần nữa biến những trang sách của Dan Drown sống dậy trên màn ảnh rộng. Hoành tráng, mãn nhãn và lôi cuốn trên từng khung hình chính là những tính từ để nói về Hỏa Ngục.
"Hỏa Ngục" là cuộc đấu trí gay cấn của giáo sư Langdon để cứu lấy nhân loại
Chuyện phim Hỏa Ngục bắt đầu bằng hình ảnh giáo sư Langdon tỉnh dậy ở Florence trong tình trạng mất trí nhớ và không hiểu tại sao bản thân lại có mặt ở đây. Sienna Brooks, một trong các bác sĩ đang chăm sóc cho Robert, cho biết ông bị chấn thương sọ não do một viên đạn bay sượt qua đầu và đã tự mình đến phòng cấp cứu.
Chưa kịp hiểu chuyện gì đang diễn ra thì Robert lại bị săn đuổi bởi các sát thủ buộc ông phải tiếp tục trốn chạy và bước vào hành trình giải mã những bí ẩn, ngăn chặn âm mưu diệt chủng loài người.
Hỏa Ngục duy trì mạch phim gay cấn cho đến phút cuối cùng. Cuộc truy lùng giáo sư Robert Langdon của các tổ chức khác nhau luôn đẩy dồn nhân vật vào tình trạng ngàn cân treo sợi tóc. Ông quá nhỏ nhoi trước độ quy mô của những kẻ săn đuổi.
Đặc biệt, việc Langdon bị mất trí nhớ khiến ông không thể nhận ra đâu mới là đồng minh thật sự của mình. Điều này khiến chuyện phim trở nên cân não giữa những màn đấu trí của các nhân vật. Không chỉ có rượt đuổi và những ngờ hoặc, sự nghẹt thở của tác phẩm còn được khai thác từ những câu đố hóc búa mà gã thiên tài quá cố để lại.
"Hỏa Ngục" có những thước phim đẹp mê hồn của xứ Florence
Trong hành trình giải mã nơi cất giữ mầm bệnh tiêu diệt nhân loại, Hỏa Ngục mang đến cho người xem những thước phim gây choáng ngợp, từ các ảo cảnh của giáo sư Langdon cho đến những địa điểm mà ông cùng với Sienna đi qua để lần theo manh mối.
Nếu như trong hai phần trước bối cảnh phim đặt tại thành phố Paris (Pháp) và Rome (Ý) thì Hỏa Ngục chủ yếu được quay ở Florence (Ý). Những cảnh quay rộng bao quát, những màn rượt đuổi ở quãng trường hàng nghìn người và những ngõ ngách đền đài, cung điện được đặc tả một cách đẹp mê hồn trong phim. Với Hỏa Ngục, từng hình ảnh được chăm chút cẩn thận qua bàn tay của vị đạo diễn từng 2 lần đoạt giải Oscar.
Dàn diễn viên quá thực lực và mỗi nhân vật đều để lại những dấu ấn riêng biệt. Khán giả sẽ không phải bất ngờ khi Tom Hanks vẫn cứ là một Robert Langdon tài trí, thậm chí dù trong hoàn cảnh bất lợi. Tom Hanks một lần nữa khẳng định anh chính là gương mặt không thể thay thế để tái hiện nhân vật giáo sư đại tài này từ sách lên phim.
Sánh vai cùng tài tử Hollywood là mỹ nhân Felicity Jones. Không chỉ là bóng hồng làm nền cho nam chính mà chính Felicity cũng tỏa sáng nhân vật của mình trong đường dây câu chuyện. Bên cạnh đó, dàn diễn viên phụ của phim như Ben Foster trong vai Zobrist, Ana Ularu vào vai đặc vụ Vayentha hay Sidse Babett Knudsen thủ vai Sinskey đều toát ra được thần thái mỗi khi xuất hiện.
"Hỏa Ngục" thực sự thiêu cháy màn ảnh rộng cuối năm 2016
Giữa không khí hồi hộp và căng thẳng, Hỏa Ngục còn đem lại những tình tiết bất ngờ đảo cốt truyện, gây sốc cho khán giả. Phim khép lại bằng một cái kết không dành cho người yếu tim, khi đoạn cao trào phim khiến người xem gần như không thể thở trước diễn biến dồn dập.
Không đơn thuần tạo ra sự giải trí, nội dung phim còn đề cập đến vấn đề dân số đang gây nhức nhối trong toàn cầu. Một tác phẩm viễn tưởng hư cấu nhưng lại vô cùng thực tế khi xoáy sâu vào vấn đề nhân sinh. Hỏa Ngục thực sự xứng đáng kế thừa thành công của Mật Mã Davinci gây mãn nhãn và mãn lòng khán giả.