Chạy show tiền tỉ rồi diễn hài dở tệ

Sự kiện: Sao Việt

Nghệ sĩ nổi tiếng đó đã đòi cát sê đến hơn 1 tỉ đồng cho chiếc ghế giám khảo một chương trình hài. Để rồi anh ta đến trễ về sớm, la mắng êkíp và diễn hài dở tệ.

Đã đến chặng cuối năm 2016 nhưng hài vẫn đang là món giải trí ngon ăn nhất từ sân khấu đến truyền hình thực tế, dẫu không ít lần truyền thông và khán giả kêu la rằng hài ngày càng nhảm nhí. Thế nhưng dường như sự nhảm nhí đang tỉ lệ thuận với lượt xem, lượng rating…

Nghệ sĩ tha hồ chạy show

Ngoài các chương trình hài mang tính biểu diễn: Làng hài mở hội, Danh hài đất Việt, Già néo đứt dây, Ơn giời, cậu đây rồi!, Bí mật đêm Chủ nhật, Thử thách người nổi tiếng... thì cũng rất nhiều chương trình với tính chất tìm kiếm tài năng hài: Thách thức danh hài, Cười xuyên Việt, Cười xuyên Việt - Tiếu lâm hội, Đấu trường tiếu lâm, Học viện danh hài…

Tiếng cười luôn cần thiết trong cuộc sống vì thế hài muôn đời luôn ăn khách. Thế nhưng nếu tiếng cười ngày càng nhạt nhẽo thì nghệ sĩ hài cũng dần trở nên nhàm chán trong mắt khán giả.

Có thể thấy rõ những gương mặt nghệ sĩ hài: Hoài Linh, Việt Hương, Trấn Thành, Trường Giang, Thu Trang, Tiến Luật… xuất hiện ở tất cả kênh vào các tối trong tuần, bất kể đó là thi hài, thi hát, thi diễn hay tìm kiếm tài năng. Khán giả từng chứng kiến đạo diễn Đức Thịnh, giám khảo Đấu trường tiếu lâm, lãnh nhận trách nhiệm về tiết mục không tốt của đội mình.

“Một tiểu phẩm tốt hay chưa tốt đều là công và lỗi của cả huấn luyện viên và thí sinh. Nhưng việc chưa hiểu rõ thí sinh, bận việc nên lơ là thí sinh là lỗi của chính tôi trước” - đạo diễn Đức Thịnh nói.

Chạy show tiền tỉ rồi diễn hài dở tệ - 1

Tiết mục về tình cảm gia đình của Duy Khương (trái) giúp anh trở thành quán quân Đấu trường tiếu lâm nhưng Duy Khương đang là một bản sao của Trấn Thành chứ chưa có màu sắc khác biệt. Ảnh: ĐIỀN QUÂN E&M

Làm giá, đòi cát sê bạc tỉ

Cụm từ “bận việc” nghệ sĩ Đức Thịnh nói là rất nhẹ nhàng. Đây là thời mà ca sĩ không đắt sô bằng nghệ sĩ hài bởi bất cứ chương trình nào từ ca hát, nhảy múa cho đến trắc nghiệm kiến thức cũng đều xuất hiện nghệ sĩ hài trong vai trò giám khảo, dẫn chương trình…

Khi rạp đang ra mắt phim Nắng với sự tham gia của Hoài Linh, Trấn Thành, Thu Trang, Tiến Luật thì nhan nhản trên truyền hình là các sô hài của các gương mặt này. Phim đang còn hậu kỳ thì Việt Hương tiếp tục có mặt trong các chương trình: Đàn ông phải thế, Người nghệ sĩ đa tài, Làng hài mở hội, Lò võ tiếu lâm…

Khi sô càng nhiều, nghệ sĩ càng “làm giá” với các nhà sản xuất. Không ít lần các nhà sản xuất phải chấp nhận cắn răng trả trên 1 tỉ đồng cho ghế giám khảo một chương trình hài cho một nghệ sĩ dẫu trong quá trình quay là đi trễ về sớm, la mắng êkíp thực hiện tại hiện trường… Rất nhiều nhà sản xuất đều cho rằng không có những gương mặt như Hoài Linh, Việt Hương, Trấn Thành, Trường Giang, Thu Trang… thì không ai coi.

Nghệ sĩ dở sao có tài năng hay?

Chính từ sự ham sô mà nghệ sĩ hài xuất hiện nhiều khi không biết nói gì, mở tivi chương trình nào cũng như nhau bởi chỉ từng đó gương mặt lui tới. Những nghệ sĩ hài này cũng đang lặp lại chính mình, thế nên sẽ khó lòng để họ đưa ra một định hướng hay chỉ dạy gì cho những tài năng hài mà họ đang ngồi ghế giám khảo, ghế huấn luyện viên trong vai trò tìm kiếm tài năng.

Những ai thường đi xem ghi hình các chương trình hài có thể dễ dàng nhận thấy chính giám khảo đôi khi không ý thức mình đang nói gì. Trong một buổi ghi hình chương trình, giám khảo Trường Giang từng nói: “Không biết nói gì thì nói đại vậy chứ sao giờ”. Hay liên tục giám khảo Tiến Luật dùng từ “bựa” trên sóng truyền hình, một từ vốn được xem là không sạch.

Giám khảo, huấn luyện viên đã thế, thí sinh còn tệ hơn. Một biên tập viên chương trình hài từng nói: “Nhiều khi chính mình cũng không hiểu mình đang biên tập cái gì. Sự thiếu sáng tạo trong các kịch bản hài là điều có thật. Không ít cái tên diễn viên hài mới nổi đến từ sự “nhây”… Như diễn viên Lê Lộc một câu cứ nói đi nói lại hoài năm, bảy lần cho đến khi khán giả cười hoặc biên tập ngán mà tự cắt”.

Hài vẫn là cần thiết bởi cuộc đời luôn cần tiếng cười; thế nhưng thị trường cần những cây hài văn minh trong những chương trình văn minh. Chúng ta không thể phủ nhận công sức của các nhà sản xuất làm các chương trình tìm kiếm tài năng hài là để đi đến sự văn minh trong biểu diễn hài kịch. Nhưng với thị trường hài rơi vào ăn xổi, thiếu sự đầu tư chăm chút trong từng kịch bản, nghệ sĩ nóng lòng muốn nổi tiếng, giám khảo điên đảo chạy sô… như hiện tại thì e rằng tấm lòng của các nhà sản xuất rồi cũng sẽ trôi theo thị hiếu.

Cứ diễn “nhây” là thành kịch bản hài

Thực tế, hài hoàn toàn khác với ca nhạc, bởi nếu có một kịch bản hài tốt, diễn viên có thể “ăn tiền” nhiều lần với kịch bản như thế. Họ có thể diễn đi diễn lại một vở kịch suốt một năm với diễn viên, đạo cụ, sân khấu… cố định. Nhưng trong hiện tại, hầu như thị trường hài kịch Việt hoàn toàn thiếu vắng những kịch bản có đầu tư như thế.

Ca sĩ Lý Hải, người lần đầu tiên ngồi ghế huấn luyện viên một chương trình hài - Học viện danh hài, thẳng thắn thừa nhận: “Thời gian qua hầu như hài nhảm tràn ngập, hài tình huống chỉ chiếm khoảng 30%. Tôi nghĩ rất nhiều người rõ kịch bản hài sân khấu lẫn điện ảnh đang thiếu; nhiều danh hài nhưng vẫn thiếu... Bởi chúng ta đang trông cậy vào bản năng ngôi sao của nghệ sĩ hài là chính. Ngôi sao tự hài với mảng miếng từ bản thân họ nên cố gắng diễn và “nhây” ra kịch bản”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nam Thanh ([Tên nguồn])
Sao Việt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN