DANH MỤC

Vắng khách, các đoàn lô tô vẫn cố gắng duy trì ánh đèn sân khấu, vì theo họ “trót ăn cơm lô tô thì không tài nào dứt được...”.

Phận đời lô tô: "Bướm đêm" hết thời, vé 10 nghìn đồng rao khan cổ không ai mua - 3

“Con số gì ra, cờ ra con mấy...” là câu hát quen thuộc của các đoàn lô tô ở vùng quê miền Tây Nam Bộ. Nghệ thuật giải trí này bắt đầu thịnh hành tại Việt Nam vào thập niên 80 của thế kỷ trước và được xem là bình dân, gần gũi nhất với nhiều thế hệ.

Vào các dịp hè, nhất là lễ, Tết Nguyên đán, lô tô được rất nhiều người dân ưa chuộng bởi những yếu tố may rủi và sự vui nhộn, đa dạng qua cách hát gọi số. Đa phần hoạt động chủ yếu trong các đoàn hát lô tô là những “bóng hồng” chuyển giới hoặc thích diễn giả gái. Họ gặp nhau, cùng lập đoàn lô tô và rong ruổi khắp các tỉnh thành, đến đâu họ gấp rút tìm đất trống để dựng sân khấu tạm, rồi mỗi tối mang lời ca tiếng hát phục vụ người dân. Không chỉ kiếm tiền trang trải cuộc sống, các cô đào ở gánh hát lô tô còn xem sân khấu là nhà, là nơi để họ được “tỏa sáng” nhất.

Mang niềm vui, tiếng cười đến mọi người song các “bóng hồng” mang kiếp “hồn bướm thân sâu” phải đối diện với định kiến của xã hội về giới tính, vì nhiều người vẫn chưa có cái nhìn cởi mở hơn với cộng đồng LGBT (người đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính và chuyển giới).

Không ít cô đào tâm sự, họ bị chính người thân là bố mẹ, họ hàng... quay lưng. Họ nhận xét tiêu cực rằng đó là “thứ bệnh hoạn, đồ bê đê, biến thái”.

Phận đời lô tô: "Bướm đêm" hết thời, vé 10 nghìn đồng rao khan cổ không ai mua - 4

Cẩm Lệ, chủ một đoàn lô tô ở tỉnh Trà Vinh tâm sự, từ khi sinh ra dù mang hình hài con trai nhưng tính cách của “cô” lại nhẹ nhàng như con gái và có sở thích không “men” tí nào là diện váy của chị gái. Vì là con út nên “cô” được bố mẹ cưng chiều, yêu thương. Học hết lớp 12, Cẩm Lệ lấy hết can đảm để nói với bố mẹ rằng mình là người đồng tính. Bố mẹ cô “sốc” và tìm mọi cách để “chữa bệnh” cho con.

“Tôi phải bỏ nhà đi vì không chịu nổi áp lực của gia đình. Bố mẹ đánh đập, nhốt tôi vào phòng vì nghĩ làm vậy tôi sẽ hết bị “bê đê”. Tôi không trách bố mẹ vì đấng sinh thành luôn muốn tốt cho con cái và họ cũng đối diện trước sự dè bỉu của bạn bè, hàng xóm. Tôi chọn cách xa gia đình để được giải thoát và sống một cuộc sống không trốn tránh, không sợ sệt. Tôi gia nhập một gánh hát lô tô để mưu sinh. Tôi vui vì được sống thật với chính mình khi đội tóc giả, mặc áo con gái và mang niềm vui đến cho mọi người”, Cẩm Lệ tâm sự.

Minh Anh, một thành viên của đoàn lô tô ở Vĩnh Long kể, những người chuyển giới, đồng tính... hát lô tô thường không được khán giả coi trọng. Thậm chí nhiều phụ huynh không cho con cái của họ xem hát lô tô vì sợ bị “lây bệnh bê đê”. Một số khác lại cho rằng, lô tô là “dân lừa đảo, lười biếng, là những con người dị hợm chỉ biết giả gái để kiếm sống”.

“Sau mỗi buổi diễn vui vẻ, làm đủ thứ trò để làm hài lòng khán giả là những giọt nước mắt của chị em hát lô tô mà đâu ai thấu hiểu. Nhiều người nói rằng, bê đê kiếp trước không tu, nên kiếp này mới khổ như vậy”, Minh Anh bồi hồi nói.

Cũng theo Minh Anh, đoàn lô tô không chỉ đơn thuần là tiếng hát của các “bóng hồng chuyển giới” mà ở đó, các cô đào là những nghệ sĩ thực thụ, họ mang đến nghệ thuật xổ số vui tươi, sáng tạo với lời ca mộc mạc dân dã. Mỗi câu hát không chỉ để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người Việt, giữ gìn những tục ngữ, ca dao, mà nói xa hơn là cách để giúp cho di sản văn học dân gian của dân tộc không bị mai một.

Phận đời lô tô: "Bướm đêm" hết thời, vé 10 nghìn đồng rao khan cổ không ai mua - 5

Phận đời lô tô: "Bướm đêm" hết thời, vé 10 nghìn đồng rao khan cổ không ai mua - 6

Trước đây, đoàn lô tô chỉ ghé mỗi vùng quê 1 lần trong năm nên luôn được mọi người đón nhận, rủ rê đi xem như trẩy hội. Nhờ vậy, các đoàn lô tô ăn nên làm ra, từng đêm sáng đèn mỗi cô đào có thể nhận được mức cát-xê kha khá.

Nhận thấy tiềm năng của sân khấu lô tô, nhiều người chạy đua lập đoàn, tạo nên cuộc cạnh tranh khốc liệt. Không ít đoàn chơi trội khi chi tiền mở rộng quy mô, nuôi tham vọng “mẻ to, trúng lớn”. Song không ai ngờ, vài năm trở lại đây, văn hóa nông thôn đã khác và các dịch vụ giải trí mọc lên như nấm chẳng kém mấy thành thị. Khán giả dần không còn mấy mặn mà với sân khấu hội chợ dù các chủ đoàn liên tục tung nhiều chiêu trò để hút khách. Người xem quay lưng, miếng ăn chia nhỏ khiến cuộc sống của những mảnh đời lô tô trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Cố gắng đóng chân ở Phú Yên vài tháng song đoàn lô tô của Xuân Yến vẫn chưa kiếm đủ tiền để chi trả nhiều chi phí như bãi bến, điện nước, lương nhân viên...

Xuân Yến trải lòng: “Lô tô giờ làm ăn rất khó khăn. Mỗi đêm đoàn hát thì chỉ có 7, 8 khách đến. Họ cũng vì tò mò đến xem bê đê hát hò, rồi ra về chứ cũng không chơi trò chơi. Có đêm trời mưa thì không có khách nào luôn. Đoàn đành đắp chiếu. Cả chục con người đói chỏng niêu, chỉ biết trùm chăn ngủ qua ngày”.

Đoàn lô tô của chị Ngọc Mai ở Đồng Nai cũng cùng cảnh ngộ. Chị Mai cho hay, đoàn đã cố gắng thay đổi tiết mục mới lạ, tăng giải thưởng trò chơi song khách cũng không mấy mặn mà. “Lô tô giờ chắc hết thời thật rồi. Vé có 10 nghìn đồng mà rao đến khan cổ họng cũng chẳng ai mua”, chị nói.

Dẫu biết khó khăn, đói – no trong gang tấc, song 15 người trong đoàn của chị Ngọc Mai biết đi về đâu khi họ không nhà, không cửa, không người thân... Chưa kể, với những ánh nhìn kỳ thị của người đời, họ càng phải mạnh mẽ, cố gắng để không bị xem thường, dè bỉu. Một cô đào trong đoàn chị Mai trải lòng: “Chúng tôi lỡ gửi phận mình vào nghiệp lô tô. Chỉ cần được sống đúng với con người thật, đối với chúng tôi thế là đủ. Chúng tôi trót ăn cơm lô tô thì đời này kiếp này phải theo, không tài nào dứt được. Ông tổ ổng ám dữ lắm không thể nói bỏ là bỏ được đâu”.

Phận đời lô tô: "Bướm đêm" hết thời, vé 10 nghìn đồng rao khan cổ không ai mua - 7

So với các tỉnh thành khác thì sân khấu lô tô ở Sài Gòn có phần khởi sắc hơn trong vài năm trở lại đây. Hiện Sài Gòn có các đoàn lô tô ăn khách như Sài Gòn Tân Thời, Hương Nam, Xưa Và Nay, Yêu Nữ Chu Chu, M.R Hí...

Sự hồi sinh của lô tô Sài Gòn diễn ra vào cuối năm 2017, khi có sự xuất hiện của đoàn lô tô Sài Gòn Tân Thời tại một khu vui chơi, ẩm thực ở quận 1, TP.HCM. Lộ Lộ - trưởng đoàn lô tô Sài Gòn Tân Thời đã từ bỏ công việc ổn định để theo đuổi nghề hát lô tô chuyên nghiệp.

Lộ Lộ (tên thật Lâm Quốc Khải) có cơ hội tiếp xúc và thấu hiểu những cảnh đời của nghệ sĩ chuyển giới hát lô tô qua một lần tham gia dự án điện ảnh, và nhận thấy sân khấu lô tô ngày càng lu mờ, ảm đạm nên anh đã cùng nhóm bạn của mình ấp ủ việc lập ra gánh lô tô hình thức mới mang tên Sài Gòn tân thời. Với mong muốn giúp công chúng có cái nhìn mới hơn về hình ảnh nghệ sĩ hát lô tô, Sài Gòn Tân Thời còn tạo sân chơi bổ ích cho cộng đồng LGBT.

"Khi đến trải nghiệm thực tế tại một đoàn lô tô, được nhìn thấy các chị hát và bán vé thì Lộ đã rất cảm động. Từ đó Lộ đã muốn làm một điều gì đó liên quan đến hình thức giải trí dân dã này. Thứ nhất là để khơi lại văn hóa lô tô đang bị dần quên lãng bởi nhiều loại hình giải trí hiện đại khác. Thứ hai là để giúp đỡ các chị, làm cho hình ảnh nghệ sĩ hát lô tô đẹp hơn trong mắt công chúng", Lộ Lộ bộc bạch.

"Sau cơn mưa trời lại sáng", sau những khó khăn vất vả, đoàn lô tô Sài Gòn Tân Thời đã tạo được tên tuổi riêng không chỉ với khán giả tại TP.HCM mà còn thu hút sự chú ý của khán giả trên cả nước, những du khách nước ngoài. Bên cạnh 3 suất diễn vào những ngày cuối tuần thì đoàn còn được mời đi diểu diễn ở tỉnh, ở những sự kiện lớn. Cũng từ đó, các thành viên trong đoàn có được một nguồn thu nhập ổn định hơn, đời sống phần nào được cải thiện.

Phận đời lô tô: "Bướm đêm" hết thời, vé 10 nghìn đồng rao khan cổ không ai mua - 9

Vào tháng 09.2019, đoàn Sài Gòn Tân Thời chính thức nhận lời mời từ đối tác đến biểu diễn tại Úc trong 2 tuần. Trước đó, đoàn cũng hoàn tất 2 chuyến đi Đài Loan biểu diễn, giao lưu văn hóa tại một hội chợ văn hóa quốc tế.

“Chuyến đi đã giúp đoàn có những trải nghiệm, đồng thời khẳng định một điều tưởng như chỉ có ở trong mơ đối với các nghệ sĩ, nhưng nay điều đó đã hoàn toàn trở thành sự thực là mang văn hóa lô tô đến với môi trường quốc tế. Tôi nghĩ sân khấu lô tô vẫn còn hi vọng, chỉ cần chúng ta cùng chung tay cố gắng”, Lộ Lộ chia sẻ.

Cũng trong năm 2019, chương trình “Lô tô show” ra mắt công chúng, nhằm tôn vinh sân khấu đã gắn liền với thời thơ ấu của nhiều thế hệ khán giả. Ngoài ra, chương trình cũng là cơ hội để những nghệ sĩ lô tô được xuất hiện trước khán giả và trình diễn tiết mục chuyên nghiệp, có sự đầu tư chỉn chu.

"Từ những người nghệ sĩ đứng trên sân khấu nghiệp dư, dựng từ bãi đất trống, bây giờ được bước lên sân khấu truyền hình, đó là sự hãnh diện không hề nhỏ. Tôi xin khẳng định điều đó và trân trọng từng phút giây ấy nên có những tập, chị em chúng tôi phải tập luyện sáng đêm để không phụ lòng khán giả.

Bên cạnh đó, ngoài việc chăm chút cho sự xuất hiện trên truyền hình, chúng tôi còn đặt ra tiêu chí là phải sống ra sao đằng sau vai diễn trên sân khấu? Đó là điều rất khó. Tôi tin chắc rằng sau chương trình này, đời sống của các chị em sẽ được thay đổi không chỉ ở vấn đề thu nhập mà còn cả những định kiến khán giả cho người nghệ sĩ như chúng tôi", một cô đào lô tô phát biểu khi tham gia chương trình.

Theo cô đào nổi tiếng BB Phụng, để trở thành nghệ sĩ gọi lô tô không phải dễ, không phải tay ngang có thể làm được. Tất cả đều phải trải qua các khâu, từ công việc cơ bản đầu tiên đó là bán vé, dọn bến, phải bưng từng tấm tôn để dựng sân khấu, bước lên sân khấu phải hát sao cho tròn trịa, cho hay và quan trọng là phải có duyên nữa. Việc hát cũng phải có tư duy và chịu khó học hỏi để mang đến sự mới lạ, hấp dẫn cho khán giả.

Tuyến bài dài kỳ: Phận đời lô tô

Bài tiếp theo: "3 cô đào khiến Hoài Linh, Trấn Thành... phải cúi đầu bái phục" sẽ được ra mắt độc giả vào ngày mai, 25/6 trên mục "Đời sống showbiz", kính mời quý độc giả đón xem.

Phận đời lô tô: "Bướm đêm" hết thời, vé 10 nghìn đồng rao khan cổ không ai mua - 10

Content & Media: Phan Trai Úc

Sự kiện: Phận đời lô tô
Thứ Tư, ngày 24/06/2020 10:00 AM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Phan Trai Úc ([Tên nguồn])