"12 năm nô lệ" - Hành trình tìm lại tự do từ giữa bùn lầy

Bộ phim đã khắc họa lại một chế độ đen tối nhất trong lịch sử nước Mỹ với những người da màu bị đối xử hà khắc, bất công.

Vào 11h sáng thứ 3 hàng tuần, sẽ có một bộ phim nằm trong danh sách 200 bộ phim hay nhất mọi thời đại được giới thiệu đến khán giả. Đây đều được xem là những siêu phẩm điện ảnh kinh điển của thế giới từ trước đến nay.

Năm 2013, đạo diễn da màu Steve Mcqueen đã làm một bộ phim về một người da đen với câu chuyện thật của mình, với trách nhiệm của mình đối với lịch sử. Câu chuyện tố cáo tội ác của những kẻ da trắng – những kẻ tự cho mình cái quyền chà đạp phẩm giá của sắc tộc khác.

"12 năm nô lệ" - Hành trình tìm lại tự do từ giữa bùn lầy - 1

Bộ phim đã gây chú ý trong mùa Oscar 2014

12 Years a Slave ra đời, tài năng của Steve Mcqueen không hề thua kém Steven Spielberg, khả năng diễn xuất của Chiwetel Ejiofor không kém cạnh Daniel Day-Lewis trong Lincoln, bộ phim đã thực sự kể được tội ác và biểu đạt được sự khốn cùng của người da đen, tại nơi mà dường như ai cũng nghĩ mình là người “tự do” nhất.

Như tiêu đề bộ phim đã cho ta biết câu chuyện nói về điều gì. Solomon Northup là một người da đen tự do sống tại New York với vợ và hai con, hạnh phúc và đầy đủ, có học và là nhạc công Violon. Cuộc đời là sự kì bí mà ta không thể nắm bắt trước được tương lại hay sự kiện gì sẽ xảy ra với ta vào ngày mai. Solomon nhận lời đi diễn cùng một đoàn xiếc ở Washington D.C. Anh không ngờ từ đây số phận của anh đã hoàn toàn thay đổi.

"12 năm nô lệ" - Hành trình tìm lại tự do từ giữa bùn lầy - 2

Solomon từng là một người đàn ông tự do

Thấy mình thức dậy bị xiếng xiếc và bắt buộc phải tự nhận mình là người khác với cái tên Patt có thân phận là một nô lệ chạy trốn khỏi Georgia. Solomon từ đó phải trải qua 12 năm làm nô lệ ở nhiều đồn điền, bị tra tấn, đánh đạp, hành hạ như súc vật.

Quá trình sinh tồn đó để tồn tại của Solomon nhằm mong chờ một tương lại ở đâu đó xa xôi sẽ đến giúp anh sống như anh vẫn luôn tâm niệm “I want to live” (tôi muốn sống chứ không phải chỉ đơn thuần là tồn tại) nhờ vào sự kì diệu của điện ảnh và sự tài tình của đạo diễn McQueen đã mang đến vẹn nguyên cho người xem một thời kì tăm tối và độc ác của con người.

Chế độ nô lệ biến người ta thành vật phẩm, con người mà cụ thể là người da đen trở thành một thứ bị sở hữu, khi họ bị sở hữu họ không có quyền gì ngay cả đối với thân thể và tinh thần, tự do của chính mình. Vắt kiệt sức cho chủ trên những cánh đồng, mua vui cho chủ bất kì khi nào họ muốn.

Người da trắng, họ luôn coi người da màu là hạ đẳng và sinh ra bị nguyền rủa phải trở thành nô lệ để phục dịch cho họ. Solomon Northup sau khi bất đắc dĩ trở thành một tên nô lệ da đen bị đem bán, anh đã qua tay nhiều đồn chủ khác nhau. Mà mỗi đồn chủ đó, ta thấy được bộ mặt điển hình của những kẻ chiếm hữu.

"12 năm nô lệ" - Hành trình tìm lại tự do từ giữa bùn lầy - 3

Mỗi một người chủ da trắng lại là một thái độ khác nhau với nô lệ da màu

Một ông chủ William Ford (Benedict Cumberbatch) yêu mến tài năng của Solomon, sẵn sàng che chở và bảo vệ. Tuy nhiên, trong tâm trí, Solomon vẫn chỉ là một tên da đen mạt hạng không thể so sánh với gã da trắng bất tài có nhiều hiềm khích với Solomon. Để tránh cho Solomon khỏi bị giết, anh được chuyển sang cho Edwin Epps (Michael Fassbender), một tên địa chủ có quan hệ bất chính với một nữ nô lệ Patsey (Lupita Nyong’o), nhưng sợ vợ, nghiện rượu và điên rồ… Mỗi nhân vật được điển hình hóa, đủ sâu để lột tả được một cách hoàn toàn từng tính cách biểu trưng cho xã hội.

Một thế giới tăm tối mở ra, những cá thể đại diện cho cả thế hệ đau buồn. Những người da trắng đi qua, tiếp xúc, sở hữu Solomon, những người da đen mà anh gặp, nói chuyện, cùng chia sẻ sự khốn cùng của mất tự do, đặc biệt là Patsey, một cô gái nô lệ thuộc sở hữu của Edwin Epps, được hắn có cảm tình đặc biệt nên bị vợ của Edwin căm ghét và tim đủ cách hành hạ cho dù Patsey luôn là người làm việc năng suất nhất trên cánh đồng trồng bông.

Sự nghiện rượu, sợ vợ, và đồng bóng của Edwin đã chỉ càng khiến cho Patsey thêm thảm hại trong cuộc sống. Sự tăm tối của cuộc đời những người nô lệ được lột tả tới tận cùng. Họ không tự do, không được sở hữu ngay cả thân thể mình. Đa phần sẽ mãi mãi làm nô lệ cho đến chết

"12 năm nô lệ" - Hành trình tìm lại tự do từ giữa bùn lầy - 4

Dàn diễn viên đầy triển vọng đã giúp cảm xúc bộ phim thăng hoa

Những người có thể được cứu như Solomon vô cùng hiếm hoi, 12 năm ở địa ngục đó, đã giúp Solomon viết nên được quyển hồi kí kinh điển mà đạo diễn Steve McQueen cùng nhà biên kịch John Ridley dựa vào đó để dựng nên bộ phim này.

Những cảnh quay của bộ phim thật đắt. Cận cảnh khuôn mặt không hiểu chuyện gì xảy ra với mình của Solomon khi bị bắt cóc. Hay khi Solomon bị treo cổ với chỉ những ngón chân chạm đất để giữ cho mình khỏi chết, nhưng xung quanh những người da đen dường như vô cảm, vẫn đi làm công việc của mình, không có sự phản kháng, chỉ có sự an phận, chấp nhận và coi sự hành hạ mình là điều bình thường.

Câu chuyện hay, đạo diễn giỏi, quay phim tuyệt vời. Nhưng không thể không kể đến sự xuất sắc của dàn diễn viên, mà đáng kể nhất là Chiwetel Ejiofor trong vai Solomon, Lupita Nyong’o trong vai Patsey và Michael Fassbender với vai Edwin Epps, họ không chỉ làm tròn vai, mà còn lột tả một cách tinh tế và sâu sắc, ấn tượng và đầy xúc cảm về những nhân vật của mình. Những đề cử Oscar xứng đáng.

"12 năm nô lệ" - Hành trình tìm lại tự do từ giữa bùn lầy - 5

Nữ diễn viên Lupita đã nhận được 1 giải Oscar với bộ phim này

Đặc biệt là nhân tố mới Lupita, sự xuất thần của cô trong vai diễn đã gây ra những hiệu ứng vô cùng tích cực cho một nữ minh tinh mới, một nữ diễn viên da màu có tương lại hứa hẹn trong sự nghiệp diễn xuất của mình, cũng như mang đến cho người hâm mộ những hy vọng cho những vai diễn khác.

Tất cả những yếu tố đó đã dung hợp vào nhau tạo nên một bộ phim vô cùng sâu sắc, chạm đến tận cùng cảm xúc của người xem, đưa ra được không phải thông điệp mà câu chuyện kể thực về một thời kì đau buồn của người da đen, thời kì tăm tối của người da trắng. Và dù cho bây giờ là thế kỉ 21 nhưng sự phân biệt sắc tộc vẫn diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, bộ phim theo đó cũng có ý nghĩa lớn lao trong việc tạo nên một hiệu ứng tích cực để người ta tự nhìn lại mình, nhìn lại sự bình đẳng của mỗi người trong xã hội.

Trailer của bộ phim

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuấn Lalarme ([Tên nguồn])
200 bộ phim hay nhất mọi thời đại Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN