Quang Tèo: Người ta nói tôi "cười như đười ươi"

Nụ cười đặc trưng là một trong những yếu tố làm nên thành công của Quang Tèo. Chỉ tính riêng dịp gần Tết, anh tham gia tới 6 phim hài trong các vai nam chính.

Gặp nghệ sĩ Quang Tèo trong một chiều cuối năm 2017, anh không giấu chuyện thời điểm này rất bận rộn vì phải đi diễn nhiều. Dịp gần Tết, anh tham gia tới 6 phim hài, đều là vai chính.

- Một số thông tin nói Quang Tèo hiện soán ngôi “ông hoàng phim hài Tết”. Anh nói gì về thông tin này?

- Vấn đề này khi được hỏi, tôi mới biết khán giả gọi như thế. Nếu hỏi “có áy náy” không thì xin khẳng định là không. Tôi lấy làm tự hào và hạnh phúc vì được các đạo diễn mời và được khán giả yêu mến. Các bầu show thấy mình diễn hiệu quả mới mời. Như câu hát quan họ “Còn duyên kẻ đón người đưa. Hết duyên đi sớm về trưa mặc lòng”. Tôi nghĩ lúc này mình còn duyên, được khán giả yêu quý hâm mộ, tôi mong muốn đem hết khả năng của mình để phục vụ khán giả trong, ngoài nước.

Quang Tèo: Người ta nói tôi "cười như đười ươi" - 1

Nghệ sĩ hài Quang Tèo trong một tiểu phẩm hài

- Tham gia nhiều phim hài tới mức khán giả gọi anh là “nhẵn mặt trong mùa Tết”, anh có sợ các vai diễn của mình “một màu”?

- Tôi chỉ muốn nói một điều, bất cứ người nghệ sĩ nào cũng nhớ bài học đầu tiên thày dạy, khi bắt tay vào một vai diễn luôn phải tâm niệm trong đầu câu nói “tôi là ai, tôi ra đây để làm gì”. Điều đó để tự mình hiểu được khi đã bước vào vai diễn cần nhớ “tôi không còn là tôi nữa, tôi đã trở thành nhân vật”. Các nhân vật có tính khác nhau, không thể vai nào cũng giống nhau được. Vì vậy tôi tự tin không bị vai diễn trùng lặp lên nhau.

- Những vai diễn trên phim có gì giống và khác với bản thân anh ngoài đời?

- Thường những người ở ngoài có gương mặt trông “hơi đểu” sẽ được giao vai có tính như thế, để diễn cho ra “chất đểu”. Gương mặt tôi mộc mạc, thường đóng vai nông dân. Các nhân vật của tôi chủ yếu có tính chân quê, gần gũi với người nông dân. Thỉnh thoảng có chi tiết “dê gái”, lườm quýt chọc ghẹo con gái hay tán tỉnh, chỉ là kỹ thuật biểu diễn để khắc họa cho vai diễn. Ngoài đời như khán giả cũng biết, tôi là một trong những nghệ sĩ nói không với scandal. Cuộc sống tôi ít xáo trộn, thích sống đời bình thường.

- Theo anh cảm nhận, nét riêng khi diễn hài của anh là gì?

- Khán giả ai xem cũng đều ấn tượng với nụ cười của tôi. Kỷ niệm làm tôi nhớ mãi khi tôi diễn vở Lời thề thứ 9 rất thành công. Tới 10 năm sau, tôi diễn lại vở này, vẫn có khán giả nam công tác trong quân đội nói đã ấn tượng với nụ cười của tôi từ 10 năm trước. Anh lên tận nơi, uống với tôi một chén và tấm tắc khen tôi có nụ cười “không từ nào diễn tả hết”. Anh còn nói đùa, gọi đó là "cười như đười ươi". Anh cũng bảo ấn tượng ở tôi cách diễn chân chất, rất thật, đậm chất thôn quê.

Với tôi, tham gia một vai diễn, nói là diễn chứ thực ra là sống với nhân vật. Phải có cảm xúc ở bên trong mới thể hiện ra được bằng cử chỉ bên ngoài, từ nét mặt, ánh mắt đến điệu bộ. Thời điểm tôi vẫn còn công tác tại Nhà hát Kịch Quân đội, mỗi lần được giao vai nào, tôi đều ý thức tập rất kỹ. Ví như một câu thoại “Anh cút đi” để biểu thị người ta phản bội quá mức, khi diễn không phải cứ lên gân quát tháo hoặc khóc lóc mới hay. Có khi chỉ cần nhìn chằm chằm vào mặt đối phương, nuốt hận và nói thẳng thừng “Anh cút đi” là đủ khiến người nghe thấy sởn gai ốc.

Quang Tèo: Người ta nói tôi "cười như đười ươi" - 2

Quang Tèo và Giang Còi là cặp bài trùng từ Gặp nhau cuối tuần

- Tính tới nay anh có bao nhiêu năm trong nghề?

- Tôi bước vào nghề một cách tình cờ khi có 2 người bạn thi tuyển vào Nhà hát Chèo Trung Ương rủ cùng thi. Khi đó cô nghệ sĩ ưu tú Diễm Lộc chuyên đóng vai Xúy Vân giả dại là một trong những giám khảo. Lúc đầu tôi e ngại nhưng sau được bạn động viên. Sau đó cô Diễm Lộc nhận ngay tôi vì thích giọng hát của tôi. Học được một năm, tôi có giấy báo đi bộ đội, đành bỏ dở không theo Nhà hát Chèo. Năm 1982, Nhà hát Kịch Quân đội tuyển và tôi chính thức vào học từ năm 1983. Thời đó học vất vả lắm, nhưng rất kỹ. Học mất 3 năm sơ cấp, xong 2 năm lên trung cấp, 2 năm tiếp lên cao đẳng, mất thêm 2 năm học đại học, tổng cộng 9 năm theo học. Dù không có điều kiện, phải học lâu, học dài nhưng chính điều đó đã thấm vào máu mình.

- Là một người anh trong nghề, anh có lời khuyên gì với các bạn trẻ ngày nay theo học nghiệp diễn xuất?

- Các bạn trẻ bây giờ có nhiều điều kiện hơn chúng tôi ngày xưa. Thời đó chúng tôi vất vả, cơm với thức ăn gần như không có. Tốt lắm mới có tí rau muống, ít cá mắm. Nhưng đó là tình hình chung của cả xã hội ngày đó, ai cũng khó khăn cả. Có những buổi các bạn gốc Hà Nội về thăm nhà nên để lại phần cơm. Bọn tôi mấy anh em thi nhau xem ai ăn khỏe nhất. Ngày xưa thường ăn bát sắt (bát tô ngày nay). Tôi ăn liền 12 bát, tương đương với 5 suất cơm. Điều đó để nói, ngày đó rất thiếu thốn, để vực lên được như ngày hôm nay là cả một hành trình trăn trở, gắn bó và yêu nghề. Các bạn trẻ ngày nay có nhiều điều thuận lợi từ đời sống kinh tế, phương tiện truyền thông... Chỉ mong các bạn hãy cố gắng yêu nghề nhiều hơn, trăn trở với nó nhiều hơn.

- Cuộc sống của anh có gì thay đổi sau khi nghỉ hưu?

- Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ Nhà hát Kịch Quân đội giao trong 34 năm qua. Có thể nói một người nghệ sĩ trong quân đội vất vả gấp 10 lần nghệ sĩ bình thường. Cho đến ngày hôm nay, không còn mảnh đất nào trên đất nước Việt Nam tôi chưa đặt chân đến. Tôi nhớ kỷ niệm khi đi diễn ngoài đảo Trường Sa. Lúc đó tôi bị say sóng, 13 ngày lênh đênh ngoài biển mới tới được với các chiến sĩ, đem niềm vui tiếng hát tới phục vụ anh em trên đảo.

Quang Tèo: Người ta nói tôi "cười như đười ươi" - 3

Cuối năm 2017, nghệ sĩ Quang Tèo nghỉ hưu tại Nhà hát Kịch Quân đội

- Từ thời Gặp nhau cuối tuần, anh nhận thấy thay đổi lớn nhất của anh là gì?

- Truyền hình có nhiều cái lợi, tiếp cận từng gia đình, đi vào từng căn phòng nên rất gần gũi với người dân. Trước đây, tôi cũng thành công trên sân khấu của quân đội nhưng lượng khán giả khi đó cũng ít, lại xa. Cái tên Quang Tèo có từ ngày tôi bắt đầu vào học diễn xuất. Tôi đảm nhận nhân vật Tèo bị khèo chân tay. Đó là vai diễn rất thành công, từ đó anh em gọi bằng biệt danh này đến giờ. Tuy nhiên cái tên đó chỉ thực sự được khán giả nhớ đến sau chương trình Gặp nhau cuối tuần.

Công của đạo diễn - NSND Khải Hưng đã tạo nên một cặp bài trùng Quang Tèo - Giang Còi trở thành hình ảnh người nông dân ở vùng nông thôn Bắc bộ. Từ đó, tên tuổi của cả hai mới phất lên, kéo theo cuộc sống cũng "dễ thở" hơn. Cũng phải nói thêm một điều, việc sắp xếp thời gian để vừa đảm bảo lịch diễn tại nhà hát, vừa có thể ra ngoài phát triển tên tuổi cũng là sự linh hoạt của bản thân mình. Có thể nói tất cả các diễn viên tham gia Gặp nhau cuối tuần đều có được cuộc sống "dễ thở" hơn so với nhiều nghệ sĩ khác.

Chiến Thắng: “Cát-xê nộp đủ cho vợ, ra đường chỉ cầm một triệu đồng”

Nam diễn viên hài tiết lộ có những ngày anh chạy 3-4 show, tiền kiếm được bao nhiêu đều đưa vợ. Anh cũng vừa sửa lại...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo An An ([Tên nguồn])
Hài Quang Tèo Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN