Tranh cãi không dứt về ngày giỗ tổ sân khấu
Có rất nhiều truyền thuyết và giai thoại về tổ nghề sân khấu. Mỗi truyền thuyết là một câu chuyện khác nhau.
Hàng năm, cứ đến ngày 12.8 âm lịch, giới làm nghệ thuật nói chung và giới nghệ sĩ nói riêng có nhiều hoạt động mang tính tâm linh để tưởng nhớ những bậc tiền bối trong nghề mà họ gọi chung là “Tổ nghiệp”.
Giới nghệ sĩ đặt niềm tin mãnh liệt vào những vị tổ mà họ đang tôn thờ luôn phù trợ họ trên suốt chặng đường theo đuổi nghệ thuật. Tuy nhiên điều này cũng đã gây tranh cãi trong suốt thời gian qua.
Có rất nhiều truyền thuyết và giai thoại về tổ nghề sân khấu. Mỗi truyền thuyết là một câu chuyện khác nhau. Truyền thuyết phổ biến nhất là câu chuyện về hai vị hoàng tử mê hát được truyền miệng trong giới nghệ sĩ và trong dân gian.
Chuyện kể rằng, có một vị vua nọ, hiếm muộn về đường con cái, nhưng trời đất đã thương tình ban ơn cho ông hai vị hoàng tử tuấn tú khôi ngô. Tuy nhiên hai vị hoàng tử này lại không màng đến việc triều chính, họ chỉ suốt ngày đam mê coi ca hát. Trong một lần trốn vua cha đi xem hát, hai vị hoàng tử đã chết vào ngày 12.8 âm lịch. Sau khi chết linh hồn của hai hoàng tử luôn ở lại sân khấu và độ trì cho các nghệ sĩ trong suốt nghiệp cầm ca.
Từ đó giới nghệ sĩ mượn hai vị hoàng tử này làm thần hộ trì cho nghề hát và ngày mất của hai vị trở thành ngày giỗ tổ nghề. Tuy nhiên truyền thuyết này vẫn còn nhiều tranh cãi và cách hiểu khác nhau trong giới làm nghệ thuật.
Nghệ sĩ Hoài Linh cùng đội lễ tân trong trang phục áo dài truyền thống nhân ngày giỗ tổ
Một truyền thuyết khác cho rằng, tổ của nghề sân khấu là một người ăn mày, trong khi đó có truyền thuyết lại kể tổ của nghề là một đứa trẻ con… Mỗi truyền thuyết đều mang tính chất ước lệ, có chi tiết hợp lý, nhưng cũng có chi tiết hoang đường.
Tuy nhiên, đối với giới nghệ sĩ, điều đó không quan trọng, mỗi người đều tôn thờ tổ nghiệp theo cách của riêng mình. Điểm chung nhất của họ là tin tưởng tuyệt đối vào “Tổ nghiệp”. Cứ mỗi lần lên sân khấu thì các nghệ sĩ đều đến bàn thờ tổ trong hậu trường thắp hương khấn vái mong tổ phù hộ.
Nghệ sĩ Hoài Linh là một trong những người tin tưởng vào tổ nghiệp nhất. Anh cũng đã dành cả tâm huyết của mình để xây một khu đền thờ với kinh phí đến 100 tỉ đồng để thờ tam vị thánh tổ của nghề đồng thời cũng thờ rất nhiều nghệ sĩ có tên tuổi đã khuất.
Ngày giỗ tổ sân khấu ban đầu chỉ giới hạn trong giới cải lương, hát bội, tuồng, chèo. Nhưng trong khoảng 10 năm trở lại đây, ngày giỗ tổ bắt đầu được đông đảo giới nghệ sĩ và những ngành nghề có liên quan đến nghệ thuật như phim ảnh, ca nhạc, kịch chọn làm ngày giỗ tổ.
Năm 2011, theo đề nghị của Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký và ban hành quyết định số 13/QĐ-TTg lấy ngày 12.8 âm lịch làm ngày “Sân khấu Việt Nam”. Kinh phí để tổ chức ngày "Sân khấu Việt Nam" cũng được trích từ ngân sách nhà nước. Từ đó đến nay, ngày giỗ tổ sân khấu được tổ chức rầm rộ hơn trên mọi miền đất nước, đặc biệt là tại khu vực TP.HCM.
Bàn thờ "Tam vị Thánh tổ" trong khu đền thờ của nghệ sĩ Hoài Linh
Gần đây, trên các diễn đàn mạng bắt đầu có những cuộc tranh cãi về tổ nghề và ngày giỗ tổ. Nhiều ý kiến đặt câu hỏi: Giới nghệ sĩ đang giỗ ai và ngày 12.8 âm lịch có phải đúng là ngày giỗ tổ sân khấu Việt Nam không?.
Một trong những ý kiến được tranh cãi nhiều nhất là của nhà báo N.H.S. Trong một trạng thái trên trang Facebook cá nhân, N.H.S viết có đoạn như sau: “Nghệ sĩ Việt đang ăn giỗ ai? Ngày xưa, theo truyền thống, cứ đến ngày 11 và 12.8 âm lịch, giới cải lương tổ chức off đoàn để ăn đám giỗ tổ nghề. Cái ngày giỗ ấy được copy từ ngày giỗ tổ Hồ Quảng. Ngày giỗ tổ Hồ Quảng là ngày giỗ chung của 4 nghề: ca kỹ, cướp, trộm và ăn mày (Thiên Địa Hội). Ông tổ này là Bạch Mi Thần. Vì cải lương là một phần giao thoa giữa ca cổ với ca kịch, giống với Hồ Quảng nên dân cải lương ngày xưa lấy luôn ông Bạch Mi Thần làm tổ nghiệp. Ông tổ thật sự của cải lương Việt chính là nhạc sĩ Cao Văn Lầu, giỗ ngày 13.8 dương lịch, tức 18.7 âm lịch.
Bà tổ chính thống của hát chèo Việt là Huyền Nữ Phạm Thị Trân. Ngày giỗ bà là 18.2 âm lịch. Ngoài ra, còn 1 ông tổ hát tuồng của dân Việt cần được tưởng nhớ. Đó là Hiệp Biện Đại Học Sĩ Đào Tấn. Ngày giỗ của ông tổ này rơi vào ngày 15.7 âm lịch… Ngày xưa, do nhiều lý do khách quan, dân cải lương bị ngộ nhận về ông tổ nghề. Ngày nay, học giả sân khấu đông như kiến cỏ, hà cớ gì lại chọn cái ngày thờ ông tổ Trung Hoa làm ngày tôn vinh nghệ thuật sân khấu Việt?”.
Lập tức ý kiến của N.H.S bị phản ứng dữ dội từ giới nghệ sĩ Việt cùng các nhà báo chuyên viết về sân khấu, và cả những những khán giả yêu sân khấu cũng tỏ ra khá bất bình. Phản đối lại ý kiến này là nhà báo H.H.B, người có nhiều năm theo sát với sân khấu đã viết: “Tục lệ giỗ tổ của giới sân khấu xuất phát đầu tiên từ những gánh hát bội sơ khai hát rong trong dân gian, và chỉ xuất hiện hơn trăm năm nay.
Lưu ý, hát bội thì rất khác với cải lương lẫn cải lương Hồ Quảng vì hai loại hình này xuất hiện sau hát bội. Lưu ý tiếp, mặc dù hát tuồng ở miền Bắc, miền Trung có từ thời Lý, Trần, sau này đến thời Nguyễn vào miền Nam thành hát bội tính ra cũng vài trăm năm nhưng nó chỉ dành cho vua quan, nhà giàu nên không có giỗ tổ. Nhắc lại, giỗ tổ sân khấu chỉ có cách đây hơn trăm năm khi xuất hiện những gánh hát bội sơ khai hát rong trong dân gian ở các đình chùa miếu mạo, đất chợ...
Tổ sân khấu được thờ gồm những ai. Xin thưa, các vị tổ này không mắc mớ gì đến những người đầu tiên làm nghề hát ở Việt Nam một cách cụ thể như tuồng, chèo, hát bội gì đó dù các vị này cũng được thờ chung cả trên bàn thờ tổ của nghệ sĩ. Nó càng không mắc mớ gì đến tổ Hồ Quảng… Thờ tổ sân khấu chính quy từ hát bội còn truyền lại như vầy: Trên cao đặt ngai Ông ở phía trái, ngai Bà ở phía phải. Dưới một bậc là bài vị tiên sư, Hội đồng lưỡng ban, Thập nhị công nghệ, Tiền hiền, Hậu hiền...
Phía dưới nữa, bên trái thờ Bạch hổ (đầu cọp, biểu tượng tổ vai võ), bên phải thờ Linh Quan Thổ Địa (mặt ông Địa, biểu tượng tổ vai hề), phía dưới cùng là bàn thờ ông Ngỗ nghịch (vì thần yểm trị sự phá phách, gây rối nội bộ). Bên ngoài cửa rạp, dưới gốc cây to, hay hơi xa các bàn thờ kia là bàn thờ ông bà chủ quán, biểu tượng người ơn của bạn hát nghèo. Tức là bàn thờ tổ sân khấu thờ rất nhiều vị, kể cả những vị khai quốc công thần, khai thôn lập ấp và những nghệ sĩ tiền nhân nhiều đời”.
Lễ vật của các nghệ sĩ dâng lên tổ nghiệp trong ngày giỗ
Diễn viên Lê Tuấn Anh, chồng của NSND Hồng Vân, cũng tỏ ra rất bức xúc trước những nhận định của một số người về tổ nghành sân khấu. Tuy đã xa nghệ thuật đến gần 20 năm nhưng anh cũng đã quyết định lên tiếng.
Nghệ sĩ Lê Tuấn Anh nói: “Mấy hôm nay trên mạng Facebook có cuộc tranh luận về ông tổ và ngày giỗ tổ nghiệp của những người làm nghệ thuật. Có thể một số người họ nói không sai, nhưng có lẽ chưa hoàn toàn đúng với thực tế. Có vài dòng chia sẻ, lời bình luận dùng lời lẽ khá nặng nề để chỉ trích, miệt thị tổ nghiệp, đồng nghĩa việc xem thường anh chị em nghệ sĩ”.
Giải thích cho việc mình là một diễn viên điện ảnh nhưng vẫn tôn thờ tổ nghiệp nghề sân khấu, nghệ sĩ Lê Tuấn Anh lý giải: "Mình trong ngành điện ảnh, nhưng mình không thờ ông Tây Lumiere. Mình tin vào ông tổ nghề đậm nét Việt theo các bậc cha chú, đàn anh đi trước. Phim ảnh của VN trước đây và hiện nay vẫn luôn cộng tác với đông đảo những nghệ sĩ sân khấu, nên việc truyền niềm tin tốt đẹp hướng đến tổ nghiệp cho nhau có lẽ cũng không khó giải thích”.
Nghệ sĩ Lê Tuấn Anh kể lại: “Mình trước đây ăn cơm điện ảnh, rồi cũng ham vui tham gia kịch nghệ, góp mặt vào những chương trình giao lưu văn nghệ khắp mọi miền đất nước. Lúc mới vào nghề, thấy nhiều bậc cha chú, đàn anh đi trước luôn có niềm tin vào tổ nghiệp. Hằng năm, ngày giỗ tổ như ngày hội thực sự của những người làm nghệ thuật, đặc biệt là những người tham gia biểu diễn. Họ thành tâm dâng hương hoa, lễ vật... cầu mong tổ nghiệp luôn phù trợ cho mình, cầu xin cái "duyên", "sáng" khi đứng trên sân khấu, trong phòng thu âm, trước ống kính máy quay... cầu xin ơn tổ để khán giả luôn quan tâm, yêu thương mình, kể cả xin thật nhiều sức khoẻ để gắn bó lâu dài với nghề...
Vào những ngày này, giới nghệ sĩ gần như tự hiểu, tự nhớ để nhanh đến những nơi tổ chức lễ giỗ mà biểu đạt lòng tôn kính... Nó hoàn toàn không giống như mấy lễ hội phong trào, cổ súy tích cực để buộc tưởng nhớ, suy tôn. Và cũng không chỉ có ở những ngày này, mà mình thấy hầu như các sân khấu, các đoàn văn nghệ thuộc miền Trung, Nam đều có bàn thờ tổ. Nghệ sĩ khi đến là thường thắp nhang khấn vái chào tổ rồi mới vô hoá trang, trước khi ra sân khấu lại đứng vái lần nữa để xin mọi sự suôn sẻ xin mình sẽ ra biểu diễn tốt. Ngoài yếu tố tâm linh, đó còn là sự biểu thị lòng tôn trọng khán giả của người nghệ sĩ.
Và niềm tin ấy của các bậc đàn anh đã truyền lại cho những người như mình, dù lúc khá ấy mù mờ về tổ, tương truyền là hai vị hoàng tử đam mê ca kỷ, cũng nghe đến ông thần xa xôi nào đó, rồi lại nghe là người ăn mày... Nhưng hiểu rõ nét nhất là vinh danh những người nghệ sĩ lỗi lạc tiền bối, có nhiều cống hiến cho nghệ thuật, đặt những viên gạch đầu tiên cho con đường nghệ thuật khai thông và lưu truyền mãi mãi. Và dù thuở xa xưa tổ có là ăn mày hay là gì đi chăng nữa, họ vẫn có công và xứng đáng để tôn kính”.
Diễn viên Lê Tuấn Anh cũng tỏ ra rất tin tưởng vào tổ nghiệp, anh chia sẻ niềm tin của mình: “Tin vào tổ, kính trọng tổ... gần như là đạo của nhiều người làm nghệ thuật, của giới nghệ sĩ. Niềm tin đó đồng nghĩa với việc họ luôn phải trui rèn nghề nghiệp, cố gắng phấn đấu để khán giả công nhận và yêu thương.
Những ngày giỗ tổ sân khấu tưng bừng như ngày hội để đồng nghiệp gặp gỡ vui vẻ bên nhau, không có sự phân biệt đẳng cấp, mọi người đều bình đẳng trước bàn thờ tổ, dù anh là một ngôi sao sáng chói hay chỉ là một nhân viên hậu đài kéo rèm. Và mọi sân si, đố kỵ, hiềm khích trước đó cũng có thể hoá giải, lượng thứ cho nhau trong ngày giỗ tổ.
Vậy đó, nếu lạm bàn về nguồn gốc, chính danh hay không của ông tổ nghề sân khấu thì có khác nào hoài nghi về ông Phật, vị Chúa... dù có Việt hoá thành ông Bụt, mẹ Quan Âm... thì các Ngài cũng có xuất xứ từ những nơi xa xôi đến để giúp con người ta hướng thiện, hiểu điều hay lẽ phải, siêng lành tránh dữ, tu tâm tích đức...”.
Lê Tuấn Anh còn nhắn gởi lời tâm huyết của mình tới NSƯT Hoài Linh: “Dù anh chưa đến được nơi em đã phải lao tâm khổ tứ, chắt bóp biết bao nhiêu năm tháng để miệt mài xây dựng nhưng anh nghe nhiều anh em bè bạn trầm trồ khen ngợi sau khi đến phụng cúng tổ nghiệp tại công trình uy nghi, tráng lệ mà em tâm nguyện phải thực hiện cho bằng được dù có phải mất hết cuộc đời mình như là cách trả ơn Tổ, tri ân khán giả, chia sẻ cùng đồng nghiệp thêm một điểm tâm linh để có thể đến cầu xin hoặc bày tỏ lòng biết ơn đối với tiền nhân. Qua mạng internet, nhìn hình ảnh em hoan hỉ với nụ cười hạnh phúc, anh và rất nhiều người vui theo. Vẫn còn vài hạng mục phải làm, em phải giữ gìn sức khoẻ để hoàn thành tâm nguyện, trông em ngày càng giống xác ve, kiệt sức đó em à.
Chúc mừng Hoài Linh cùng với lòng ngưỡng mộ, em đã không xây cung điện hồ bơi nguy nga, không sắm siêu xe để hưởng thụ, để chứng minh đẳng cấp. Em gặm khúc bánh mì khô khốc, nằm co ro ngủ bụi bờ trên mặt bàn, vạt chiếu, hết sức dung dị ở đời thường, luôn toả sáng khi nhập vai... bào kiệt sức mình để gom góp xây dựng ngôi nhà chung cho tất cả mọi người, cho những ai thành tâm muốn đến. Đó chính là đẳng cấp em à, đời này nói thì dễ, nhưng từ lời nói đến việc thực hiện là khoảng cách vợi vời. Một lần nữa, xin nhận từ anh lòng ngưỡng mộ và kính trọng”.
Thờ tổ nghề được coi là một truyền thống tốt đẹp có từ lâu đời của dân tộc Việt Nam, điều đó thể hiện sự biết ơn của các thế hệ kế cận nhớ đến công lao của những bậc tiền bối hữu công, những vị sáng lập, mở mang tri thức ngành nghề các đời sau. Riêng với giới nghệ sĩ Việt Nam, việc chọn tổ nghiệp để tôn thờ và chọn ngày để tỏ lòng biết ơn tổ nghiệp vẫn còn đang có rất nhiều tranh cãi và những quan điểm chưa thật sự thống nhất. Xem chừng việc tranh cãi này sẽ còn kéo dài trong nhiều năm sau nữa. Mặc khác những hoạt động tâm linh xuất phát từ truyền thuyết luôn là vấn đề nhạy cảm đối với cách nghĩ cách của từng người. Trong khi đó, bản thân các truyền thuyết về tổ nghề sân khấu luôn có những di bản bởi được truyền miệng từ người này sang người khác.
Được biết đến nay, ngoài quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận ngày “Sân khấu Việt Nam” là 12.8 âm lịch hàng năm, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam vẫn chưa có những cuộc hội thảo lớn, những công trình khoa học nghiên cứu chuyên sâu về tổ nghề của ngành mình. Để từ cơ sở đó, giới nghệ sĩ căn cứ tổ chức các hoạt động giỗ tổ một cách thống nhất, tránh diễn ra những cuộc tranh cãi không đáng có, làm tổn hại đến tâm tư tình cảm của người nghệ sĩ và làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng của nghề vốn có truyền thống rất lâu đời tại Việt Nam.