Bị sốc trên đường du lịch

Sự khác biệt văn hoá vùng miền, lục địa cho du khách những góc cảm nhận khác nhau ở quốc gia sẽ đến. Có những đặc thù riêng của từng quốc gia khiến du khách chưa chấp nhận khi bước đến lần đầu tiên và người ta cứ gọi là “sốc văn hoá”.

Sốc bởi những “show sex”

Tôi không định nghĩa được “văn hoá” là gì. Theo tôi, nó là phạm trù rất rộng bao gồm: cách sinh hoạt trong cuộc sống người bản địa, những ngành nghề truyền thống, những kiến trúc đặc trưng của các công trình hay các dãy phố, những món ăn hoặc thức uống cổ truyền…

Tôi nhớ mãi nụ cười “thầm kín” của các chị trong văn phòng sau chuyến đi du lịch Thái Lan. Họ to nhỏ với nhau rồi phá cười. Những chị đứng tuổi thì buông câu phán xét: “Sốc quá! một quốc gia kỳ cục, cái chuyện thầm kín mà cũng đưa lên sân khấu trước hàng trăm cặp mắt của khán giả”.

Rồi tôi lại gặp nhóm người Việt du lịch ở khu “Đèn đỏ” của Amsterdam. Ông bà cụ đã đứng tuổi đang la rầy những đứa con trai của mình khi muốn vào xem show diễn: “Những cái thứ đó làm hư hại cuộc đời tụi bây!” Trên tay các anh ấy đã đeo nhẫn nghĩa là đã có gia đình. Gương mặt của các anh ấy tiu nghỉu! Show diễn kết thúc, các anh, chị khác quay ra với gương mặt “mắc cỡ và e thẹn” giống như mình vừa làm một điều tội lỗi gì đó. Bất chợt ai đó thốt lên: “Ghê quá, sốc quá!”

Bị sốc trên đường du lịch - 1

Nhà thờ Notre Dame ở Paris. Cũng không ít du khách bị “bội thực” về việc “được” đi xem nhiều các kiến trúc cổ khi đến châu Âu

Có lẽ, văn hoá phương Đông đã đi sâu vào tiềm thức của du khách nên họ chưa chấp nhận những khác biệt về văn hoá mà những điều đó gây sốc nặng cho họ. Đối với phương Tây, đó là chuyện thường tình bởi đơn giản nó là nhu cầu cơ bản của con người.

Sốc vì giao thông, tiền boa và càphê

Rồi du khách Việt đến Mỹ cũng bị “sốc” trong ăn uống bởi các hoá đơn luôn được tính thêm 20% phí phục vụ. Nếu quy đổi ra tiền Việt, con số 20% không phải là nhỏ. Văn hoá người Mỹ là boa từ 10 – 20% trên tổng số tiền thể hiện trên hoá đơn sau khi ăn. Thời gian trước đây, họ không đưa 20% phí phục vụ hoá đơn, nhưng du khách Việt Nam không để lại tiền boa một xu nào. Những khuôn mặt buồn bã của các nhân viên phục vụ thường thấy sau khi phục vụ người Việt. Họ muốn du khách Việt Nam chấp nhận văn hoá ẩm thực của người Mỹ bằng cách cộng thẳng 20% vào hoá đơn.

Những người bạn Tây thường than phiền với tôi khi đến Việt Nam: họ bị sốc vì họ sợ chết! Họ thả bộ trên đường dành cho người đi bộ, nhưng rồi những chiếc xe gắn máy cứ lao lên nhắm thẳng vào họ. Họ ngạc nhiên lắm khi đèn vàng người ta vẫn cứ đua ào ào, thậm chí đèn đã đỏ người ta vẫn vượt…

Tôi dụ anh bạn Bob – người Mỹ – uống ly càphê đen tại Hà Nội. Anh bị sốc toàn tập bởi ly càphê chết tiệt: chóng mặt và nhịp tim đập loạn xạ. Người Mỹ hay phương Tây uống càphê rất nhạt và tôi phải chấp nhận khi đến đó. Tôi chỉ mỉm cười và nói với Bob: “Hãy chấp nhận điều đó và xem như văn hoá đặc thù của người Việt”.

Để gọi là “sốc” khi đi du lịch thì thật lắm thứ phải kể như thời tiết, trang phục, ẩm thực, nữ trang, cách thức dịch chuyển…

Với tôi, du khách nên chấp nhận những khác biệt văn hoá ở quốc gia sắp đến và xem đó là những trải nghiệm thú vị trong chuyến đi. Ngay cả trong Việt Nam, văn hoá vùng miền cũng có sự khác biệt. Các cụ có câu: “Nhập gia tuỳ tục”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Chí Linh (Sài Gòn tiếp thị)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN